NSND được phong Đại tá ở tuổi 42, trở thành 'nữ tướng' trên sân khấu là ai?

NSND Nguyễn Thị Thu Hà gắn bó 35 năm với nghệ thuật múa quân đội, để lại dấu ấn đặc biệt qua nhiều tác phẩm về đề tài dân tộc và lực lượng vũ trang.

Con đường đến với nghệ thuật múa

Sinh năm 1972 tại Hà Nội, NSND Nguyễn Thị Thu Hà bắt đầu con đường nghệ thuật từ năm 14 tuổi khi được tuyển vào Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ban đầu với dáng người gầy và nhỏ, chị phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình rèn luyện. "Những buổi tập ép dẻo, bám gióng bật cả móng chân, nước mắt lẫn mồ hôi cứ lăn dài... nhưng hình như trong tôi chưa bao giờ khuất phục", chị chia sẻ.

Nghệ sĩ Thu Hà kể rằng gia đình không ai theo nghệ thuật, chị chỉ tình cờ theo bạn đi tuyển. Ban đầu nữ nghệ sĩ chưa thực sự yêu thích nghề nhưng qua quá trình học tập và rèn luyện, niềm đam mê với múa ngày càng lớn dần.

Sau khi tốt nghiệp, chị công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV (nay là Đoàn Văn công Quân khu IV). Với mong muốn được tự do sáng tạo và gắn bó lâu dài với nghề, chị quyết định theo học chuyên ngành biên đạo múa và tốt nghiệp xuất sắc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 2001.

Hành trình sáng tạo và khẳng định tài năng

Tác phẩm đầu tay Tình quê (nhạc: Hữu Thái) của NSND Thu Hà đã giành giải Nhì Biên đạo trẻ toàn quốc năm 2001. Lấy cảm hứng từ câu ca dao "Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon", tác phẩm miêu tả cuộc sống mộc mạc hạnh phúc của đôi vợ chồng nơi làng quê.

Niềm đam mê với múa dân gian truyền thống thôi thúc chị đi khắp mọi miền đất nước, đến tận những bản làng xa xôi để tìm hiểu, sưu tầm chất liệu. Nghệ sĩ kể lại những kỷ niệm đáng nhớ khi được tham gia cùng đồng bào dân tộc nhuộm vải bằng nước từ các loại cây.

Là một người lính và con của một giáo viên dạy văn, các tác phẩm của nghệ sĩ Thu Hà luôn mang đậm dấu ấn văn học và đề tài lực lượng vũ trang. Điều này được thể hiện rõ qua các tác phẩm như Đồng chí, Tiểu đội xe không kính lấy cảm hứng từ thơ Chính Hữu và Phạm Tiến Duật, đều giành được Huy chương Vàng và nhiều giải thưởng cao quý.

"Em bé Tượng đài" - Dấu ấn đặc biệt của năm 2024

Năm 2024, trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, NSND Thu Hà được giao nhiệm vụ tạo dựng mô phỏng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trong màn xếp hình nghệ thuật Bản anh hùng ca Điện Biên.

Điều đặc biệt trong quá trình thực hiện là việc tìm kiếm nhân vật "Em bé Tượng đài". "Ba nhân vật chiến sĩ lựa chọn trong tầm tay, chỉ có nhân vật bé gái mới phải tìm cho phù hợp", chị kể. Dưới cái nắng 40 độ C ở SVĐ tỉnh Điện Biên, sau nhiều lần thử vai không thành công, chị may mắn tìm được bé Vy Trâm 4 tuổi - một cô bé hoạt bát, nhanh nhẹn và đặc biệt yêu quý các chú bộ đội.

Hành trình chinh phục những đỉnh cao mới

Trong suốt quá trình cống hiến, NSND Thu Hà đạt được những thành tựu đáng tự hào. Ở tuổi 42, chị vinh dự được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Một năm sau đó, chị được thăng quân hàm Đại tá và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Năm 50 tuổi, chị được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho cụm 4 tác phẩm xuất sắc.

NSND Thu Hà nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

NSND Thu Hà nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Với cương vị là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thực hành Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chị không ngừng đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật múa dân tộc. "Biên đạo là nghề sáng tạo nhưng phải luôn giữ được 2 yếu tố: dân tộc và hiện đại. Dân tộc để không 'phôi phai' truyền thống, đánh mất chính mình; hiện đại để phù hợp với quy luật phát triển và hơi thở cuộc sống", chị khẳng định.

Luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", NSND Thu Hà tiếp tục cống hiến không mệt mỏi cho nền nghệ thuật múa Việt Nam, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống vừa không ngừng sáng tạo để theo kịp nhịp sống đương đại.

NSND Thu Hà trong một chương trình truyền hình:

Video: NTV

Minh Phi (tổng hợp)

Ảnh: Tư liệu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-ta-thu-ha-len-nsnd-o-tuoi-42-tro-thanh-nu-tuong-tren-san-khau-nghe-thuat-2365022.html