NSND Năm Châu: Kỳ nhân sông Tiền
Tiền Giang được mở rộng và phát triển từ đất Mỹ Tho xưa và còn được gọi là đất tổ của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Hiện tỉnh có tới 8 Nghệ sỹ Nhân dân (NSND), 12 Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) đều thuộc ngành sân khấu cải lương. Nghệ sĩ nổi bật đáng kể đầu tiên là NSND Năm Châu (1906 - 1977).
Hiện cuộc thi giọng hát mang tên Nguyễn Thành Châu (tức Năm Châu) vẫn diễn ra tại Mỹ Tho và được hàng trăm giọng hát trẻ từ khắp nơi tham gia rất sôi nổi.
Những mối lương duyên kỳ diệu trên sân khấu
Khi tham gia hát cho đoàn cải lương của thầy Năm Tú (ở chợ Mỹ Tho), Nguyễn Thành Châu mới ở tuổi 16. Chàng trai này có giọng hát bẩm sinh đến kỳ lạ. Âm sắc ấm áp vang xa. Trường hơi và diễn xuất rất tự nhiên. Anh được thầy Năm Tú dạy diễn xuất và đặt cho nghệ danh Năm Châu.
Năm Châu có thú chơi đờn ca tài tử từ rất sớm. Sinh ra trong một gia đình quan lại nhỏ, được học hành chu đáo nhưng Nguyễn Thành Châu lại say mê ca hát. Học hết cấp hai, cậu quyết bỏ học để dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Chỉ vài năm sau Năm Châu đã trở thành ngôi sao và luôn là kép chính trong các vở diễn. Năm Châu có vóc dáng cao lớn và được coi là nam tài tử hút hồn khán giả Mỹ Tho. Giọng hát của Năm Châu cất lên từ nhịp rung động tâm hồn và làm tan chảy trái tim của bao cô gái ngày đó.
Đồng thời cuộc đời của nghệ sĩ Năm Châu là một hành trình nghệ thuật gắn bó với những nhan sắc lừng danh trên sân khấu cải lương. Mỗi chặng đường là một phận tình duyên nảy sinh với Năm Châu và đi liền với những vai diễn để đời.
Tuy còn trẻ tuổi nhưng nghệ sĩ Năm Châu sớm được phân công kèm dạy hát và diễn xuất cho các đào mới. Khi ở Đoàn cải lương Tái Đồng Ban (1925), Năm Châu cùng nhạc sĩ Tư Chơi được giao đào tạo gấp một đào nhí để thay thế nghệ sĩ Năm Phỉ. Đó chính là cô bé Phùng Há vừa ở độ tuổi dậy thì (14 tuổi). Tất cả mọi người đều sững sờ về nhan sắc của Phùng Há cùng giọng ca cao vút của cô. Chẳng mấy chốc Phùng Há thể hiện là một tài năng thiên phú cả về ca lẫn diễn xuất.
Khi đoàn dựng vở “Kim Vân Kiều”, nghệ sĩ Năm Châu cùng Phùng Há đóng cặp với nhau. Họ thể hiện tình cảm hết sức ăn ý và sâu sắc. Dần dần Năm Châu mang lòng yêu thầm trộm nhớ Phùng Há. Nhưng thật bất ngờ chỉ ít lâu sau Phùng Há nhận lời cưới của ông thầy dạy nhạc Tư Chơi. Năm sau họ sinh hạ được một con gái. Trái tim Năm Châu loạn nhịp ngỡ ngàng. Nhưng mọi sự đã lỡ làng. Năm Châu dồn hết tâm trạng vào các vai diễn. Giọng ca của anh luôn ẩn chứa nỗi niềm đau đớn, trĩu nặng xót xa.
Trong lòng buồn rầu tan tác, Năm Châu chuyển sang Đoàn cải lương Trần Đắc. Ở đây nghệ sĩ Năm Châu đóng đôi với người đẹp Sáu Trâm. Hai người là cặp diễn hoàn hảo rất ăn khách qua vở tuồng “Giọt máu chung tình”.
Được sự kèm cặp dạy ca hát theo lối mới của Năm Châu, cô đào Sáu Trâm nổi như cồn với nét đẹp kiêu sa mặn mà và giọng ca trời phú. Họ đã nên vợ nên chồng một cách tự nhiên như trời định vậy.
Rồi có một cô đào mới xuất hiện, đó chính là nữ nghệ sĩ Tư Sang. Tuy còn trẻ nhưng cô Tư Sang lại có giọng cải lương mùi mẫn làm rơi lệ bao người. Cô đào này nổi tiếng từ nhiều bản cải lương thu qua băng đĩa và được nhiều khán giả mến mộ. Từ đó cô Sang được xếp lên đào chính.
Sáu Trâm lúc này bị ông bầu xếp xuống đào thứ nên buồn lòng có ý định rời đoàn. Trong đêm diễn cuối cùng, cô Sáu Trâm lẳng lặng bí mật bỏ đi. Năm Châu sững sờ khi nhận ra sự vô tâm của mình thì đã muộn.
Vào thời gian này, nghệ sĩ Năm Châu còn viết được nhiều vở tuồng và kịch bản cải lương khá ăn khách. Mấy năm sau người vợ thứ hai của Năm Châu không ai khác chính là Tư Sang. Hai nghệ sĩ sống trong hạnh phúc, sinh liên tục năm người con.
Nhưng cuối cùng do quá mải mê thu băng đĩa kiếm tiền cũng như chạy theo danh vọng, cô đào Tư Sang đã rời xa sân khấu và dứt tình ra đi (1936). Cô đã cam chịu làm vợ thứ của ông chủ băng đĩa, máy hát giàu có khi ấy là Năm Mạnh.
Ngay năm sau đó Năm Châu đã viết vở cải lương nổi tiếng “Men rượu hương tình” (1937). Một kịch mục ông muốn bày tỏ về sự bất hạnh cùng nỗi hận tình day dứt về thói đời đen bạc. Từ đó ông sống trong nỗi buồn vô vọng trôi nổi theo các gánh hát.
Nút kết hạnh phúc và niềm say mê bất tận
Những cuộc phiêu du bay bổng đắm chìm dưới ánh đèn đã trôi qua. Năm Châu cùng các nghệ sĩ thành lập đoàn hát mới mang tên “Nhóm con tằm” (1946). Phải nói dàn diễn viên lúc này đầy tài năng, giàu sáng tạo như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Tư Út, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Cúc, Kim Lan…
Ở đây Năm Châu đã hình thành một quan niệm mới cho nghệ thuật cải lương hiện đại. Đó là nghệ thuật vươn tới cái đẹp và cái thật. Ông trở thành một đạo diễn kiêm viết những vở cải lương cho đoàn hát. Trong thời kỳ này Năm Châu và Tư Trang (Trần Hữu Trang) là những soạn giả đã đem vấn đề xã hội có sức phản biện lên sân khấu cải lương.
Trong thời gian này nghệ sĩ Năm Châu đã gặp lại cô đào Kim Cúc đang nổi lên như một ngôi sao mới lạ. Nhưng thực ra Kim Cúc đã từng là học trò của Năm Châu từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên Kim Cúc đã coi Năm Châu là thần tượng và mong được diễn với thầy từ lâu.
Hai người thành hôn (1948) và trở thành một cặp diễn như trong mơ, cho dù Năm Châu hơn vợ tới 16 tuổi. Nhưng có lẽ sự nghiệp của Năm Châu đã đổi mới khi cùng vợ thành lập đoàn riêng, mang tên Ban Việt kịch Năm Châu (1950).
Năm Châu trở thành ông bầu và là tác giả viết những vở kịch cho vợ phô diễn tài năng. Hai người có tới sáu người con. Thời gian này nghệ sĩ Năm Châu kiêm công việc đạo diễn. Quan niệm cái đẹp, cái thật của Năm Châu đã được chuyển hóa trong nghệ thuật hiện đại cho từng vai diễn.
Năm Châu là ông bầu đầu tiên đã “bắt” các nghệ sĩ của mình phải học hành tử tế. Ai cũng phải xóa nạn mù chữ quốc ngữ và học kịch bản thật kỹ càng chứ không thực hiện truyền nghề bằng miệng như trước đây. Đặc biệt, Năm Châu đã cùng vợ kiểm soát chặt chẽ nếp sống, sinh hoạt của nghệ sĩ. Họ không được phép cờ bạc, hút thuốc phiện, tất cả chăm chỉ tập luyện lời ca bằng văn bản nghiêm túc.
Dần dần thói quen nói tục, chửi thề thường diễn ra hàng ngày bị xóa bỏ. Cái thật và cái đẹp trên sân khấu phải được thể hiện chuẩn mực trong đời sống nghệ sĩ. Đó là nếp sống mới có văn hóa được tôn vinh. Trách nhiệm công dân của nghệ sĩ hình thành.
Những nghệ sĩ tài năng bậc nhất lúc đó như Phùng Há, Kim Cúc, Kim Lan, hay như Ngọc Đáng, Hoàng Kinh… luôn sống gương mẫu cho những lớp nghệ sĩ trẻ noi theo. Cái thật và cái đẹp mà Năm Châu luôn tôn thờ được các nghệ sĩ thực hiện nghiêm túc. Họ tôn vinh sân khấu là thánh đường nghệ thuật.
Những kỷ lục mơ ước
Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, NSND Năm Châu (Nhà nước truy tặng năm 1988) được coi là người tiên phong cách tân bộ môn nghệ thuật cải lương. Ông có những vai diễn để đời trên sân khấu như An Lộc Sơn (vở Trường Hận), Phạm Lãi, Ngô Phù Sai (vở Tây Thi)… Đó là những biểu tượng mẫu mực mà khán giả mỗi khi nhớ đến ông.
Ông còn là người làm thay đổi hình ảnh “Con đào, thằng kép” một thời để các nghệ sĩ xứng đáng được đề cao. Đặc biệt, ông còn là tác giả kỳ tài có số lượng sáng tác rất đồ sộ. Nếu tính tới khi trở thành giáo sư Kịch nghệ Sài Gòn năm 1962, nghệ sĩ Năm Châu đã có tới 50 vở tuồng, cải lương dài và hàng chục kịch mục ngắn. Trong số đó nổi bật là những vở như “Mộc Quế Anh”; “Túy hoa vương nữ”; “Hồn chinh phu”; Hay như “Tây Thi”; “Ngao sò ốc hến”; “Men rượu hương tình”… Năm 1966, ông được nhận giải “Thanh Tâm” dành cho vở “Nước biển mưa nguồn” xuất sắc nhất.
NSND Bạch Tuyết là một trong những học trò giỏi của NSND Năm Châu đã từng bày tỏ: “Mấy chục năm sau khi học ở nước Anh, tôi mới biết những điều ba Năm Châu dạy mình toàn là phương pháp hiện đại của thế giới”. Những người đồng nghiệp còn vinh danh ông là “viên ngọc” sáng nhất trên sân khấu cải lương miền Nam.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nsnd-nam-chau-ky-nhan-song-tien-633549/