Nữ điều dưỡng gửi 10 lá thư cho thiếu nữ 17 tuổi với những lời đặc biệt
Trong những tháng ngày chịu đau đớn bởi căn bệnh hiểm nghèo, thiếu nữ 17 tuổi như được xoa dịu, tưới mát bởi những yêu thương, ấm áp từ 10 lá thư của nữ điều dưỡng.
'Kể cho chị nghe những điều em đang lo lắng'
Dưới cái nắng chói chang những ngày cuối tháng 4, tại một góc nhỏ của khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, những câu chuyện xoa dịu nỗi đau của người bệnh được nữ điều dưỡng Nguyễn Thanh Ngọc (35 tuổi) chia sẻ, như một liều thuốc tưới mát tinh thần.
Chuyện về nữ bệnh nhân 17 tuổi xinh xắn với đôi mắt to, trầm lặng, dù thời gian em nằm ở khoa không lâu, nhưng khiến nữ điều dưỡng nhớ đến từng chi tiết
Chị Ngọc trầm ngâm kể, cô gái nhập khoa vào tháng 6/2023, sau khi đã được phẫu thuật, với chẩn đoán ung thư hang vị giai đoạn 4, đã di căn, không thể can thiệp ngoại khoa, xem xét chăm sóc giảm nhẹ, hóa trị.
Sau khi hóa trị đợt 1 được 7 ngày, bệnh nhân được cho về nhà, một tháng sau tái khám, tình trạng bệnh vẫn diễn tiến nặng nên tiếp tục nhập viện. Lúc này, sức khỏe của cô gái đã suy yếu nhiều, không thể thực hiện tiếp hóa trị.
Theo chị Ngọc, đây là cô gái khá nhút nhát, ít nói, thiên về nội tâm, rất ngại chia sẻ và rất khó thể hiện cảm xúc của mình. Đặc biệt, bệnh nhân khá suy sụp bởi cô hy vọng sau ca mổ đầu tiên sẽ hết đau, được đi học, nhưng cuối cùng phải nhập viện trở lại.
Trăn trở và xót thương cho cô gái còn nhỏ tuổi đã mắc bệnh hiểm nghèo, nữ điều dưỡng Thanh Ngọc đã tìm ra cách riêng của mình để gần gũi cũng như xoa dịu nỗi đau từ vết thương cả tinh thần lẫn bệnh tật. Đó là mỗi ngày, Ngọc gửi cho em một lá thư, không phải là những bức thư dài mà thường là những câu chia sẻ ngắn, ý nghĩa cùng những hình ảnh dễ thương.
Thanh Ngọc cho biết, lá thư đầu tiên, chị vẽ một tấm thiệp xinh xắn, bên trong là lời chào: “Chào em, chị là Thanh Ngọc, là điều dưỡng sẽ chăm sóc bé hôm nay”.
Ngày thứ hai, Ngọc gửi đến cô gái lời động viên: “Chị rất vui khi được tiếp xúc với em. Em biết không, tình cờ có lần chị nhìn thấy nụ cười của em, giống như ánh mặt trời vậy đó. Chị hy vọng, có thể nhìn thấy nó thật là nhiều mỗi ngày”
Ngày sau đó là một lá thư mới: “Hôm nay Linh sao rồi? Hãy bắt đầu một ngày mới của mình một cách khác bình thường. Thay vì cứ nằm ngủ rồi thức dậy, em hãy thử đọc sách, xem truyện Doreamon hay nghe nhạc. Hoặc cho thể kể cho chị nghe những điều em đang lo lắng cũng được”.
“Cho và nhận yêu thương, hãy trân trọng những điều mình đang có, sử dụng thời gian một cách khôn ngoan ở bên cạnh những người mình yêu thương, sống cuộc đời mà khi em nhìn lại em có thể tự tin và mỉm cười”…
Cứ như vậy, Thanh Ngọc đã viết khoảng 10 lá thư cho bệnh nhân của mình, động viên, chia sẻ để cô gái vui vẻ hơn mỗi ngày, cho đến khi em được gia đình đưa về nhà.
Lá thư cuối cùng Thanh Ngọc viết cho cô gái là những dòng thơ: “Không chúc em rực rỡ/ Chỉ chúc em bình yên/ Đi qua nhiều trắc trở/ Môi xinh vẫn cười hiền”.
Thanh Ngọc nghẹn ngào nhớ lại: "Ngày gặp gỡ cuối cùng đó, từ chỗ bị động, hạn chế tiếp xúc, cô đã chủ động ôm Ngọc, nói câu cảm ơn và tạm biệt. Một tuần sau khi về nhà, cô gái qua đời".
Để những cuối cùng thật tươi đẹp, nhiều ý nghĩa
Chị Thanh Ngọc đã có hơn 13 năm làm điều dưỡng tại khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, với công việc xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân trong giai đoạn cuối. Do phần lớn chỉ tiếp xúc với bệnh nhân nặng, ý nghĩ tiêu cực nên các nhân viên y tế ở đây luôn cố gắng giúp họ thoải mái nhất, có tinh thần mạnh mẽ để mỗi ngày họ sống hạnh phúc, vui vẻ bên người thân.
Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ là nơi xoa dịu nỗi đau cho người bệnh và người nhà bệnh nhân giai đoạn cuối. Chăm sóc giảm nhẹ dành cho tất cả các đối tượng người bệnh mắc các bệnh cấp tính lẫn mạn tính không chữa khỏi và gia đình họ. Các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải tỏa tâm lý tiêu cực, sống tích cực hơn, có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng hơn để chiến đấu bệnh tật, tránh rơi vào trầm cảm hoặc có ý định tự tử.
Thanh Ngọc cho biết, ở những giai đoạn cuối cùng này, các nhân viên y tế cố gắng giúp họ thoải mái nhất, đặc biệt, lấy ước muốn và nguyện vọng của người bệnh làm trung tâm để chăm sóc chứ không phải nguyện vọng của người nhà. Nhiều người bệnh ở giai đoạn cuối đời rất ngại nói ra ước muốn của mình.
Vì thế, công việc của chị và các nhân viên y tế khác không chỉ giúp người bệnh nói ra được nguyện vọng của mình, mà còn để người nhà bệnh nhân hiểu được rằng, việc cố gắng để người bệnh sống được lâu nhất có thể không quan trọng bằng cách mỗi ngày họ sống hạnh phúc, vui vẻ như thế nào.
Việc sống những ngày tươi đẹp cuối cùng sẽ thật sự có ý nghĩa cho cả bệnh nhân và người thân của họ.