NSND Trần Hạnh sống đôn hậu, diễn chân thực
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Hạnh (trong ảnh) qua đời rạng sáng 4-3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 92 tuổi. Ông là một trong những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đợt đầu năm 1994 và cũng là người khá muộn khi 25 năm sau mới nhận danh hiệu NSND. Thành danh trên sân khấu kịch Hà Nội, nhưng ông lại nổi tiếng hơn trong lĩnh vực điện ảnh. Sống đôn hậu và đầy tự trọng, ông đưa những nét tính cách ấy vào từng vai diễn của mình, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm yêu mến trong lòng công chúng.
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Hạnh (trong ảnh) qua đời rạng sáng 4-3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 92 tuổi. Ông là một trong những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đợt đầu năm 1994 và cũng là người khá muộn khi 25 năm sau mới nhận danh hiệu NSND. Thành danh trên sân khấu kịch Hà Nội, nhưng ông lại nổi tiếng hơn trong lĩnh vực điện ảnh. Sống đôn hậu và đầy tự trọng, ông đưa những nét tính cách ấy vào từng vai diễn của mình, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm yêu mến trong lòng công chúng.
Mỗi lần NSND Trần Hạnh vào vai, dù lớn hay nhỏ, ông đều lắng mình xuống. Lắng mình, để cảm nhận chiều sâu của nhân vật. Ông có phong cách diễn khác với nhiều thế hệ sau. Khi diễn, ông thường tìm cách giấu mình đi, để nhân vật thể hiện. Bởi ông luôn tâm niệm một điều, đây là câu chuyện của nhân vật, chứ không phải câu chuyện của Trần Hạnh. Ông từng tâm sự với tôi sau khi đóng phim Người yêu đi lấy chồng: Nhiều diễn viên, ngay cả những người có tên tuổi, thường coi cái tôi của họ quá lớn, lấn át nhân vật khiến hình bóng nhân vật mà họ thể hiện thường mờ nhạt. Trong khi nhiều người nhận xét, Trần Hạnh phù hợp với những vai diễn khắc khổ, có số phận giống như ông vậy, song ông chỉ cười, không thanh minh. Ông bảo: Nhiều diễn viên, khi nhập vai, thường trở nên "quan trọng hóa". Nghĩa là họ nhập vai một cách quá căng thẳng. Ðấy là thói quen coi nghề diễn viên quá cao xa, coi nghệ thuật là cái gì đó rất quan trọng. Những cái cao xa và quan trọng như thế thì làm sao sống được trong lòng người xem? Trần Hạnh luôn tâm niệm, nghệ thuật là cái gì đó hết sức gần gũi với quần chúng. Và người diễn, nên cố gắng thể hiện nhân vật ở mức độ giản dị nhất, chân thực nhất chứ không nên kiễng chân khi vào vai, cao giọng dạy bảo khi đối thoại. Ông cho rằng những ai nghĩ ông nhập vai thường khắc khổ, người đó chỉ biết nhìn bề ngoài. Trong nhân vật mà ông thể hiện, cần nhìn ra chiều sâu, là phong cách sống tự tại, ung dung và có cái nhàn tản của một người già phương Ðông. Ông đã chia sẻ điều này với tôi sau khi tham gia đóng phim truyền hình Ngõ lỗ thủng.
Có lần, tôi hỏi, ông thích diễn trên sân khấu hay diễn trong phim? Trầm ngâm một lúc, ông nói nhớ sân khấu nhiều hơn. Sân khấu là nơi mở cho ông con đường vào nghề diễn. Và dường như với sân khấu, ông diễn sâu hơn. Nhớ hồi vào vai Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn tụ nghĩa trong những năm 80 của thế kỷ trước, tối nào rạp hát của Ðoàn Kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) cũng sáng đèn. Người xem chật rạp. Vào vai vở diễn này trong suốt bốn năm với hàng trăm đêm diễn, ông cảm thấy tinh thần, cốt cách Nguyễn Trãi đã dần thấm vào tâm hồn, trở thành đời sống tâm linh trong ông, dạy ông sống bình dị, đôn hậu. Những được mất trong cuộc sống, đối với ông, không quan trọng. Hạnh phúc của NSND Trần Hạnh là được sống, được diễn và những tình cảm mà công chúng luôn dành cho ông
Nhiều người cứ cám cảnh thay ông khi thấy ông cùng gia đình sống đời đạm bạc. Nghe vậy, ông chỉ cười hiền và bảo: "Ai khiến họ nhỉ?". Ông từng hỏi tôi: "Anh có biết vì sao nhạc Văn Cao hay và đẹp không?’’. Chưa kịp trả lời, ông giải thích: "Nhà ông Văn Cao gần chợ. Hằng ngày, ông ấy nghe được bao âm thanh, bao tiếng đời, bao câu chuyện. Vì vậy, nhạc Văn Cao vừa rất tình cũng vừa rất đời. Nhà tôi cũng vậy, gần chợ, gần ga. Tôi cũng được lắng nghe bao tiếng đời gần và xa, đêm và ngày, chiến tranh và hòa bình, nông thôn và thành phố, già và trẻ, tốt và xấu... ’’. Có lẽ, những điều này đã thấm vào ông như những hạt phù sa, để khi diễn, ông bồi đắp cho các nhân vật của mình đẹp hơn, đời hơn và được người xem tin hơn, yêu hơn. Nghe chuyện ông, tôi liên tưởng hình ảnh anh chàng Sa-mét, người đêm đêm bao năm cóp nhặt từng hạt bụi vàng để tạo nên bông hồng vàng tặng cô gái Xuy-dan phương xa trong truyện ngắn Bụi quý của Pau-tốp-xki.
NSND Trần Hạnh không những sống cùng vai diễn mà còn sống cùng công chúng. Người xem, qua ông, đọc được bao câu chuyện tình đời, tình người. Rồi đến lúc ông từ giã sân khấu, màn ảnh và từ giã những người yêu mến ông mà ông chưa biết họ. Ðó là hình ảnh đẹp nhất mà người nghệ sĩ để lại.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/nsnd-tran-hanh-song-don-hau-dien-chan-thuc-637530/