Xử phạt hành chính cần 'rắn' hơn để không ai dám vi phạm

HNN.VN - Nhiều ý kiến xác đáng, bám sát thực tiễn và đầy trăn trở của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã được đưa ra, từ câu chuyện thực phẩm bẩn, bánh phở độc cho tới tình trạng lúng túng của cán bộ xử lý vi phạm vào ban đêm.

Chiều 16/5, các ĐBQH tại tổ 7 – gồm Đoàn ĐBQH: TP Huế, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Kiên Giang đã tham gia thảo luận các dự án luật quan trọng, trong đó có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất luật cần bổ sung nguyên tắc xử phạt hành chính theo hướng mức phạt phải vượt trên mức trục lợi

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất luật cần bổ sung nguyên tắc xử phạt hành chính theo hướng mức phạt phải vượt trên mức trục lợi

Mạnh tay hơn để "cắt gốc" động cơ trục lợi

Tại phiên thảo luận, một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung phân tích là tính răn đe trong xử phạt hành chính liệu có đủ mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm đang ngày càng tinh vi và có xu hướng trục lợi có hệ thống.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng: “Không thể để doanh nghiệp thu lợi tiền tỉ từ hành vi vi phạm, rồi chỉ bị phạt vài trăm triệu đồng. Như vậy là tiếp tay cho vi phạm tiếp diễn”. Bà đề xuất luật cần bổ sung nguyên tắc xử phạt hành chính theo hướng: Mức phạt phải vượt trên mức trục lợi, để “không ai dám coi thường pháp luật”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cảnh báo nguy cơ tiêu cực nếu chỉ tăng mức phạt mà không siết chặt giám sát. “Phạt cao nhưng không minh bạch sẽ mở ra khoảng tối để “mặc cả”, “chung chi”. Phải có cơ chế hậu kiểm mạnh, kiểm tra ngược người có quyền xử phạt”, bà Hải nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH TP. Huế bổ sung thêm: “Hiện luật quy định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, tịch thu tang vật... vẫn còn thiếu rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể, dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu. Cần sửa đổi để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong áp dụng, tránh tạo ra kẽ hở cho sự tùy tiện”.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần xem xét hành vi nghiện trò chơi điện tử độc hại ở trẻ em như một vấn đề xã hội nghiêm trọng

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần xem xét hành vi nghiện trò chơi điện tử độc hại ở trẻ em như một vấn đề xã hội nghiêm trọng

Sửa luật nhưng không nên để luật “mở mênh mông”

Một điểm yếu khác trong dự thảo được các đại biểu chỉ rõ là ngôn ngữ luật còn dàn trải, mở quá rộng, thiếu định danh rõ ràng chủ thể có quyền xử phạt, điều có thể dẫn đến lúng túng khi áp dụng hoặc tạo ra sự chồng chéo, không kiểm soát được.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế dẫn ví dụ từ Điều 37a: “Quy định trưởng đoàn kiểm tra được quyền xử phạt, nhưng không ghi rõ đoàn kiểm tra thuộc cơ quan nào. Nếu là cơ quan nhà nước thì có bao gồm các cơ quan Đảng không? Đoàn ĐBQH có được coi là chủ thể lập đoàn kiểm tra không?”.

Bà cũng chỉ rõ sự trùng lặp khi vừa nhắc đến "thanh tra viên", vừa nhắc đến “thủ trưởng chi cục thuộc cục thuộc bộ”, "tổ chức tương đương”… dễ dẫn đến tình trạng “nhiều tên, một người”.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng lưu ý thêm về thời gian lập biên bản vi phạm, một khâu quan trọng nhưng hiện còn thiếu thực tế. “Khi vi phạm xảy ra vào ban đêm, nhất là sau 24 giờ, việc xử lý thường đòi hỏi nhiều bên phối hợp để thu thập bằng chứng như hình ảnh, video… Trong khi đó, luật lại giới hạn thời gian lập biên bản trong 24 giờ sẽ không phù hợp với thực tiễn. Cần xem xét kéo dài thời gian này lên 48 giờ để lực lượng chức năng có đủ thời gian xử lý đúng quy trình, đúng luật”, ông Nam đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam lưu ý về thời gian lập biên bản vi phạm, một khâu quan trọng nhưng hiện còn thiếu thực tế

Đại biểu Nguyễn Hải Nam lưu ý về thời gian lập biên bản vi phạm, một khâu quan trọng nhưng hiện còn thiếu thực tế

Phải lấp khoảng trống pháp luật

Ngoài việc tăng tính răn đe, các đại biểu cũng đặt vấn đề về việc mở rộng phạm vi xử lý các hành vi vi phạm mới, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số, dịch vụ số phát triển quá nhanh, vượt trước pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu một góc nhìn rất mới, đó là cần xem xét hành vi nghiện trò chơi điện tử độc hại ở trẻ em như một vấn đề xã hội nghiêm trọng. “Chúng ta mới chỉ có chế tài xử lý người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, mà quên rằng nghiện game cũng gây hệ lụy tương tự về tâm lý, học tập, hành vi. Đã đến lúc cần nghiên cứu xử phạt các doanh nghiệp cung cấp game độc hại, nhất là khi người dùng là trẻ vị thành niên”, bà Sửu kiến nghị.

Đại biểu này cũng đề xuất bổ sung đối tượng trẻ em nghiện game vào nhóm cần can thiệp giáo dục, giáo dưỡng tương tự như người nghiện ma túy.

Về vấn đề lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, bà Sửu bày tỏ quan ngại khi thời gian hoàn tất thủ tục có thể kéo dài đến 3 ngày khiến người tự nguyện đi cai dễ mất quyết tâm. “Cần lập hồ sơ ngay, tại chỗ, và quy định trách nhiệm cụ thể cho cán bộ tiếp nhận. Đừng để một quy định hành chính làm mất đi cơ hội thay đổi cuộc đời của một con người”, bà Sửu nhấn mạnh.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/xu-phat-hanh-chinh-can-ran-hon-de-khong-ai-dam-vi-pham-153678.html