Nữ giới đóng vai trò chi phối quyết định mua sắm, tăng trưởng tiêu dùng

Người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn, với mức chi tiêu trung bình tăng lên. Trong đó, nữ giới đóng vai trò chi phối quyết định mua sắm, tiêu dùng.

 Nữ giới đóng vai trò chi phối quyết định mua sắm, tăng trưởng tiêu dùng. Ảnh minh họa

Nữ giới đóng vai trò chi phối quyết định mua sắm, tăng trưởng tiêu dùng. Ảnh minh họa

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Tại "Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam" do Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức vào sáng nay (19/6), bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực Miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam, cho biết, người tiêu dùng đang trải qua nhiều thử thách trong suốt năm vừa qua, đặc biệt là vấn đề về sinh hoạt phí tăng. Thực tế đó dẫn đến việc người tiêu dùng buộc phải cắt giảm khoản chi các mặt hàng tùy ý để cân bằng cho các mặt hàng thiết yếu.

Có 66% người tiêu dùng lựa chọn nấu ăn tại nhà vào quý 3/2023, con số này của quý 4/2023 là 60% và quý 1/2024 là 62%.

40% người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng khi không biết rủi ro gì sẽ xuất hiện trong tương lai. Đồng thời, họ có xu hướng mua sắm trực tuyến để tận dụng ưu đãi hay có sự so sánh về giá cả giữa các sản phẩm, chuyển sang lựa chọn sản phẩm có mức giá thấp hơn.

"Đây cũng chính là thử thách đối với các doanh nghiệp vì giữ được người tiêu dùng không dễ", bà Hà nhận định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam, cho biết, với những nỗ lực trong truyền thông và mở cửa hàng, các nhà bán lẻ chủ chốt sẽ dễ dàng tiếp cận người mua hàng hơn. Song, để giữ chân người mua hàng vẫn là thử thách vô cùng lớn.

Điển hình là tại báo cáo của Kantar, thị phần của top 5 nhà bán lẻ Hiện đại bao gồm Co.op Mart, Winmart, Bách Hóa Xanh… đang giảm dần qua các năm.

Bên cạnh việc giữ chân người tiêu dùng, bà Nga cho rằng, việc tiếp cận, thu hút khách hàng cũng đang trở nên khó khăn đối với tất cả các thương hiệu: từ thương hiệu lớn tới nhỏ, thương hiệu trong và ngoài nước.

Lý do là bởi tần suất mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện, ước tính giảm khoảng 15% so với thời điểm trước COVID-19. Song, người tiêu dùng mua tại nhiều kênh hơn, mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm tăng so với thời điểm năm 2019.

Như vậy, người tiêu dùng đã có sự thay đổi trong việc mua sắm kể từ sau khi đại dịch xảy ra, mua sắm đa dạng cách kênh, mua sắm ít hơn nhưng sẵn sàng chi nhiều tiền cho kênh mua hàng trực tuyến với nhiều ưu đãi và khuyến mại. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp do ít được "gặp" người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dương

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dương

Đánh giá về nhóm người tiêu dùng, TS. Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định: "Phụ nữ đang chi phối quyết định mua hàng, tăng trưởng cho mua sắm tiêu dùng".

Chia sẻ về ý kiến này, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam, cho biết, những năm gần đây, kênh bán lẻ có sự thay đổi từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại, đặc biệt là thành thị. Nhiều chị em chỉ cần xem livestream bán hàng thấy giải trí là có thể mua hàng, nhiều lúc chưa chắc đã có nhu cầu cũng mua, hay hiệu ứng FOMO chị em với nhau: mua cùng nhau, chia sẻ cảm nhận với nhau…

Trong các ngành hàng, chuỗi cửa hàng mẹ và bé cũng như cửa hàng kinh doanh sản phẩm sức khỏe và sắc đẹp có sự mở rộng mạnh mẽ và dẫn dắt tăng trưởng của kênh bán lẻ thời gian qua.

Điều này cho thấy phần lớn nhóm người tiêu dùng, nữ giới đang đóng vai trò chi phối, giúp tăng trưởng cho mua sắm tiêu dùng.

Chuyển đổi số là chìa khóa giúp tăng trưởng mua sắm

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ đang đối mặt với nhiều thách thức nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị vận hành trong thời đại mới. Cụ thể là thách thức trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tối ưu hóa giá bán, xu hướng kinh doanh trực tuyến tạo ra áp lực cạnh tranh...

Ông Lê Hùng Cường, phó Tổng Giám đốc FPT Digital, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dương

Ông Lê Hùng Cường, phó Tổng Giám đốc FPT Digital, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dương

Vì vậy, ông Cường nhấn mạnh "Chuyển đổi số là chìa khóa tăng trưởng cho ngành bán lẻ". Doanh nghiệp cần tìm cách giữ chân khách hàng trung thành bằng cách thay đổi cách thức mua hàng, trải nghiệm tìm kiếm sự thuận lơi, hướng tới trải nghiệm mua sắm độc đáo, nâng cao tính bền vững chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt là phát triển công nghệ mới và xu hướng chuyển đổi xanh, tạo cơ hội chuyển đổi toàn diện như siêu cá nhân hóa trên dữ liệu để giúp khách hàng biết nhu cầu của mình, đầu tư ứng dụng AI thúc đẩy mua sắm ảo".

Đồng quan điểm, bà Nga chia sẻ thêm, doanh nghiệp cần linh hoạt, thích nghi, đổi mới và đánh giá chiến lược kinh doanh để phù hợp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng; cần nắm bắt yếu tố ảnh hưởng chi tiêu theo kênh mua sắm, tận dụng xu hướng đa kênh để tiếp cận nhiều người mua sắm hơn.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-gioi-dong-vai-tro-chi-phoi-quyet-dinh-mua-sam-tang-truong-tieu-dung-20240619163146328.htm