Nữ giảng viên cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và khơi dậy tiềm năng cho thế hệ trẻ

Với trái tim tràn đầy nhiệt huyết cùng lòng yêu nghề mãnh liệt, cô Vũ Hoài Phương - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ươm mầm cho bao thế hệ học trò, biến họ thành những 'bông hoa tri thức' tỏa hương thơm ngát tô điểm cho cuộc đời.

30 năm gắn bó với nghề giảng dạy

Vốn có niềm đam mê với nghề giáo và yêu thích làm việc cùng người trẻ, cùng sinh viên. Cô Phương luôn tâm niệm rằng, thành tựu lớn nhất của mình chính là những thế hệ học trò trưởng thành, có ích cho xã hội. Niềm tự hào ấy thể hiện qua ánh mắt trìu mến khi cô gặp lại những sinh viên cũ giờ đây đã khẳng định được bản thân trên nhiều vị trí công tác khác nhau.

TS. Vũ Hoài Phương, giảng viên khoa Tuyên, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền Hà Nội.

TS. Vũ Hoài Phương, giảng viên khoa Tuyên, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền Hà Nội.

Cô Phương không chỉ truyền tải kiến thức mà còn truyền cảm hứng cho sinh viên bằng chính sự nhiệt huyết, đam mê và kiến thức của mình. Cô luôn tạo bầu không khí lớp học sôi nổi, hào hứng, khuyến khích sinh viên tự do phát biểu ý kiến, trao đổi thảo luận. Nhờ vậy, sinh viên của cô không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn có kỹ năng giao tiếp tốt.

Trong suốt sự nghiệp trồng người, đã có không ít những kỷ niệm được ấp ủ và vun đắp trong trái tim cô. Một trong những kỷ niệm khiến cô nhớ nhất là câu chuyện về em sinh viên bỏ bê việc học vì ham chơi điện tử. Biết được hoàn cảnh khó khăn khi vừa mất mẹ, cô Phương đã dành nhiều thời gian động viên, chia sẻ và giúp đỡ em vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhờ sự quan tâm và động viên ấy, em đã lấy lại tinh thần, nỗ lực học tập và hiện nay trở thành một trong những phóng viên cứng tay của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Giang.

Cô Phương dẫn sinh viên lớp Truyền thông chính sách K40 Học viện Báo chí và Tuyên truyền đi thực tế chính trị xã hội tại đồn biên phòng tỉnh Lạng Sơn.

Cô Phương dẫn sinh viên lớp Truyền thông chính sách K40 Học viện Báo chí và Tuyên truyền đi thực tế chính trị xã hội tại đồn biên phòng tỉnh Lạng Sơn.

Kỉ niệm về chuyến đi thực tế chính trị xã hội tại các đồn biên phòng tỉnh Lạng Sơn cũng là một trong những dấu ấn khó phai trong tâm trí cô. Trong 5 ngày gắn bó cùng các chiến sĩ biên phòng, cùng sinh hoạt và tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại địa bàn nơi đồn quản lý, đã mang đến cho cô và các sinh viên những bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Cô Phương giới thiệu chuyên ngành Truyền thông chính sách cho chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ.

Cô Phương giới thiệu chuyên ngành Truyền thông chính sách cho chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ.

Đặc biệt, một trong những niềm vui lớn nhất trong sự nghiệp giảng dạy của cô là khi Học viện Báo chí và Tuyên truyền quyết định thành lập ngành Truyền thông chính sách. Vinh dự được phân công giảng dạy cho những lớp đầu tiên của ngành, cô đã dành nhiều tâm huyết để truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho sinh viên. Nhờ sự nỗ lực của Ban Chủ nhiệm khoa và mỗi thầy cô trong khoa Tuyên truyền, ngành Truyền thông chính sách đã nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình và thu hút được nhiều sinh viên theo học, điểm tuyển sinh tăng dần theo các năm.

Vượt qua thử thách và theo đuổi đam mê

Giống như bao giảng viên khác, cô Vũ Hoài Phương cũng đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong suốt sự nghiệp giảng dạy của mình. Khó khăn lớn nhất là mức lương không cao so với các ngành nghề khác trong thị trường lao động. Nếu làm việc ở công ty nước ngoài hay công ty liên doanh, cô có thể kiếm được thu nhập cao hơn so với làm giảng viên. Cô phải cân nhắc giữa việc ở lại với công việc giảng dạy yêu thích hay chuyển sang một môi trường làm việc có thu nhập cao hơn. Cuối cùng, sau một quá trình tranh đấu tư tưởng, cô đã quyết định gắn bó với nghề giáo vì đam mê được làm việc với sinh viên và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Cô Phương là tấm gương sáng cho mọi người xung quanh, luôn truyền cảm hứng và niềm tin vào cuộc sống.

Cô Phương là tấm gương sáng cho mọi người xung quanh, luôn truyền cảm hứng và niềm tin vào cuộc sống.

Cô Đinh Thị Thanh Tâm - Phó trưởng khoa Tuyên truyền chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất may mắn khi được là cựu sinh viên khoa Tuyên truyền, được cô Vũ Hoài Phương giảng dạy từ những năm đầu tiên khi bước chân vào Đại học. Sau đó, trở thành đồng nghiệp với cô càng khiến tôi trân trọng những gì cô đã mang lại. Từ hồi sinh viên đến nay, dù đã trải qua nhiều năm nhưng tôi vẫn thấy cô Vũ Hoài Phương luôn giữ được năng lượng và nhiệt huyết, đặc biệt là khả năng truyền cảm hứng không chỉ với sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà còn với nhiều thế hệ sinh viên ở các môi trường giáo dục khác. Tôi rất ấn tượng với cô Vũ Hoài Phương vì cô luôn mang đến sự sáng tạo trong giảng dạy, giúp sinh viên, học viên hứng thú hơn với các môn học của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực Truyền thông chính sách."

Những bức thư cô Phương nhận được từ học trò.

Những bức thư cô Phương nhận được từ học trò.

Bạn Đào Ngọc Quang - sinh viên lớp Truyền thông chính sách K40 (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Cô Phương không chỉ là một giảng viên truyền đạt kiến thức chuyên ngành, mà còn là người cố vấn, người định hướng rất tận tâm cho từng sinh viên. Cô luôn dành thời gian lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn các sinh viên trong lớp vượt qua khó khăn trong học tập. Riêng đối với em, những bài học và lời khuyên của cô luôn là kim chỉ nam giúp em vững bước trên con đường học tập. Sự tin tưởng, động viên của cô đã giúp em tự tin hơn, quyết tâm nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu của mình”

Những bức thư cô Phương nhận được từ học trò.

Những bức thư cô Phương nhận được từ học trò.

"Tiên học lễ, hậu học văn" - Nền tảng cho một con người toàn diện

Với quan điểm "tiên học lễ, hậu học văn", cô Phương luôn chú trọng giáo dục cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả kỹ năng sống và đạo đức nghề nghiệp, giúp các em trở thành những người công dân có ích cho xã hội. Cô tin rằng để trở thành một công dân tốt, trước hết sinh viên cần phải rèn luyện bản thân trở thành những người có ích cho xã hội, một thành viên tốt trong gia đình và một sinh viên mẫu mực trong nhà trường.

Những bức thư cô Phương nhận được từ học trò.

Những bức thư cô Phương nhận được từ học trò.

Để giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế và áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, cô Phương thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa, hội thảo chuyên ngành. Đặc biệt, cô còn tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các cơ quan báo chí, truyền thông uy tín như: Trung tâm Truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Truyền thông của Bộ Tư pháp, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, Phòng Truyền thông của Sở Giáo dục và Đào tạo… Tại đây, sinh viên được trải nghiệm công việc thực tế, tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ đó bổ sung và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của bản thân.

Cô Phương cùng đoàn sinh viên tới thăm và làm việc với Sở Tư Pháp, Thành phố Lạng Sơn.

Cô Phương cùng đoàn sinh viên tới thăm và làm việc với Sở Tư Pháp, Thành phố Lạng Sơn.

Với những ‘bông hoa’ nhỏ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nhiều học trò của cô đã trở thành những công dân tốt, làm việc tại các cơ quan, tổ chức uy tín và luôn hướng về cộng đồng. Hơn cả những giải thưởng danh giá, điều mà cô Phương trân quý nhất chính là tình cảm và sự yêu mến của sinh viên dành cho cô. Cô Vũ Hoài Phương là một tấm gương sáng về lòng yêu nghề, sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo. Cô là niềm tự hào của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ sinh viên tương lai.

(Ảnh: NVCC)

Phương Nhi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-giang-vien-cong-hien-het-minh-cho-su-nghiep-giao-duc-va-khoi-day-tiem-nang-cho-the-he-tre-post1642521.tpo