NSND Bảy Nam - Người tải đạo trên sân khấu
Với NSND Kim Cương, tấm gương lao động nghệ thuật của má Bảy Nam là kim chỉ nam để bà và nhiều thế hệ nghệ sĩ noi theo
NSND Kim Cương cho biết sau triển lãm "Sắc màu sân khấu" cách đây không lâu, CLB Phóng viên sân khấu - Ban Lý luận phê bình đã đặt vấn đề tổ chức một cuộc triển lãm về mẹ của bà - NSND Bảy Nam. Với chủ đề "NSND Bảy Nam - Người mẹ trên sân khấu kịch miền Nam" thật sự chạm đúng những điều bà muốn nói về mẹ của mình mà chưa có dịp.
Chọn sân khấu là cuộc đời
.Phóng viên: Bà chủ trương không tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất hằng năm cho mẹ mình nên rất đông khán giả và nghệ sĩ có phần tiếc với bậc tiền bối được xem là "Bức tượng đài của sân khấu khi diễn các vai người mẹ". Phải chăng sâu xa có một ẩn tình nào khiến bà ngần ngại?
- NSND KIM CƯƠNG: Nhiều người đã bày tỏ với tầm ảnh hưởng sâu rộng của má tôi trong nghệ thuật, bà xứng đáng có một không gian văn hóa dành cho một danh nhân thành công ở lĩnh vực sân khấu. Có nhiều bạn bè là doanh nghiệp sẵn sàng tặng tiền, hiến đất để tôi làm điều đó nhưng tôi từ chối, bởi má tôi sống giản dị, không thích phô trương. Sau gần một năm gác bỏ đau buồn vì mất mẹ, tôi soạn trong ngăn tủ của má, thì đọc được nhiều lá thư cảm ơn của các báo, các tổ chức vận động từ thiện, cảm ơn "Bà Tư bán chè", "Má cô Diệu", "bà Năm bán cháo lòng"… Không có lá thư nào ghi tên má tôi. Do vậy, tôi chủ trương không tổ chức lễ tưởng niệm hằng năm. Ngày giỗ cũng chỉ là một mâm cơm chay cúng má và không thiếu trái sầu riêng để trên bàn thờ.
.Với bà, NSND Bảy Nam không chỉ là mẹ mà còn là một người thầy, người "bạn diễn" ăn ý trên sân khấu. Bà chọn những bức ảnh triển lãm với tinh thần này?
- Ông ngoại tôi là một nhà nho nên rất thành kiến với nghề hát. Dì Năm tôi là nghệ sĩ Năm Phỉ từ khi theo gánh hát đã bị gia đình từ mặt, đến ngày cha mất cũng không được về để thọ tang. Sau khi ông ngoại tôi qua đời, má tôi mới dám theo nghề hát, nhưng tiếp tục bị người cậu phản đối. Có một kỷ niệm khó quên, người cậu túm hai chân của má tôi, treo ngược ngay mương nước hỏi: "Mày đi học thì tao tha, còn đi hát như Năm Phỉ tao cho chết đuối". Má tôi khóc: "Anh tha em, em đi học". Nhưng khi được thả ra, má tôi liền nói: "Tôi không sợ anh đâu, tôi đi hát". Thế hệ của má tôi làm nghề gian nan và tôi may mắn được đồng hành cùng má. Ở triển lãm này, mỗi bức ảnh gần như có linh hồn, nhắc nhở tôi sống đúng theo đạo hát mà má tôi đã gầy dựng, đó là không chà đạp nhân phẩm nghệ sĩ, làm đúng trọng trách Tổ nghiệp đã giao phó là chỉnh sửa nhân cách. Sân khấu là chiếc gương soi hữu dụng, dẫn lối cho người lầm lạc nhận ra chân giá trị lương thiện.
.Có phải vì thế mà bà chọn bức ảnh quý của gia đình làm điểm nhấn của triển lãm?
- Điểm tựa của người nghệ sĩ chính là mái ấm gia đình. Má tôi làm đến 4 đầu việc: tác giả, đạo diễn, đào hát và bà bầu. Chưa một nữ nghệ sĩ nào chịu cực nhọc giỏi như má tôi. Bà lao tâm khổ trí, biết mình không đủ sắc vóc như NSND Phùng Há để làm đào chánh, má tôi chấp nhận làm đào phụ, đào tính cách. Hàng trăm vai diễn đủ loại độc, lẳng, mụ… má tôi đều kinh qua. Ba chị em nhà tôi học được từ má biết nhìn rõ mình để dấn bước. Khi em trai tôi - Ngọc Thố qua đời, má tôi đau buồn lắm và gửi gắm tất cả nỗi niềm vào thân phận những người mẹ mất con.
Bà mẹ của nhiều thế hệ
.Bà luôn nói NSND Bảy Nam cống hiến cho nghệ thuật đến tuổi 89 nhưng tại sao bà lại giã từ sân khấu quá sớm?
- Đó là cái lỗi lớn nhất của tôi đối với má tôi. Có những đêm nhớ sân khấu quá, tôi ngồi trước bàn thờ má tôi và đọc thoại những câu mà cô Diệu đã từng nói với bà Tư - vai của má tôi. Thật sự tôi không đủ can đảm để đi tiếp con đường gian khổ như má tôi đã đi. Tôi chọn một hướng đi khác, làm công tác xã hội, làm người truyền giảng cái đạo hát sáng ngời mà tôi vinh dự được thừa hưởng. Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM đã tạo điều kiện để tôi được giảng dạy, đến các khóa học trò chuyện, giao lưu, cắt nghĩa cho các em cháu còn mê sân khấu cố giữ cái đạo của nghề.
.Trong số những bức ảnh tư liệu của mẹ, bà trân quý nhất bức nào?
- Má tôi chụp với con tôi trong chuyến đi lưu diễn vở "Lá sầu riêng" tại Hà Nội. Có nhiều diễn viên đóng vai bé Sang nhưng Gia Vinh - con trai tôi, đứa bé bị bắt cóc tống tiền năm nào, diễn vai bé Sang được má tôi thương nhất. Vì những suất diễn đó, ba thế hệ má, tôi và con tôi cùng đứng trên một sàn diễn. Bây giờ con tôi đã là người đàn ông thành đạt, 47 tuổi rồi nhưng tôi vẫn thèm khát níu kéo thời gian để được diễn lại vở "Lá sầu riêng" giai đoạn đó.
.Không gian triển lãm và tọa đàm về NSND Bảy Nam đã để lại trong lòng bà điều gì?
- Mỗi nghệ sĩ tâm sự, nói lên suy nghĩ của mình về má tôi, làm nước mắt tôi cứ chảy dài. Má Bảy Nam bây giờ không chỉ của riêng tôi, mà là má của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Tôi không dám tự hào nói những bài học của má tôi qua buổi tọa đàm sẽ thay đổi tâm tính làm nghề của ai, chỉ mong những lời kể về má, thế hệ trẻ làm nghệ thuật sẽ nghe và chỉnh sửa. Má tôi không bao giờ quên thoại, nói ẩu trên sân khấu. Đi tập, đi diễn, đều đến sớm hơn mọi người. Hồi đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm má, khuyên cô Bảy cao niên nên nghỉ ngơi, đừng đi diễn. Nhưng má tôi thưa: "Có tôi yểm trợ, con cháu làm nghề không dám xao lãng chuyện rèn nghề". Tấm gương lao động nghệ thuật của má tôi là kim chỉ nam để tôi luôn noi theo, sống và làm việc tử tế.
.Vượt qua định kiến khắt khe của gia đình, xã hội để gắn với sân khấu là những nỗ lực đáng trân trọng của những thế hệ nghệ sĩ đi trước. Bà luôn ghi nhớ lời dạy của cố NSND Bảy Nam?
- Má tôi có lần xem tivi thấy một cô đào diễn vai kinh điển của cải lương tuồng cổ mà ca trật lời, diễn trật tâm lý. Bà nói tôi tìm bằng được để mời lên nhà bà cắt nghĩa, giúp cô hoàn thiện vai tuồng. Má tôi nói sân khấu không phải là một nghề mà là đạo, dạy cho con người sống tốt đẹp hơn. Người nghệ sĩ phải có sự hy sinh để làm cho nghề và đạo tốt đẹp. Không thể vì hám danh lợi mà làm ô uế nghề, làm xấu thế hệ trẻ. Trước khi muốn là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, phải có văn hóa, có bản lĩnh và nhân cách.
Mãi là tấm gương sáng
Triển lãm "NSND Bảy Nam - Người mẹ trên sân khấu kịch miền Nam" khai mạc sáng 15-10 tại số 5B Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM. Dịp này, Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu giữa NSND Kim Cương với khán giả.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, NSND Bảy Nam chưa bao giờ yêu cầu con cái đáp ứng nhu cầu về vật chất. Điều bà mong mỏi nhất ở NSND Kim Cương là cố gắng viết những kịch bản hay, ý nghĩa. "Bà mãi là tấm gương sáng, một người mẹ và một vị tổ của giới sân khấu mà chúng tôi tôn kính" - ông nhấn mạnh.
Nâng niu, gìn giữ giá trị truyền thống
Mới đây, NSND Minh Vương đã tổ chức triển lãm ảnh đời nghệ sĩ của mình. Trước đó, NSND Kim Cương thực hiện hồi ký audio, gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn thu âm truyện ngắn của ông... Theo NSND Kim Cương, kết hợp triển lãm ảnh với tọa đàm, giao lưu là một xu hướng tích cực. Những hình ảnh, câu chuyện về người thật, việc thật giúp khán giả cũng như các nghệ sĩ trẻ hiểu hơn, từ đó sẽ nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống.
"Hội Sân khấu TP HCM kết hợp với Hội Nhiếp ảnh TP sẽ tổ chức triển lãm ảnh của má tôi và tôi trong thời gian tới, sau đó có thể sẽ ra mắt hồi ký audio của tôi. Nhiều công việc từ thiện mang tính cộng đồng cũng đã được triển khai nhằm bổ sung vào quỹ học bổng mang tên má tôi dành cho con em nghệ sĩ nghèo hiếu học. Tôi ước mong quỹ học bổng này sẽ được giữ mãi" - NSND Kim Cương bày tỏ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nsnd-bay-nam-nguoi-tai-dao-tren-san-khau-20201017204954795.htm