NSƯT Đỗ Kỷ: Vẫn đi xe cũ đưa đón 'mẹ chồng ghê gớm'

Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một quán cà phê nhỏ gần nhà anh. Đỗ Kỷ cưỡi trên chiếc Dream cũ đến điểm hẹn, trong trang phục giản dị không ngờ. Anh còn 'khai': Cũng trên 'con ngựa' sắt lỗi thời này, anh đã đưa đón 'mẹ chồng ghê gớm nhất màn ảnh', NSND Lan Hương (Hương Bông), trong bao nhiêu sự kiện. Nghệ sỹ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng chẳng ngại ăn uống ngay vỉa hè: 'Người ta ngồi được, tôi ngồi được. Sao cứ phải tạo áp lực cho chính mình?'.

NSƯT Đỗ Kỷ. Tranh: Kim Duẩn

NSƯT Đỗ Kỷ. Tranh: Kim Duẩn

Đỗ Kỷ quan niệm: Nghệ sỹ hay diễn viên cũng chỉ là một nghề. Đừng nên “long trọng” hóa vấn đề. Anh đến với nghề cũng hết sức bình thường: “Chẳng phải ấp ủ với mong muốn gì đâu. Tôi vào nghề cũng là do duyên, vô tình. Thời điểm ngày xưa đói. Học xong phổ thông mà học đại học thì lấy đâu ra tiền? Đi học nghề là lựa chọn tối ưu”. Hỏi Đỗ Kỷ, tuyển diễn viên thời ấy có “gắt” không? NSƯT đáp chậm rãi: “Thấy mọi người bảo “gắt” nhưng tôi thi một cái “được” luôn. Cả họ hàng nhà tôi có ai làm diễn viên đâu. Chắc là do số”. Đỗ Kỷ còn “khai”, hồi mới tốt nghiệp phổ thông, anh có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, trường trung cấp công an cũng gọi, thậm chí anh còn có cả cơ hội đi học công nhân kỹ thuật, máy tính điện tử ở nước ngoài. Một “bật mí” nhỏ, NSƯT Đỗ Kỷ học tốt môn Toán, thi tốt nghiệp phổ thông ngày ấy anh đạt 10 điểm cho môn tự nhiên này.

Bao nhiêu cơ hội mở ra ở tuổi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời nhưng chồng của “mẹ chồng ghê gớm nhất màn ảnh” lại chọn nghiệp diễn xuất. Anh vốn là “dân” sân khấu, sau này mới tham gia đóng phim điện ảnh, phim truyền hình. Từ năm 78-82, NSƯT Đỗ Kỷ học Trường trung cấp đào tạo diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam. Tính từ lúc vào nghề, anh đã có thâm niên 44 năm. “Đã bao giờ anh tiếc vì chọn nghề diễn viên?”, tôi lại hỏi Đỗ Kỷ. “Tiếc thì chả tiếc. Vì mỗi người sinh ra đều phải có một nghề để kiếm sống. Với tôi, nghề nào cũng giống nghề nào cả thôi. Mình không cố gắng thì đều không thành công, ngay cả nghề quét rác, quét không khéo thì vẫn bẩn như thường, còn nếu quét khéo thì nhàn và sạch. Không nghề nào quan trọng hơn nghề nào, không nghề nào hay hơn nghề nào, miễn là phù hợp với nghề”, nói xong Đỗ Kỷ hút một hơi thuốc lá. Không cần che giấu, anh thành thật chia sẻ, anh vẫn hút thuốc lá nhưng rất ít, cả tuần mới hết một bao. NSƯT cũng uống được bia, rượu nhưng không ham: “Tôi là dạng vớ vẩn, thấy bia nào cũng giống bia nào. Bia hơi cũng như bia chai, bia lon. Có thể tôi bị mất khả năng phân biệt mùi vị”.

NSƯT Đỗ Kỷ và vợ, NSND Lan Hương (Hương Bông) trong ngày cưới

NSƯT Đỗ Kỷ và vợ, NSND Lan Hương (Hương Bông) trong ngày cưới

Nghề diễn viên thực ra rất bị động

Bây giờ, nhiều diễn viên trẻ hay khoe, họ đang tham gia dự án nọ kia. Đỗ Kỷ “kiêng” hai từ “dự án”: “Diễn viên thì phải được đạo diễn mời mới được tham gia. Nghề diễn viên thực ra rất bị động, nhất là với các diễn viên trẻ. Các bạn trẻ cứ thích nói “dự án”, nói phét loạn lên, người trong nghề nhiều khi thấy ngượng”.

Phu quân của NSND Hương Bông, từng làm “sếp” của chị. Anh từng giữ vị trí Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đó lại giữ chức Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn. Anh vừa về hưu ở tuổi 61. Cách đây ít ngày, NSND Lan Hương đã viết trên trang cá nhân: “Vậy là anh đã hoàn thành nhiệm vụ sau 30 năm công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam và bước vào năm thứ 14 tại Cục Nghệ thuật biểu diễn (vậy là gần 44 năm). Gia đình chúng tôi hôm nay đón anh về trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, vui vẻ và ấm áp rất kiểu tụ tập chứ chả thấy ai chia chác gì. Mừng thế!”. Có thể, sau khi buông trách nhiệm của người quản lý, khán giả lại thấy NSƯT Đỗ Kỷ xuất hiện nhiều hơn trên phim ảnh hay trong vai trò đạo diễn sân khấu. Anh từng dàn dựng không ít vở ấn tượng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, vở kịch của Lưu Quang Vũ, “Đi tìm điều không mất”, chuyển thể từ kịch bản của Lê Quý Hiền… Khán giả yêu phim ảnh lại nhớ Đỗ Kỷ qua những bộ phim “Bản di chúc bí ẩn”, “Gia phả của đất”, “Hương đất”, “Cuồng phong”… Nhưng đáng nhớ là “Nếp nhà”, khi anh và vợ, NSND Hương Bông, được đóng vợ chồng trên phim.

NSƯT Đỗ Kỷ và NSND Lan Hương (Hương Bông) ở tuổi “nhàn”

NSƯT Đỗ Kỷ và NSND Lan Hương (Hương Bông) ở tuổi “nhàn”

Nhắc đến Đỗ Kỷ người ta thường nhớ đến những vai diễn có phần hiền lành, chất phác. Nhưng cũng như vợ, NSND Hương Bông, NSƯT Đỗ Kỷ đã có được những cơ hội để thay đổi hình ảnh trong mắt khán giả. Như trong phim “Người phán xử”, anh vào vai Vũ Bắc, một cán bộ biến chất thông đồng với trùm giang hồ Phan Quân, Thế Chột. Nói về cái sự “lột xác” này, Đỗ Kỷ cho rằng, cũng chẳng có gì đặc biệt: “Diễn viên tầm 40-50 tuổi đổ ra, giao bất cứ vai nào cũng có thể làm được tròn vai. Nhưng có hay không lại là việc khác”. Theo NSƯT Đỗ Kỷ, một vai diễn thành công, không thể chỉ trông đợi vào sự nỗ lực của diễn viên, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: “Kịch bản dở, các khâu khác dở thì diễn viên không thể bật lên. Một diễn viên không thể làm nên một bộ phim hay”.

“Tôi muộn danh hiệu, hay không có danh hiệu đi chăng nữa, đối với tôi không còn quan trọng, vì đã xác định từ hồi trẻ rồi”.

NSƯT Đỗ Kỷ

“Ca” Hương Bông không mạo hiểm

Vợ anh, NSND Lan Hương (Hương Bông), là một trong số không nhiều những nghệ sỹ càng về hưu càng đình đám. Hiện tại, chị là một trong những gương mặt ăn khách nhất của phim truyền hình, đặc biệt thành công với vai mẹ chồng ghê gớm. Trước kia, nhắc đến Hương Bông là nhắc đến những vai diễn hiền lành, gợi nhiều thương cảm, như trong phim “Mùa ổi”. Chẳng ai nghĩ đến một ngày người nghệ sỹ ấy lại mang biệt danh “mẹ chồng ghê gớm nhất màn ảnh Việt”. Về thành công của vợ, NSƯT Đỗ Kỷ cho rằng đạo diễn không hề mạo hiểm khi giao vai mẹ chồng ghê gớm cho NSND Hương Bông, nhưng anh thừa nhận vợ mình đã gặp may mắn trong nghề. Đó là sự may mắn được “tổ nghiệp” ban: “Thường các đạo diễn nhìn vỏ ngoại hình để chọn. Đạo diễn nào muốn thử sức diễn viên thì giao vai khác. Là diễn viên, ai cũng mong muốn trải nghiệm nhiều dạng vai, để làm mới mình, tránh sự nhàm chán. Nhưng phải có cơ hội, mà cơ hội lại không phải do diễn viên tạo ra”. Hương Bông đã có cơ hội để trải nghiệm dạng vai mới và chị đã thành công hơn mong đợi.

Nhưng cả Đỗ Kỷ và vợ đều không tham vọng nổi tiếng: “Có việc đến thì cố gắng làm tốt, không đặt mục tiêu gì”, anh chia sẻ. Ngay cả danh hiệu NSƯT, cũng do vợ anh đốc thúc làm hồ sơ: “Nếu cô ấy không bảo, tôi đã không làm. Tôi không bị gò ép vào mục tiêu, không phấn đấu danh hiệu. Cứ sống đúng với mình là được”. Hương Bông được phong tặng danh hiệu NSND cùng đợt chồng chị, Đỗ Kỷ, được phong tặng danh hiệu NSƯT. Lần đầu tiên, anh nói về nguyên nhân “đi sau” vợ: “Ngay từ lúc lấy nhau, tôi đã dồn toàn bộ điều kiện làm chuyên môn cho cô ấy. Vì tôi quan niệm đơn giản: tuổi thọ làm nghề của người phụ nữ ngắn hơn người đàn ông. Nhà hát phân vai, nếu hai vợ chồng đều đóng vai chính, bao giờ tôi cũng từ chối, với lý do một người tập trung là được, một người lùi về sau còn kiếm bát cơm cho con. Cho nên việc tôi muộn danh hiệu, hay không có danh hiệu đi chăng nữa, đối với tôi không còn quan trọng, vì đã xác định từ hồi trẻ rồi”.

Diễn viên nào vững nghề biết ngay

NSƯT Đỗ Kỷ theo dõi sát phim truyền hình Việt: “Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ” quy tụ một số diễn viên thành danh nhưng trình độ còn kém, kỹ thuật nghề kém. Diễn viên nào vững nghề biết ngay”. Anh lấy ví dụ từ phim “Thương ngày nắng về”: “Hồng Đăng từ dạng vai nam thần lại chuyển sang dạng vai này, vẫn “bật” được. Cậu ấy có nghề. Ở “Thương ngày nắng về” Đăng rất đáng yêu. Có những người bỏ kính ra trông trí thức, còn đeo kính vào nhìn lại ngơ”. Đỗ Kỷ muốn nhắc đến tạo hình của Hồng Đăng trong vai Đức, phim “Thương ngày nắng về”.

So với thời chưa nghỉ hưu, NSND Lan Hương bây giờ còn bận rộn hơn gấp nhiều lần, do hiệu ứng từ những vai diễn truyền hình thành công. NSƯT Đỗ Kỷ vẫn đưa đón vợ khi cần. Có những sự kiện mời cả hai vợ chồng, anh sẽ đi cùng vợ. Còn có những sự kiện chỉ mời vợ, anh đưa vợ đến và về nhà: “Tôi không phụ thuộc vào ai. Không phải vợ như thế thì đi đâu cũng phải đi theo, tôi rất ngại bị coi là ăn theo bóng vợ”. Anh xác nhận, vẫn đưa đón vợ trên chiếc xe máy cũ. Không muốn thay xe vì Đỗ Kỷ thấy xe cũ vẫn chạy được. Không việc gì phải chạy theo cũ, mới: “Vì thế tôi thanh thản lắm. Không mắc bệnh ganh tị”, anh cười. Khán giả có thể gặp nghệ sỹ nổi tiếng ăn uống vỉa hè. Đã có lần, một người hâm mộ hỏi: “Tại sao anh ngồi đây?”. Anh vui vẻ đáp: “Không ngồi đây thì ngồi đâu bây giờ?”.

Không ít diễn viên nói rằng, sau mỗi vai diễn, họ bị ám ảnh, cần thời gian xả vai. Còn NSƯT Đỗ Kỷ nói ngược lại: “Những thứ đó là vớ vẩn, trình độ nghiệp dư”. Kiểu “phim giả tình thật” theo anh, cũng chỉ là sự “câu view”: “Đã là diễn viên chuyên nghiệp hô cắt máy là cắt, mình trở về chính mình, đó là sự chuyên nghiệp”.

Cho nên, khán giả không cần lo lắng “mẹ chồng ghê gớm nhất màn ảnh” trở về nhà sẽ làm “loạn” gia đình. Chia sẻ của chồng chị: “Cô ấy vẫn như trước đây”. Đỗ Kỷ xem hết những phim vợ đóng. Họ vẫn trao đổi với nhau về nghề như hai đồng nghiệp. Anh nói: Cả hai vợ chồng chỉ có một nghề, nghề diễn xuất, còn nhảy sang lĩnh vực khác thì “cụt vốn” ngay. Nhưng cứ tung tẩy với nghề cũng đã đủ bận rộn. Ai còn nhớ Đỗ Kỷ của thời lồng tiếng phim Ô-sin?

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nsut-do-ky-van-di-xe-cu-dua-don-me-chong-ghe-gom-post1438413.tpo