Nụ cười trên cánh đồng dứa

Vụ dứa năm nay, nông dân ở Thanh Hóa 'thắng lớn' khi quả dứa vừa đạt năng suất, giá bán lại cao. Với mỗi héc ta dứa, trừ hết chi phí, người dân thu lãi ít nhất trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, về lâu dài, để ổn định đầu ra cho quả dứa, cần có nguồn bao tiêu ổn định từ các doanh nghiệp lớn, chuyên sản xuất, chế biến thực phẩm.

Người lao động hào hứng thu hoạch dứa. Ảnh: Đình Minh.

Người lao động hào hứng thu hoạch dứa. Ảnh: Đình Minh.

Hối hả thu hoạch dứa

Có mặt trên những quả đồi bạt ngàn cây dứa thuộc địa bàn xã Hà Long, huyện Hà Trung và phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn vào trung tuần tháng 6/2024, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương, hối hả khi người dân đang tích cực thu hoạch dứa trên cánh đồng. Từ tờ mờ sáng cho đến chập tối, các xe tải xếp hàng dài dọc các con đường hoặc “phi” trực tiếp lên đồi để thu mua dứa. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều chủ ruộng thuê hàng chục công nhân tới hái và vác dứa lên xe để kịp bán cho các thương lái.

Bà Đỗ Thị Tuyết (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) đang thuê 18 người thu hoạch vườn dứa trên diện tích 2ha, cho biết: Năm nay, cây dứa đạt năng suất cao, quả to, đẹp, mỗi quả dứa chính vụ đạt trọng lượng từ 0,8-1,4kg, sau thời gian 18 tháng gieo trồng và chăm sóc. “Dứa được mùa, được giá, tiêu thụ từ đầu vụ đến giờ rất nhanh. Nhiều thương lái liên hệ từ sớm nhưng hiện chúng tôi không còn đủ hàng để bán. Với giá dứa dao động quanh mức 8.000 đồng/kg như hiện nay, trừ hết chi phí, gần 2ha dứa của gia đình cho lãi khoảng 400 triệu đồng”- bà Tuyết phấn khởi.

Sọt dứa nặng hàng trăm kilogam trước khi đặt lên vai người lao động. Ảnh: Đình Minh.

Sọt dứa nặng hàng trăm kilogam trước khi đặt lên vai người lao động. Ảnh: Đình Minh.

Tại đồi dứa thuộc Nông trường Hà Trung, bà Nguyễn Thị Kim (thôn Gia Miêu, xã Hà Long) đang cùng thương lái tính toán số dứa vừa thu hoạch trước khi bốc lên xe. Bà Kim ước tính, năng suất vụ này ruộng dứa của gia đình đạt gần 50 tấn/ha, trừ hết chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Theo bà Kim, giá dứa năm nay không chỉ cao mà còn rất dễ bán bởi tư thương đã liên kết, làm hợp đồng đặt cọc thu mua từ khi dứa sắp chín.

“Trước đây, bà con trồng dứa theo vụ, nên lúc được mùa thì mất giá, được giá thì lại không có để bán. Những năm gần đây, người dân trồng xen kẽ các vụ với nhau, tiến hành thu hoạch cuốn chiếu để tránh tình trạng cung vượt cầu, thương lái ép giá. Như vậy, khi thu hoạch dứa chín thì dứa nhỏ cũng bắt đầu xanh, dù ở thời điểm nào thì cũng có dứa để thu hoạch”- bà Kim chia sẻ.

Mỗi vụ dứa “trúng mánh”, không chỉ người trồng dứa phấn khởi mà những người được thuê để thu hoạch dứa cũng rất mừng vì có công việc để làm, có mức thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra trên đồng ruộng. Ông Nguyễn Văn Toàn, công nhân vác dứa cho biết: Nhóm lao động của ông có khoảng 15 người, cùng sinh sống tại thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành. Ở huyện ông cũng trồng rất nhiều dứa, nhưng thường thu hoạch trước khu vực Bỉm Sơn và Hà Trung. Nên mỗi khi hết vụ ở quê, nhóm công nhân thường nhận thêm việc từ các lái buôn, tới các ruộng dứa để thu hoạch. “Chị em bẻ dứa, tiền công khoảng 300.000 đồng/ngày; còn với các anh nam giới, phụ trách ''cõng" dứa từ đồi ra xe ô tô nặng nhọc nên công cao hơn, đạt khoảng 500.000 - 700.000 đồng/ngày”- ông Toàn nói.

Vận chuyển dứa đi tiêu thụ. Ảnh: Đ.M.

Vận chuyển dứa đi tiêu thụ. Ảnh: Đ.M.

Hướng đến việc bao tiêu

Ông Trịnh Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết: Năm nay, toàn thị xã trồng trên 500ha dứa, chủ yếu tập trung tại phường Đông Sơn và Bắc Sơn, cho năng suất khoảng 50 tấn/ha. Ông Đạt khẳng định: "Thời điểm này đang là chính vụ nên người dân tích cực thu hoạch, ước tính cũng đã đạt trên 70% tổng sản lượng dứa. Qua khảo sát, doanh thu trên mỗi ha dứa của địa phương hiện tại là trên 500 triệu đồng/vụ, trừ hết chi phí, lợi nhuận đạt từ 50 - 60%, đây là mức cao so với mọi năm".

Xã Hà Long có diện tích đất trồng dứa lớn nhất huyện Hà Trung với 950 hộ trồng dứa trên tổng diện tích khoảng 650ha. Ông Tống Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: Trước đây, người dân trồng mía để bán cho nhà máy đường nhưng đầu ra bấp bênh, hiệu quả kinh tế kém. Kể từ khi chuyển sang trồng dứa, thời gian gieo trồng, chăm sóc cũng là 18 tháng như cây mía nhưng cho lợi nhuận gấp đôi, đầu ra lại ổn định.

“Xác định cây dứa là cây trồng chủ lực, góp phần thay đổi đời sống nhân dân nên chính quyền luôn tạo điều kiện về giao đất, giao rừng, tu bổ đường giao thông, thủy lợi để thuận lợi cho việc sản xuất và thu hoạch dứa trên đồi cao. Cùng với đó, địa phương cũng chủ động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra ổn định để cây dứa phát triển bền vững"- ông Tuyên nói.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng phòng NNPTNT, UBND huyện Hà Trung cho biết: Toàn huyện hiện có gần 900ha trồng dứa, khoảng 650ha là do người dân trồng, còn lại hơn 200ha là đất trồng dứa của Công ty CP phát triển Tân Hà Trung. Theo ông Thịnh đánh giá, cây dứa gần như không có sâu bệnh, chịu hạn tốt, đem lại thu nhập cho người dân cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác, giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình.

Nói về việc phát triển kinh tế từ cây dứa, ông Vũ Quang Trung - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm nay, diện tích trồng dứa toàn tỉnh là 3.200 ha, trong đó có 1.300 ha thuộc các nông lâm trường và doanh nghiệp liên kết, còn lại là của các hộ dân. Theo ông Trung, hiện 2 giống dứa chính được trồng ở Thanh Hóa là dứa Queen và dứa Cayenne. Dứa Queen, trồng chủ yếu tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung. Ông Trung đánh giá, giống dứa này năng suất không cao nhưng quả to, đẹp, thơm..., phù hợp bán tươi để sử dụng trực tiếp. Đối với giống Cayenne, được trồng ở các vùng như Ngọc Lặc, Thạch Thành để sản xuất nước ép dứa đóng chai.

Ông Trung bày tỏ trăn trở với câu chuyện người nông dân trồng dứa đang phải tự bao tiêu sản phẩm. Việc xuất hàng cũng phụ thuộc vào thương lái. Hiện nay, toàn tỉnh còn 2 đơn vị đang thu mua dứa để chế biến các sản phẩm. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này lại chưa ký hợp đồng bao tiêu đối với người trồng dứa. Doanh nghiệp chủ yếu mua qua thương lái nên khi giá tăng cao họ không thể mua được dứa, buộc nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, quy mô 2 doanh nghiệp này nhỏ, chưa đáp ứng được vùng nguyên liệu rộng lớn của tỉnh.

“Dự kiến vào tháng 6/2025, một nhà máy sản xuất nước trái cây công suất dự kiến sẽ tiêu thụ 80.000 tấn dứa/năm sẽ đi vào vận hành. Chúng tôi bắt đầu quy hoạch vùng dứa nguyên liệu. Bà con nếu mở rộng sản xuất, nên gắn một phần đầu ra tại các doanh nghiệp để đảm bảo mức giá ổn định”- ông Trung nói.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nu-cuoi-tren-canh-dong-dua-10283938.html