NSƯT Minh Vượng: Một mình băng qua bóng đêm
Nếu có một người phụ nữ mà thời gian không làm cho thay đổi thì đấy chính là Minh Vượng.
Hơn 10 năm qua, người đàn bà 50 và người đàn bà 60 trong chị chẳng khác gì nhau. Vẫn dung nhan và thần thái ấy, lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn. Người ta vẫn thường quyến rũ, trói buộc nhau bằng ánh mắt và nụ cười, Vượng được cả hai, vậy mà đời truân chuyên dâu bể. Vượng bảo đấy là số phận, và chị vui vẻ chấp nhận sự định đoạt của số phận cho mình.
Minh Vượng tuổi Mậu Tuất. Các cụ bảo “canh cô, mậu quả”, có nghĩa là người đứng chữ canh gặp cô thần, đứng chữ mậu thì gặp quả tú. Mệnh nam nên tránh cô thần, mệnh nữ kị quả tú. Vậy mà chị gặp quả tú, nên long đong lận đận chuyện tình duyên, lúc nào cũng lẻ loi đơn chiếc, sớm khuya một mình.
Thật ra, Minh Vượng không phải tên khai sinh do cha mẹ đặt, tên thật của chị mang tên một loài hoa: Minh Phượng, vì chị sinh vào ngày hè có hoa phượng cháy rực nở đỏ cả góc trời.
Chả hiểu lí do gì mà chị lại chuyển tên từ một loài hoa lãng mạn của ngày hè sang tên của một tính từ thể hiện sự sung túc. Tên của loài hoa đẹp chỉ còn trong kí ức, bao lâu nay mọi người đều quen gọi chị là Minh Vượng (ánh sáng đẹp hay một tâm hồn phong phú).
Nhà của chị nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Tạ Quang Bửu rộng chừng 30m, cao 3 tầng. Trong ngôi nhà nhỏ có vô vàn những đồ kỉ niệm và càng ngày số lượng đó càng nhiều lên. Đủ các loại búp bê, gấu bông và các hình thú ngộ nghĩnh được sắp xếp theo thẩm mỹ bắt mắt.
Nhưng ít ai biết, đồ vật mà Vượng quý nhất lại được gói ghém kĩ càng, đó là những cái bát đã có từ cách đây ba mươi năm, hay những bộ quần áo từ ngày son trẻ đã bắt đầu bạc màu thời gian như một kỉ niệm của những ngày đã xa. Đôi lúc, Vượng lôi ra ngắm chúng và kỉ niệm xưa ùa về.
Trông Vượng bề ngoài vậy thôi chứ tâm hồn mong manh, nhạy cảm và đầy chất thơ. Có một câu chuyện chị kể khiến tôi bị ám ảnh. Minh Vượng có một người bạn thân đó là một chú chó. Chó là một con vật không biết nói tiếng người nhưng lại tuyệt đối trung thành và đặc biệt rất thông minh.
Mỗi lần Vượng đi diễn về chú chó lại tới gần chị ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ. Mỗi lần chị giận nó, là nó lại cụp hai tai xuống ngồi im ở một góc như biết hối lỗi. Đôi bạn ấy cứ quấn quýt với nhau suốt bao năm từ ngày nó còn là một chú chó nhỏ xíu mới chào đời, bé bằng ổ bánh mì. Mẹ nó sau khi sinh nó ra thì mắc bệnh ốm rồi chết, Vượng một tay chăm bẵm nuôi nấng.
Trong ngôi nhà nhỏ, nhờ có con vật nuôi mà chị cảm thấy bớt phần cô quạnh. Sau này khi con chó đã già, sức cùng lực kiệt, không thể đi lại được nữa, nó nằm xuống, hướng ánh mắt buồn bã bất lực nhìn chị. Chị đến bên lấy tay xoa lên đầu, lên mình nó. Hai hàng nước mắt nó rỉ ra, rồi nó ra đi.
Đó là một ngày mùa đông ảm đạm và lấm tấm mưa phùn, chị gói con chó lại trong bọc vải, trở ra cuối thành phố tìm bãi đất trống để chôn cất. Trên khuân mặt của chị hôm ấy, nhòe nhoẹt nước, cả nước mắt lẫn nước mưa.
Đứng ở bờ đê nhìn sông Hồng cuồn cuộn nước chảy, mới thấy mạng người hay con vật thật nhỏ bé, mong manh. Mà rồi, phàm cái gì có hình danh sắc tướng, có sinh ắt có diệt. Hợp tan như duyên phận. Sau ngày đấy, phần vì quá nhớ nhung thương tiếc, phần vì muốn dành hết tình yêu thương cho chú chó đã mất, chị không còn nuôi thêm bất kì một con chó nào khác nữa.
Chị đa cảm và rất dễ mủi lòng. Cách đây đã lâu, một lần đi vào Huế lưu diễn, sau khi diễn xong, chị ra sông Hương ngắm trăng. Dưới ánh sáng nhập nhoạng của sao trời chị thấy cô gái làm nghề ăn sương trên chiếc thuyền nan ngự bên bến sông. Tận tâm hỏi chuyện thân phận cô gái đó, hoàn cảnh của cô khiến chị nao lòng. Chị đưa khoản tiền cát sê mấy hôm diễn được cho cô. Cô gái ái ngại không muốn nhận, nhưng chị nhất định muốn cô cầm.
Thì ra cũng một kiếp người, kẻ xênh xang khăn áo, người nát một đời hoa. Chuyện của cô khiến chị buồn suốt một thời gian. Chị bảo khi đêm xuống mọi người đã đi ngủ, đường phố chỉ còn lại ba loại người vẫn đang lang thang, đấy là nghệ sĩ đi diễn về khuya, kẻ nghiện ngập xì ke và gái mại dâm. Chị vẫn thường có cái nhìn nhân ái với những thân phận thiệt thòi.
Trong những lần lưu diễn chị đã đặt chân đến bao nhà tù nơi giam phạm nhân, bao phận đời lầm lỡ phải sa chân vào chốn tù đầy. Những người phụ nữ trong bộ quần áo sọc ấy khiến cho người ta cảm thấy gai gai ớn lạnh, Vượng nhìn những phận người đó với niềm thương cảm xót xa, chị bảo : “Cố lên nhé chị em để còn sớm về với gia đình”.
Trong gần 40 năm làm nghề diễn xuất, đặt chân đến bao nhiêu nơi từ bắc chí nam, từ nhà tù cho đến bệnh viện, trường học, trại dưỡng lão, có nơi diễn hài trên sân khấu, Vượng khi diễn không dám nhìn xuống khán giả, bởi vì chị biết khi nhìn thẳng xuống chị không ngăn nổi những giọt nước mắt của mình. Đó là sân khấu chị diễn cho bệnh nhi ung thư, những đứa trẻ ngây thơ vô tội, đang phải chịu đau đớn của bệnh tật dầy vò.
Có bé đã phải cưa chân, có bé người xanh lét như tàu lá, chạy hóa trị, xạ trị nên trên đầu chẳng còn một sợi tóc. Chị bảo diễn cho các em mà lòng quặn thắt, có thể ngày hôm nay các bé còn reo hò cổ vũ nhưng rồi ngày mai lại đã ra đi mất rồi.
Chẳng hiểu sao cuộc đời của Vượng lại hay có những kỉ niệm buồn gắn với mưa. Phải chăng do chị sinh vào mùa hạ với những cơn mưa ngâu tháng 7 rả rích. Đó là ngày giáp tết, chị ra đường để đi sắm Tết, cơn mưa ập đến, chị không mang áo mưa, vội tấp vào mái hiên của một gia đình trú tạm.
Đứng ở mái hiên ấy, chị thấy gia đình họ, vợ chồng con cái sum vầy, trong nhà đào khoe sắc thắm, quất trĩu quả sai cành mà chị tủi thân, không muốn khóc nhưng nước mắt cứ trực trào ra.
Không phải là chị chưa từng yêu ai, đã có không dưới 2 người đàn ông đến với chị cũng nồng nàn mê đắm nhưng rồi dường như họ có duyên nhưng không có phận, chị lại trở về lặng lẽ một mình trong ngôi nhà quen thuộc đã bao năm. Không trách cứ, không dỗi hờn, chị chấp nhận như là một lẽ tự nhiên.
Trong ngôi nhà của mình, mỗi khi đêm xuống chị đối diện với chính mình, nhưng có lẽ nỗi buồn ấy được khỏa lấp bởi công việc. Chị không có thời gian rỗi, việc ngập đầu và kín mít lịch diễn. Mỗi khi nhận được kịch bản phim tâm đắc, chị lại tìm ra hướng đi mới để sáng tạo cho nhân vật của mình. Hoặc chị viết kịch bản diễn cho thiếu nhi. Vượng sung sướng khi giờ này đã 60 tuổi vẫn được trẻ nhỏ yêu quý gọi là là chị Vượng.
Có lẽ bản tính trong sáng, hồn nhiên, thương yêu con trẻ khiến cho chị trẻ lại, thêm phần xinh đẹp trong mắt lũ trẻ. Chúng thích được chạm tay vào người chị, ríu rít gọi “chị Vượng ơi” như một cô bé cậu bé được sờ vào một món đồ chơi hấp dẫn và muốn chiếm hữu.
Chẳng ai ngờ, ở một góc khuất nào đó trong con người chị vẫn lãng mạn, bồng bềnh, chị yêu thơ và thi thoảng làm thơ. Nghệ sĩ Minh Vượng và nghệ sĩ Hoàng Cúc một thời gian dài cùng nhau làm việc ở Nhà hát Kịch Hà Nội, giữa họ có mối đồng cảm. Hai người bạn vẫn thường nhắn cho nhau những câu thơ vừa mới làm.
Chị bảo đợt này gần như chị chẳng còn thời gian rảnh, phim: Nàng dâu Order đang phát trên sóng truyền hình, hiện nay hằng ngày chị vẫn đều đặn đi quay cho những tập tiếp theo ở cuối thành phố, sáng sớm đi tối muộn mới về đến nhà. Nghĩ về chị, tôi nhớ đến câu nhận xét của nhà thơ Bảo Sinh, một ông cụ đã ngoài 80 và có sự chiêm nghiệm sâu sắc của cuộc đời: “Người phụ nữ đẹp là người có đạo”.
Quả thật, Vượng đẹp một cách hồn hậu tự nhiên, dung dị như một loài hoa nở trong buổi sớm mai tinh khiết. Vượng bảo người ta có từ: “cầu nguyện”, bây giờ nhiều người hay cầu quá nhưng lại quên nguyện, còn riêng với bản thân chị khi cầu một điều gì thì chị đều nguyện để làm một người tốt. Một nhan sắc đẹp ai cũng muốn ngắm nhìn, còn một tâm hồn đẹp thì thần linh lại muốn đến gần.
Tôi tin, người như chị, lời cầu nguyện ấy chắc chắn sẽ linh ứng thành sự thực.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nsut-minh-vuong-mot-minh-bang-qua-bong-dem-548736/