Nữ giới hướng tới nền kinh tế xanh
Được coi như xu hướng trong tương lai, việc làm xanh đang thu hút nguồn nhân lực trẻ, bao gồm cả nữ giới mong muốn tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế xanh với nhiều vai trò khác nhau.
Xu hướng phát triển bền vững
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thế giới đang bước vào quá trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững. Nền kinh tế xanh được tin tưởng sẽ giải quyết các quan ngại về kinh tế, xã hội và môi trường theo các mô hình bền vững. Hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh đồng nghĩa với việc gia tăng việc làm xanh. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc làm bền vững, việc làm xanh không chỉ giảm thiểu các tác động môi trường tiêu cực mà mang lại nhiều cơ hội việc làm tốt.
Cùng với thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia nỗ lực lớn trong chống biến đổi khí hậu cũng như hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và một tương lai phát thải ròng bằng 0. Do đó, Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm xanh và kỹ năng xanh trên thị trường lao động.
Hiện việc làm xanh tại Việt Nam vẫn còn rất “khiêm tốn” trong tổng số việc làm khi chỉ chiếm 3,6%. Tuy nhiên, nhiều nghề khác có tiềm năng trở thành nghề xanh, nhất là khi phát triển bền vững đang ngày càng được xem trọng, nhằm bắt kịp xu thế phát triển chung và duy trì tính cạnh tranh. Nhu cầu việc làm xanh cao nhất đến từ các ngành sản xuất là 48%, năng lượng là 34%, nông nghiệp là 11% và công nghệ là 4%. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp nặng, xây dựng, giao thông vận tải,… đều là những ngành phải chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, theo đúng xu hướng của ngành.
Để nữ giới tham gia vào kinh tế xanh
Trong năm 2022 - 2023, số lượng việc làm xanh tại Việt Nam đã tăng 22%. Đón đầu xu thế, việc làm xanh thu hút nguồn nhân lực trẻ ở nhiều ngành nghề, bao gồm cả nữ giới. Cũng giống như các ngành khác, do những định kiến về giới, vai trò của phụ nữ vẫn chưa được ghi nhận đúng trong phát triển nền kinh tế xanh nói chung và việc làm xanh nói riêng.
Đối với nhóm ngành STEM, nhóm ngành là trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững, sự tham gia của phụ nữ vào khoa học và công nghệ không những thúc đẩy sự sáng tạo, mà còn tăng cường sự tham gia xã hội của họ đối với nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, STEM dường như chủ yếu chỉ dành cho nam giới. Báo cáo “Thị trường nhân lực công nghệ thông tin 2020” của VietnamWorks InTECH cho thấy phụ nữ chỉ chiếm 11% tổng số người theo học công nghệ thông tin. Trong khi đó tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 4.273 sinh viên nam nhưng chỉ có 1.150 sinh viên nữ, tức chỉ có 22% là nữ.
Trước thực trạng trên, Hội thảo HERstory in STEM đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 50 cá nhân nữ đang theo học và làm việc tại ngành STEM. Đặc biệt, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các phụ huynh và các học sinh cấp 3 đang chuẩn bị bước vào đại học. Hội thảo là cầu nối giữa các sinh viên nữ ngành STEM và 4 diễn giả được xem là 4 hình mẫu nữ đã có những thành tựu, từ đó xây dựng được sự tự tin, nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và cách tiếp cận đúng đắn khi phải đối diện với các rào cản giới trong xã hội.
Chia sẻ trong buổi hội thảo, PGS. TS Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh, nghề STEM không thực sự khô khan như nhiều bạn trẻ nghĩ. Vì vậy, nếu những cá nhân làm nghề tìm được sự kết nối với nghề thì dù nữ giới hay nam giới, miễn chúng ta yêu và hiểu được những giá trị tốt đẹp của công việc, thì đều xứng đáng được cống hiến với nghề.
Nhận xét về vai trò của ngành STEM trong nền kinh tế xanh, chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ tại Công ty TNHH Năng lượng bền vững Việt Nga cho rằng đây là một trong những ngành mũi nhọn đóng góp vai trò to lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh và an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đối với các doanh nghiệp hiện nay, không ngoại trừ lĩnh vực STEM, chuyển đổi xanh - phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới như một công cụ tạo lợi thế cạnh tranh, tận dụng các cơ hội hợp tác đầu tư thương mại.
Để nắm bắt thời cơ tham gia vào các ngành STEM cũng như công nghiệp xanh hiện nay và trong tương lai, theo chị Nguyễn Thị Huyền, bên cạnh quyết tâm theo đuổi đam mê, nữ giới cần không ngừng trau dồi tri thức, kỹ năng chuyên môn, tư duy đổi mới, cải tiến liên tục để bắt kịp xu thế và vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị thế của cá nhân và giới nữ trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần trau dồi các kỹ năng mềm, đặc biệt cần xác định mục tiêu, lập kế hoạch và chiến lược hành động để đạt được mục tiêu, xem xét tính khả thi và có những điều chỉnh nếu có để đạt được mục tiêu sớm nhất có thể. Thêm một điều quan trọng, trong công việc và sự nghiệp, thách thức nếu có đều là thách thức chung với cả nữ giới và nam giới. Vì vậy, nếu không có đủ tố chất và sự quyết tâm, sự kiên định, thì nam hay nữ cũng đều bị bỏ lại phía sau.
Dự án She4Future ra đời bởi Mạng lưới hiệu quả năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam và sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội. Dự án She4Future hướng tới thúc đẩy thế hệ nữ tự tin, tài năng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học tại Việt Nam. Trọng tâm của dự án là các hoạt động giúp xây dựng niềm tin vững chắc bên trong ở chính mỗi cá nhân nữ, đồng thời truyền cảm hứng và chia sẻ những khó khăn chung của cộng đồng nữ STEM.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nu-gioi-huong-toi-nen-kinh-te-xanh-post502922.html