'Nốt trầm' trong 'bản nhạc V-League'

Một mùa V-League mới nữa vừa bắt đầu khởi tranh. Vẫn như mọi năm, V-League vẫn được người hâm mộ kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên những điểm nhấn mới cho nền bóng đá nước nhà. V-League dù không ngừng đổi mới trong suốt thời gian qua nhưng vẫn còn đó 'nốt trầm' trong 'bản nhạc V-League'.Có thể nói rằng, 'ăn xổi' vẫn là vấn đề kéo dài của V-League trong nhiều mùa giải vừa qua. Các câu lạc bộ (CLB) thành lập mới, hay có nhà đầu tư mới đều đầu tư rất mạnh tay để nâng cấp đội hình của mình. Những năm gần đây, nhiều CLB nổi lên nhanh chóng sau khi liên tục bổ sung lực lượng.

CLB Công an Hà Nội là một thế lực mới ở V-League 2023 ngay khi vừa lên hạng với sự góp mặt của nhiều tân binh chất lượng. Ảnh: Vietnamnet.vn

CLB Công an Hà Nội là một thế lực mới ở V-League 2023 ngay khi vừa lên hạng với sự góp mặt của nhiều tân binh chất lượng. Ảnh: Vietnamnet.vn

Ở mùa giải 2022, Bình Định nổi lên như một “ông lớn” ở V-League sau khi được sự tài trợ lớn từ một doanh nghiệp bất động sản đã chi đến 110 tỷ đồng để mang về 13 tân binh gồm những cái tên nổi bật của bóng đá Việt Nam như: Văn Lâm, Đình Trọng, Hồng Quân, Đức Chinh, Tấn Tài, Hoàng Anh… Những cầu thủ này đều là những sao số của bóng đá Việt Nam trong những năm qua.

Kết quả, Bình Định cán đích ở vị trí thứ 3 sau khi V-League 2022 hạ màn. Một sự đầu tư rất lớn để mang về thành tích gần như tức thì cho Bình Định. Với lực lượng tân binh nhiều hơn một đội hình cùng nhiều ngoại binh có sẵn trong tay thì thành tích của Bình Định gần như không có nhiều đóng góp của các cầu thủ trẻ địa phương.

Ở V-League 2023, Công an Hà Nội được xem là một thế lực mới khi “vung tiền” đem về những ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam. Các ngôi sao lần lượt cặp bến tân binh của V-League có thể kể đến như: Văn Hậu, Văn Thanh, Văn Đức, Tiến Dũng, Tiến Dụng, Ngọc Đức, Tấn Tài… Sẽ nói không quá khi Công an Hà Nội sở hữu cho mình một “Đội tuyển Việt Nam thu nhỏ” với những trụ cột đang tỏa sáng trong màu áo đội tuyển. Sự đầu tư đã ngay lập tức mang lại hiệu quả khi Công an Hà Nội thắng giòn giã đội đứng hạng Ba mùa trước là Bình Định với tỷ số 5-0.

Với sự cặp bến của các tân binh, tất nhiên các cầu thủ trẻ ở Công an Hà Nội cũng không có nhiều cơ hội để ra sân ở V-Leauge. Điều đáng chú ý là các pha lập công của Công an Hà Nội cũng không có cái tên Việt nào khi đều nhờ công của các ngoại binh. Việc Bình Định hay Công an Hà Nội sử dụng nguồn lực tài chính để mua ngôi sao từ các đội khác để làm mạnh đội hình cho thấy khâu tạo nguồn lực cầu thủ tại chỗ của hai đội bóng này là chưa thực sự mạnh.

Ở V-League hiện nay, số CLB có thể “tự chủ” cho mình được nguồn lực cầu thủ kế cận không quá nhiều khi chỉ có Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Sông Lam Nghệ An, Bình Dương, Đà Nẵng… đều đặn cho ra mắt những cầu thủ tốt và thi đấu thành công từ lò đào tạo của mình.

Nhưng để đủ lực lượng cầu thủ để V-League có thể cung cấp cho các cấp Đội tuyển thì những đội bóng nói trên không là chưa đủ. Nhiều ý kiến cho rằng huấn luyện viên Park Hang-seo đã không thể giúp cho Đội tuyển Việt Nam đa dạng trong lối chơi. Nhưng đây cũng là một bài toán khó cho HLV người Hàn Quốc khi lực lượng cầu thủ chất lượng ở giải đấu hàng đầu lại quá đơn điệu.

Việc đầu tư lớn để sớm có thành tích ở các CLB là điều dễ hiểu nhưng các đội cũng cần có sự đầu tư cho công tác đào tạo trẻ. Nhiều CLB của V-League trước đây đã thất bại khi nhà tài trợ rút đầu tư khiến cho đội bóng không còn đủ khả năng để “tồn tại” trong môi trường bóng đá khắc nghiệt như: The Vissai Ninh Bình, Than Quảng Ninh hay Xuân Thành Sài Gòn. Ngay chính CLB Bình Định cũng đứng trước nguy cơ giải thể khi V-League chuẩn bị khởi tranh.

Đào tạo cầu thủ trẻ cũng là một nguồn tài chính quan trọng giúp cho các CLB duy trì hoạt động của mình bên cạnh kinh phí từ nhà tài trợ. Hiện tại, V-League vẫn chưa có đội bóng nào đảm bảo có thể lấy bóng đá để tự nuôi chính mình. Nhưng nhiều CLB như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An đã có thể thu được kinh phí từ đào tạo và chuyển nhượng cầu thủ. Từ các lò đào tạo nói trên, nhiều cầu thủ đã được chuyển nhượng đến các CLB mới để tạo nên tên tuổi. Và hầu như các cầu thủ nổi bật hiện tại đa phần đều xuất thân từ các lò đào tạo kể trên.

Việc không thể đa dạng trong công tác đào tạo trẻ do hệ quả từ việc nhanh chóng giành được thành tích khiến cho các tuyến đội tuyển của Việt Nam cũng mất đi sự đa dạng về lực lượng. Ở châu Âu, mỗi CLB bóng đá chuyên nghiệp luôn gắn liền với một học viện đào tạo trẻ để tự tạo nguồn lực lượng cho chính mình. Tất nhiên không thể so sánh các CLB ở châu Âu với V-Lerague nhưng đó cũng là một ví dụ trực quan để cho thấy nét “trầm” vẫn còn cố cựu chờ thay đổi ở giải đấu hàng đầu Việt Nam đang ngày càng đổi mới.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202302/not-tram-trong-ban-nhac-v-league-971095/