NSND Trần Hiếu, Trần Long Ẩn và đồng nghiệp đến tiễn biệt nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý
Các nhạc sỹ Trần Hiếu, Trần Long Ẩn và nhiều đồng nghiệp các thế hệ đã đến thắp nén hương thương nhớ người cây đại thụ nền âm nhạc Việt Nam.
10 giờ sáng nay (27/12), linh cữu nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý được gia đình đưa từ nhà riêng ở quận 1 đến Nhà tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM) để đồng nghiệp, thân hữu khắp nơi tỏ bày lòng yêu mến và kính trọng.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý từ trần vào hồi 17h15 ngày 26/12 tại TPHCM. Linh cữu nhạc sỹ được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM từ sáng 27/12 đến sáng 29/12, sau đó được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Vinh, Nghệ An, quê gốc ở Hà Nội. Ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với âm nhạc khi được một vị linh mục người Tây Ban Nha dạy nhạc lý.
Tác phẩm đầu tay của ông được viết năm 1949 mang tên Ai xây chiến lũy nhưng nhạc phẩm được nhiều người biết đến nhất của ông là ca khúc Dư âm - ca khúc được xếp vào hàng ngũ những ca khúc thời tiền chiến. Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc và từ đó, những tác phẩm của ông mang dấu ấn mạnh mẽ của cách mạng với nhiều ca khúc như: Vượt trùng dương, Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Cô nuôi dạy trẻ, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Dáng đứng Bến Tre...
Sau năm 1975, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý chuyển vào sinh sống tại TPHCM và nghỉ hưu tại đây. Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những đóng góp của ông đối với nền văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre...