Nốt sưng nhỏ ở mắt khi nào có thể thành biến chứng lớn?

Nhiều người chủ quan với nốt sưng đỏ trên mi mắt, tự ý nặn mủ hoặc để tự khỏi, điều này có thể khiến viêm lan rộng, thậm chí phải phẫu thuật nếu không điều trị sớm.

 Lẹo là viêm cấp có mủ ở nang lông mi, thường do cầu khuẩn gây nên. Ảnh: Shutterstock.

Lẹo là viêm cấp có mủ ở nang lông mi, thường do cầu khuẩn gây nên. Ảnh: Shutterstock.

Theo ThS.BS Lê Ngô Minh Như, Phòng khám Ngũ Quan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), chắp lẹo là tình trạng viêm thường gặp ở mi mắt, xuất hiện dưới dạng một nốt sưng đỏ, đau, có thể có mủ, gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Hiện, việc kết hợp Đông - Tây y trong điều trị chắp lẹo được nhiều người lựa chọn nhờ hiệu quả cao, an toàn và giảm nguy cơ tái phát.

Bác sĩ Như cho hay chắp và lẹo thực chất là hai bệnh lý khác nhau. Lẹo mắt, còn gọi là Hordeolum, là tình trạng viêm cấp tính có mủ, thường do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra. Người bệnh cảm thấy đau, đỏ, sưng và nốt lẹo có thể tự vỡ, chảy mủ sau vài ngày.

Trong khi đó, chắp (Chalazion) là tình trạng viêm mạn tính không nhiễm khuẩn, do tắc nghẽn tuyến Meibomius hoặc tuyến Zeiss. Chắp tạo thành một khối u nhỏ trên mi mắt nhưng thường không gây đau rõ rệt.

Chẩn đoán chắp lẹo chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng. Bác sĩ quan sát mi mắt để xác định vị trí sưng, đỏ và đau, đồng thời sờ nắn để phân biệt. Lẹo thường mềm, đau và có mủ, trong khi chắp thường rắn, không đau hoặc chỉ gây cảm giác tức nhẹ.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ khai thác thêm tiền sử bệnh, các yếu tố kích thích như thói quen dụi mắt, tiếp xúc bụi bẩn, stress hoặc rối loạn tuyến bã. Một số trường hợp bệnh tái phát nhiều lần có thể cần kiểm tra thị lực hoặc nhãn áp để loại trừ nguyên nhân sâu xa.

Trong điều trị Tây y, chườm ấm là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Bệnh nhân được khuyến cáo chườm ấm 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 10-15 phút để tăng tuần hoàn, làm mềm tổ chức và hỗ trợ thoát mủ.

Bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt hoặc mỡ tra mắt chứa kháng sinh như chloramphenicol hoặc tobramycin nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng. Trường hợp lẹo nhiều, viêm lan rộng hoặc bệnh nhân có sức đề kháng kém, có thể cần dùng kháng sinh đường uống. Riêng với chắp kích thước lớn, tồn tại lâu mà không tự tiêu, bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật tiểu phẫu dẫn lưu.

Trong khi đó, y học cổ truyền xếp chắp lẹo vào chứng “châm nhãn”, cho rằng nguyên nhân bệnh là do phong nhiệt bên ngoài kết hợp với thấp nhiệt trong cơ thể. Nguyên tắc điều trị là thanh nhiệt, giải độc và tán kết.

Các bài thuốc uống như ngân kiều giải độc thang với các vị liên kiều, cát cánh, kinh giới, đạm đậu xị, ngưu bàng tử, kim ngân hoa, bạc hà, cam thảo thường được sử dụng để giảm viêm, giải độc.

Bên cạnh đó, châm cứu và bấm huyệt tại các vị trí như tinh minh, toàn trúc, ngư yêu, hợp cốc giúp điều hòa khí huyết, hỗ trợ tiêu viêm. Một số trường hợp lẹo đã sưng đỏ, mưng mủ nhưng chưa tự vỡ có thể được áp dụng phương pháp chích lể (lể huyết).

Biện pháp này có tác dụng tiêu viêm, giảm đau nhanh, giúp lẹo hoặc chắp tiêu đi nhanh hơn, nhưng chống chỉ định với những người sợ máu, có rối loạn đông máu hoặc cơ thể suy nhược.

Điều trị kết hợp Đông - Tây y có nhiều ưu điểm, vừa giúp xử lý nhanh các triệu chứng cấp tính, vừa hỗ trợ điều hòa cơ thể, nâng cao sức đề kháng, từ đó hạn chế bệnh tái phát. Việc sử dụng Đông y đúng cách cũng giúp giảm lạm dụng kháng sinh và hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.

Để phòng ngừa chắp lẹo, bác sĩ Như khuyến cáo người dân cần vệ sinh mắt và tay thường xuyên, tránh dụi mắt khi tay bẩn, không dùng chung khăn hay đồ trang điểm mắt. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng đủ vitamin A, C, E và kẽm cũng rất cần thiết để giữ cho mắt khỏe mạnh. Việc kiểm soát stress, ngủ đủ giấc cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/not-sung-nho-o-mat-khi-nao-co-the-thanh-bien-chung-lon-post1566693.html