NSND Hoàng Quỳnh Mai: Kiên trì, đắm đuối khai thác những thân phận phụ nữ
Tôi bị ám ảnh bởi vở diễn này, tôi làm nhiều nhưng lần này cứ vật lộn, sợ hãi như mới vào nghề. Sự không tự bằng lòng mới quyến rũ và giữ được khán giả- NSND, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ về vở diễn 'Nguyễn cầm ca- Kiều' vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng.
Tên tuổi của Hoàng Quỳnh Mai được tỏa sáng từ sau vở cải lương "Cung phi Điểm Bích". Vở diễn đã tạo nên một cơn sốt cải lương tại Hà Nội những năm 2007-2008.
Sau này với những vở "Bến nước Ngũ Bồ", "Trọn đời Trung hiếu với Thăng Long", "Gươm thiêng trao trả rùa thần", "Vú Cát", "Cổ tích một tình yêu", "Vua Thánh triều Lê" và mới đây là "Hà Nội gió mùa"... đã tạo được dấu ấn đặc biệt của Hoàng Quỳnh Mai với sân khấu cải lương.
Chị liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn về vở diễn, đạo diễn xuất sắc trong một thời gian ngắn, với danh mục giải thưởng nhiều người mơ ước và phải thực hiện trong nhiều năm.
Xem Cải lương của Hoàng Quỳnh Mai cảm nhận được sự dịu dàng, nữ tính. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới, nhiều đạo diễn khác đã dàn dựng Cải lương rất ít ca thì với các vở diễn của Hoàng Quỳnh Mai, các nghệ sĩ đều phải ca từ đầu đến cuối. Điều đó thực sự làm thỏa lòng người mộ điệu cải lương truyền thống.
Mới đây, vở diễn "Nguyễn cầm ca- Kiều" được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai tiếp tục thể hiện sở trường của mình. Quả thực, nếu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, "Nguyễn cầm ca- Kiều" rất có thể sẽ làm nên một cơn sốt vé thứ 2 của cải lương Bắc sau "Cung phi Điểm Bích".
Nhà văn Nguyễn Hiếu từng hai lần viết kịch bản chuyển thể Truyện Kiều cho sân khấu: Kiều cho Nhà hát Kịch Việt Nam do cố NSND Anh Tú dàn dựng. Thân phận nàng Kiều cho Nhà hát Múa rối Việt Nam. Kịch bản cải lương Nguyễn cầm ca- Kiều của ông viết cho Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSƯT Phan Ngọc Chi chuyển thể cải lương là một lát cắt mang màu sắc tươi mới.
Vở diễn bắt đầu từ cảnh Thúy Kiều nằm mộng gặp Đạm Tiên, dự báo trước cuộc đời chìm nổi của nàng. Điểm nhấn của vở diễn tập trung vào những phân đoạn Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, Kiều gặp Thúc Sinh và Kiều gặp Từ Hải với một số tình tiết được làm mới và khác với nguyên gốc của Truyện Kiều, Nguyễn Du.
Nếu như trong "Truyện Kiều", bi kịch của nàng Kiều bắt đầu từ thằng bán tơ sợ tội đổ oan, thì trong "Nguyễn cầm ca - Kiều" bi kịch của nàng lại xuất phát từ lý do bởi nàng tài sắc vẹn toàn, nên bị mụ Tú Bà bày mưu, tính kế, sai người giăng bẫy và tìm mọi cách để buộc nàng phải vào lầu xanh.
Ngoài ra, nữ đạo diễn không kết thúc câu chuyện ở việc Kiều gặp lại gia đình và đoàn tụ cùng Kim Trọng. "Nguyễn cầm ca- Kiều" khép lại khi Kiều tin lời Hồ Tôn Hiến, thương dân phải chinh chiến lầm than nên khuyên Từ Hải đầu hàng. Và Từ Hải đã chết đứng vì trúng gian kế. Tuy nhiên, với nước mắt và tiếng đàn của Kiều, Từ Hải đã sống lại, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời Kiều.
Lý giải về cái kết này, NSND, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Từ nhỏ lớn lên bằng những câu Kiều. Lớn lên đi học nghề, tôi ước mơ một lần dàn dựng Kiều lên sân khấu Cải lương. Khi bắt tay vào làm thì áp lực rất lớn bởi sân khấu Cải lương Hà Nội đã làm rất thành công. Ngày hôm nay, tôi muốn gửi gắm cái nhìn về cuộc đời Kiều với cái nhìn trẻ trung hơn. Ngày bé, cứ đến đoạn Từ Hải chết là tôi khóc, ước gì ông ấy còn sống cô ấy sẽ không khổ đến vậy. Đó là ước mơ chung của phụ nữ là mong muốn một cái kết có hậu, cái đẹp cho cuộc đời. Cái đẹp cần được tôn vinh bởi cái Chân và cái Thiện. Nếu có Chân, Thiện thì phụ nữ sẽ không bị chà đạp. Tôi gửi gắm vào cái kết đó tất cả những khao khát, Kiều đáng được Từ Hải nâng niu, yêu thương cả một cuộc đời, chứ không để hồng nhan bạc phậc".
Nữ đạo diễn cũng giải thích vì sao vở diễn là "Nguyễn cầm ca- Kiều". Theo NSND Hoàng Quỳnh Mai, GS Trần Văn Khê khảo cứu và khẳng định "nguyễn cầm" chính là tên cây đàn Thúy Kiều chơi trong Truyện Kiều, cho nên vở cải lương này lấy cảm hứng từ tiếng đàn của Kiều và lấy tên cây đàn cho vở diễn. GS Trần Văn Khê từng có bài nghiên cứu về âm nhạc trong Truyện Kiều, tổng kết những lần Kiều chơi đàn với nhiều cung bậc cảm xúc và đặc biệt gắn với những dấu mốc đáng nhớ của cuộc đời cô Kiều. Khi đánh đàn cho Kim Trọng thì: Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như nước suối mới sa nửa vời/Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Khi đánh đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư nghe thì: Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng. Còn khi đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến: Một cung gió thảm mưa sầu/Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.
Bởi vậy, sân khấu của vở diễn cũng được trang trí bởi những cung đàn. Sân khấu được bày trí bởi 4 cây đàn nhưng biến hóa thành nhiều không gian khác nhau, tạo nên những dáng vẻ đàn khác nhau từ các chi tiết như hình dáng của phụ nữ. Khi Từ Hải chết cây đàn ngã gục xuống…những hình ảnh đầy ẩn ý.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ bị giảm 6kg để hoàn thành vở diễn này. Dù là một đạo diễn đầy kinh nghiệm, nhưng nữ đạo diễn cho biết: "Tôi đã làm nhiều vở diễn song vẫn bị ám ảnh bởi vở diễn này. Dựng "Nguyễn cầm ca- Kiều", tôi vật lộn, sợ hãi như mới vào nghề. Và tôi chưa bao giờ bằng lòng với những sản phẩm của mình. Sự không tự bằng lòng mới quyến rũ và giữ được khán giả".
Sân khấu cải lương nói riêng và lĩnh vực sân khấu nói chung đang trải qua rất nhiều khó khăn, cực nhọc để làm nghề và giữ nghề. Dường như việc "ngọn lửa" Hoàng Quỳnh Mai vẫn đang bền bỉ cháy, là động lực cho rất nhiều những người nghệ sĩ đang thầm lặng theo nghề và cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.../.