Nữ ĐBQH đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm giao thông lên tối đa 200 triệu đồng

Một số ĐBQH đề nghị cân nhắc thêm quy định cho phép khu vực nội thành Hà Nội được tăng gấp đôi mức phạt vi phạm hành chính, có ĐBQH đề nghị tăng mức xử phạt giao thông lên tối đa 200 triệu đồng…

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) thảo luận tổ

Chiều 16-5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội…

Tại Tổ 01 (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội), qua thảo luận, đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết phải sửa đổi dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, các đại biểu quan tâm nhiều đến mức phạt tiền trên địa bàn thành phố Hà Nội và nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản…

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội) nêu quan điểm, dự thảo luật liệt kê các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính là chưa phù hợp, dễ dẫn tới liệt kê thiếu đối tượng bởi thời gian tới có thể sẽ thêm các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng lại không được quy định trong luật. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng: những cơ quan hành pháp theo quy định của pháp luật.

Với quy định về xử phạt hành chính không lập biên bản trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, nếu không lập biên bản có thể dễ dẫn tới sự tùy tiện của cơ quan xử phạt. Hơn nữa, trong trường hợp người bị xử phạt khiếu kiện lại không có căn cứ để cơ quan cấp trên xử lý việc xử phạt đó là đúng hay sai. Do đó cần cân nhắc tất cả các trường hợp đều phải lập biên bản để có căn cứ xử lý.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) thảo luận tổ

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) thảo luận tổ

Góp ý quy định về mức phạt tiền, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị làm rõ cơ sở điều chỉnh, bởi mức phạt tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: thu nhập, sức mua của đồng tiền, tình hình lạm phát. Theo ông Hà, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm mức phạt tiền là yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm. Ví dụ hành vi nào có yêu cầu hành vi phòng chống cao thì mức phạt tiền cần cao hơn…

Tại các tổ thảo luận khác, nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến thẩm quyền xử phạt và mức xử phạt vi phạm hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (oàn Đắk Lắk) thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (oàn Đắk Lắk) thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) dẫn thực tế từ xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông và cho rằng, tình trạng "nhờn" luật hay cố tình vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra ở một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Nguyên nhân do mức phạt tiền của Luật hiện hành, kể cả Nghị định 168 của Chính phủ chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe:

"Chúng ta thấy rằng, trong một số quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa theo luật hiện hành còn thấp, chỉ 75 triệu đồng" – đại biểu Xuân nói. Trong khi đó, nhiều trường hợp vi phạm với tính chất, mức độ nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm, chẳng hạn như lái xe cố tình đi ngược chiều trên đường cao tốc…, khi xảy ra tai nạn thì hậu quả khi rất nghiêm trọng.

Trên quan điểm đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị, đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, nên tăng mức phạt cao nhất từ 75 triệu đồng lên đến 200 triệu đồng.

Nội thành của 6 thành phố trung ương được xử phạt cao gấp đôi

Đáng chú ý, dự thảo luật này đề xuất bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức xử phạt vi phạm bằng tiền tăng gấp 2 lần ở khu vực nội thành của 6 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ. Ngoài ra, dự luật cũng mở rộng danh sách lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng gấp đôi.

Theo đó, tại Hà Nội và khu vực nội thành 5 thành phố trực thuộc Trung ương, mức xử phạt có thể cao hơn đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực: Giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự - an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm.

Qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị nội dung này cần tính toán thêm, đồng bộ với thẩm quyền xử lý.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nu-dbqh-de-nghi-tang-muc-xu-phat-vi-pham-giao-thong-len-toi-da-200-trieu-dong-post611938.antd