Nữ doanh nhân 'rẽ ngang' thành nông dân xuất sắc toàn quốc

Đang kinh doanh dịch vụ khá thành đạt, chị 'rẽ ngang' sang lĩnh vực nông nghiệp với quan điểm 'đầu tư cho nông nghiệp không chỉ cần có vốn, có đất mà cần phải có khối óc, có đam mê'. Và tâm niệm ấy đã giúp chị thành công, trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023…

Quyết định rẽ ngang

Sinh năm 1965 tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, với sự nhanh nhạy và năng động, chị Nguyễn Kim Tiến sớm tạo dựng cho mình một cơ nghiệp khá lớn. Ấy là chuỗi cửa hàng kinh doanh điện máy và dịch vụ vận tải, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Đang là doanh nhân “có tiếng” ở vùng đất Phủ Quỳ, năm 2006, chị Kim Tiến quyết định rẽ ngang sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chị chia sẻ: “Kinh doanh dịch vụ vận tải nên tôi được đi nhiều nơi, đến nhiều vùng trong cả nước và cả nước ngoài. Những trang trại với hoa trái tươi tốt, những đàn dê, đàn bò, đàn lợn với quy mô lớn khiến tôi rất thích thú. Trong khi đó, ở quê tôi, vùng đất Phủ Quỳ có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trang trại đã thôi thúc tôi tìm hiểu về trồng trọt, về cách chăn nuôi và quyết định chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp”.

 Nữ doanh nhân Nguyễn Kim Tiến chuyển hướng đầu tư từ dịch vụ thương mại sang sang xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng nông nghiệp xanh. Ảnh: Hoài Thu

Nữ doanh nhân Nguyễn Kim Tiến chuyển hướng đầu tư từ dịch vụ thương mại sang sang xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng nông nghiệp xanh. Ảnh: Hoài Thu

Trên diện tích 6ha, chị dồn tất cả vốn liếng bao năm tích cóp được, đầu tư vào đó hàng tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, san gạt đất chia làm các phân khu: Khu chăn nuôi lợn, khu nuôi cá, khu trồng cây ăn quả, khu trồng thức ăn cho lợn (chuối, cỏ, dứa)… Tất cả đều tuần hoàn và khép kín.

Khởi nghiệp bằng kinh tế trang trại khá muộn và đúng lúc kinh tế trang trại gặp không ít khó khăn, thế nên, chị xác định, để thành công và phát triển bền vững thì chỉ có cách làm nông nghiệp sạch, chăn nuôi VietGAP và trồng trọt hữu cơ. Chị tâm sự: “Những ngày đầu bắt tay vào khởi nghiệp, bản thân gặp không ít khó khăn mà bản lĩnh của một người chinh chiến nhiều trên thương trường như tôi vẫn cảm thấy chùn bước. Nhưng tôi hiểu, để theo đuổi giá trị đích thực, muốn đưa nông sản sạch ra thị trường, vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng thì tôi phải chấp nhận khó khăn, chấp nhận đánh đổi. Và, đầu tư vào nông nghiệp, nếu chỉ dựa vào vốn, vào đất đai mà không có đam mê và khối óc thì khó mà thành công”.

Kiên trì theo đuổi giá trị bền vững

Ngoài 2ha ao cá, cây ăn quả, diện tích còn lại, chị sử dụng vào chăn nuôi chuyên sâu với quy mô ban đầu là 100 con lợn mẹ đầu dòng, 100 con lợn nái rừng, lợn Móng Cái và nái lai. Mỗi năm sản xuất khoảng 4.800 con lợn giống, tất cả được chuyển sang nuôi thành lợn thịt. Thức ăn cho lợn chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp được thu hoạch từ trang trại: chuối, dứa, bèo cám, bèo tây, cá tạp…

“Thay vì sử dụng cám công nghiệp như các trang trại thông thường thì trang trại chúng tôi là thiên về nuôi thuần tự nhiên; thay vì nuôi 4 tháng thì thời gian nuôi cũng kéo dài hơn lên đến 8 tháng/lứa. Ngoài ra, để phòng bệnh cho lợn thì nguồn thảo dược như: Lá nhót, lá ổi, lá cỏ hôi, mã đề… được đun nấu rồi trộn vào thức ăn cho lợn ăn hàng ngày, tăng sức đề kháng và hạn chế dịch bệnh. Chăn nuôi theo hình thức này thì chắc chắn lợi nhuận sẽ không cao, thậm chí có những năm hòa vốn”, chị Tiến cho biết.

 Bà Nguyễn Kim Tiến (trái) lai tạo hai giống lợn rừng và lợn Móng Cái thành công, giúp nâng cao năng suất chăn nuôi và cung ứng giống lợn cho người dân trong vùng. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Nguyễn Kim Tiến (trái) lai tạo hai giống lợn rừng và lợn Móng Cái thành công, giúp nâng cao năng suất chăn nuôi và cung ứng giống lợn cho người dân trong vùng. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù lợi nhuận không cao, có những năm còn bù lỗ song chị vẫn kiên trì với hướng đi này. May mắn, chủ động về con giống, chủ động về thức ăn, có cách phòng bệnh tốt và đặc biệt nhờ tạo dựng được uy tín và thương hiệu nên trang trại luôn chủ động về đầu ra, có lượng khách hàng ổn định từ Bắc vào Nam. Sau gần 20 năm kể từ khi bắt đầu gây dựng đến nay, trang trại của chị đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn trang trại VAC chăn nuôi hữu cơ theo hướng an toàn sinh học.

Ngoài ra, với niềm đam mê với chăn nuôi đã giúp chị thử nghiệm lai tạo thành công, cho ra đời dòng lợn lai giữa lợn rừng và lợn Móng Cái. Chị cho biết: “Giống lợn Móng Cái thuần chủng có đặc tính ham ăn, khả năng kháng bệnh cao, chóng lớn, dễ nuôi nhưng lại nhiều mỡ, giá trị kinh tế thấp. Lợn rừng thuần chủng có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế vượt trội nhưng giá thành cao, khó tiếp cận nhiều đối tượng tiêu dùng. Tôi đã lai tạo thành công giống cho lợn Móng Cái và lợn rừng, cho ra đời loại lợn lai dễ nuôi, thích nghi với các loại rau, cỏ và nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Đặc biệt, giá thành loại lợn này luôn giữ mức ổn định từ 100.000 - 120.000 đồng/1 kg, hiệu quả kinh tế cao, rất phù hợp cho những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ”. Hiện, giống lợn này đã được hợp tác xã cung ứng cho người dân trong vùng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các hộ chăn nuôi.

Vì cộng đồng

Làm ăn ngày càng phát đạt, đến năm 2017, chị quyết định chuyển từ mô hình sản xuất sang hợp tác xã. Cổ đông của hợp tác xã chính là những công nhân làm việc tại trang trại lâu nay, ngoài việc lao động hưởng lương, các thành viên hợp tác xã còn được chia cổ tức từ đồng vốn góp của họ.

“Nhiều người hỏi sao tôi không thành lập công ty, doanh nghiệp mà lại thành lập hợp tác xã trong khi nguồn vốn tôi không thiếu? Nếu so sánh ưu thế giữa doanh nghiệp tư nhân với hợp tác xã, về lợi nhuận thì bản thân cá nhân tôi sẽ hưởng lợi lớn hơn nhưng như vậy thì những công nhân gắn bó với tôi cả 10 năm nay sẽ không được hưởng lợi. Do đó, tôi muốn chia sẻ với họ về lợi nhuận mà chính họ góp sức làm nên”, chị Nguyễn Kim Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát chia sẻ.

 Hợp tác xã do chị Kim Tiến thành lập tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương ở thị xã Thái Hòa. Ảnh: Hoài Thu

Hợp tác xã do chị Kim Tiến thành lập tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương ở thị xã Thái Hòa. Ảnh: Hoài Thu

Luôn trăn trở để làm sao tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, tận dụng được hết các lợi thế của mô hình VAC nên chị đã xây dựng một quy trình chăn nuôi khép kín: Chuối, ổi, dứa, bưởi da xanh non (loại bỏ đi trong quá trình cắt tỉa), bèo tấm, bèo tây, bèo hoa, cá tạp là nguồn thức ăn phong phú cho lợn; phân bón cho cây. Chất thải của lợn lại bón cho cây; làm thức ăn cho bèo; làm hầm bioga đun nấu, sưởi ấm cho lợn vào mùa Đông. Vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường.

Để chủ động đầu ra, tăng giá thành sản phẩm, trang trại thực hiện các khâu sản xuất khép kín từ giết mổ cung cấp thịt tươi đến các sản phẩm chế biến giò, chả, xúc xích, ruốc bông cung ứng cho thị trường trong cả nước. Nhờ đó, ngoài tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng và hàng trăm lao động thời vụ với ngày công 250.000 - 350.000 đồng/tháng, thì lợi nhuận mỗi năm được chia sẻ theo số vốn đóng góp của mỗi xã viên.

Bên cạnh đó, chị còn được biết đến bởi những đóng góp trong công tác an sinh xã hội: Hiến đất để mở đường liên thôn, ủng hộ tiền làm giao thông; tặng quà cho hộ nghèo, hỗ trợ giống lợn cho 200 hộ nghèo để phát triển chăn nuôi. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, số tiền chị đã đóng góp ủng hộ trên 3 tỷ đồng.

Với những thành tích, đóng góp của mình, bà Nguyễn Kim Tiến hai lần được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen (năm 2017 và 2022); năm 2016 và năm 2023 bà vinh dự được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen; Được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” 2023.

Clip: Thu - Phúc

Thanh Phúc - Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nu-doanh-nhan-re-ngang-thanh-nong-dan-xuat-sac-toan-quoc-post275740.html