Nữ chủ mưu 'vẽ' 3 dự án ma, lừa gần 1.000 người hầu tòa
TAND tỉnh Tây Ninh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng, với 4 bị cáo, 967 bị hại và 41 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngày 28/7, TAND tỉnh Tây Ninh đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 4 bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Hồng (54 tuổi, ngụ Tp.HCM), Nguyễn Phú Thuận ( 47 tuổi, chồng của Hồng, ngụ xã Mỹ Hạnh, Tây Ninh), Trương Quốc Thái (49 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh, Tây Ninh) và Nguyễn Thị Kim Phượng (49 tuổi, ngụ Tp.HCM).
TAND tỉnh Tây Ninh cũng triệu tập 41 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 967 bị hại trong vụ án và đề nghị các bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham dự phiên tòa để bảo đảm cho việc xét xử.
Trong đó, có 77 bị hại trong dự án Thiên Phúc Hoàng Gia, 695 bị hại trong dự án Hưng Thịnh Cát Tường và 195 bị hại trong dự án Đất Xanh Long An.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 31/7.

Toàn cảnh phiên toàn sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Hồng cùng 3 bị cáo khác thực hiện.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân là bị hại trong vụ án đã có mặt tại TAND tỉnh Tây Ninh để theo dõi phiên xét xử. Do số lượng người tham gia quá đông, lực lượng hỗ trợ tư pháp và công an được huy động tối đa để đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài khuôn viên tòa án.
Ngoài hơn trăm người được vào ngồi trực tiếp tại phòng xử án, HĐXX đã bố trí 2 điểm phát sóng trực tiếp tại trụ sở TAND tỉnh Tây Ninh và Trung tâm văn hóa phường Long An (Tp.Tân An, Long An cũ) để phục vụ nhu cầu theo dõi công khai của các bị hại, người thân và người dân có quan tâm.
Theo cáo trạng được đại diện VKS công bố tại tòa, Nguyễn Thị Cẩm Hồng là người hoạt động tự do trong lĩnh vực bất động sản và thành lập Công ty CP Đầu tư bất động sản Thiên Phúc tại Tp.HCM, do chồng là Nguyễn Phú Thuận đứng tên Giám đốc, đại diện pháp luật.
Từ năm 2017, Hồng cùng các đồng phạm bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo thông qua hình thức kêu gọi đầu tư vào các "dự án khu dân cư" được vẽ ra bằng hồ sơ thủ tục xin chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Thực tế, nhiều dự án trong số này chưa hoàn tất pháp lý, thậm chí không có thật.
Hồng trực tiếp đưa ra thông tin gian dối về vị trí, diện tích, số lượng lô nền hoặc ki-ốt chợ tại các dự án. Các sàn giao dịch bất động sản được huy động để tiếp thị và ký hợp đồng "chuyển nhượng quyền sử dụng đất" với khách hàng. Người mua được yêu cầu thanh toán tiền nhiều đợt, trong đó có đợt đầu qua sàn và các đợt sau chuyển trực tiếp cho công ty "chủ đầu tư".
Tiền thu về sau đó được Hồng trực tiếp quản lý, chỉ đạo các bị cáo khác chuyển khoản hoặc rút tiền mặt để giao nộp cho Hồng sử dụng cá nhân.
Kết quả điều tra cho thấy, có tổng cộng 967 người ký kết hợp đồng mua lô nền hoặc ki-ốt chợ thông qua 3 công ty: Thiên Phúc, Hưng Thịnh Cát Tường và Đất Xanh, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 487 tỷ đồng.
Trong đó, Nguyễn Thị Kim Phượng đại diện pháp luật Công ty Hưng Thịnh và Công ty Thiên Phúc đã ký tới 590 hợp đồng với người dân, thu về khoảng 210 tỷ đồng. Số còn lại là do Hồng trực tiếp ký hoặc chỉ đạo nhân viên giả mạo chữ ký Giám đốc các công ty khác để ký hợp đồng.
Nguyễn Phú Thuận và Trương Quốc Thái được xác định là người giúp sức tích cực trong việc thực hiện các giao dịch tài chính và hợp thức hóa hồ sơ để tạo lòng tin cho khách hàng.
Tại tòa, Nguyễn Thị Cẩm Hồng được xác định là chủ mưu, cầm đầu đường dây lừa đảo, trực tiếp điều phối toàn bộ hoạt động thu tiền và sử dụng trái phép. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức.