Nữ khuyến nông viên được nông dân tin tưởng
Với sự năng động, sáng tạo và lòng nhiệt tình trong công việc, những năm qua, chị Văn Thị Thúy Vi, khuyến nông viên xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn nông dân áp dụng những mô hình, kiến thức mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên làm giàu.
Năm 2007, chị Vi đang là Phó Bí thư Đoàn xã Hải Phú thì được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm thêm chức danh khuyến nông viên của xã. Thời điểm đó, chị chỉ được nhận phụ cấp 300.000 đồng mỗi tháng, tuy nhiên, yêu nghề chăn nuôi - thú y nên chị vẫn bám trụ. Hiện nay, chị Vi là Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm nhiệm khuyến nông viên xã Hải Phú.
Sâu sát với các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, chị nhận thấy, xã Hải Phú có diện tích đất rừng lớn, đất đai trù phú, nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhưng đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp tại Hải Phú còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Nông dân chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích còn thấp. Để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, chị đã tìm đến các đơn vị chuyên môn để đề xuất các giải pháp và tìm nguồn lực hỗ trợ.
Từ đó, nhiều đoàn cán bộ, giảng viên của các trường dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã về Hải Phú tập huấn, hướng dẫn nông dân việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về cây trồng, con nuôi mới. Người dân từ chỗ hoài nghi dần đã thay đổi tư duy và cách làm.
Nhờ vậy, những cánh rừng sản xuất cứ 4 - 5 năm lại thu hoạch 1 lần, đốt thực bì rồi trồng mới; trồng lúa theo phương thức truyền thống, giá bán thấp; những vườn đồi chỉ trồng cây hàng năm dần dần được thay thế bằng những cánh rừng rộng hàng trăm héc ta trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC; những cánh đồng lúa hữu cơ liên kết với doanh nghiệp; những vườn cam rộng hàng chục héc ta tại vùng đồi K4 hay các mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng được hình thành.
Ông Văn Anh Minh ở tại thôn Phú Hưng cho biết, nếu không có những buổi tập huấn về xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi bò, không được chị Vi hỗ trợ thì đến nay anh vẫn chỉ nuôi vài con bò chứ không dám đầu tư chuồng trại, thuê thêm đất trồng cỏ nuôi 9 con bò sinh sản như hiện nay. Quá trình thực hiện anh đã được chị Vi tư vấn nhiệt tình cả về thủ tục cũng như hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng cỏ, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, xây dựng chuồng trại. “Nhờ nắm chắc kỹ thuật, tôi đã tự tin chuyển từ nuôi bò địa phương sang nuôi các giống bò lai để phối tinh nhân tạo giống bò 3B, mở rộng diện tích trồng cỏ lên hơn 0,75 ha. Hiện vườn cỏ và đàn bò đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập ổn định”, anh Minh cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú Lương Trung Quốc khẳng định, ở xã Hải Phú có lẽ không vùng đất nào chị Vi không đặt chân đến, không người dân nào không biết tên chị Vi. Nhất là các mô hình trình diễn, mô hình mới thì hầu như tuần nào chị cũng đến thăm, tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc.
Theo ông Quốc, nhiều mô hình, nếu không có sự hỗ trợ tích cực của khuyến nông viên thì người dân sẽ rất ngại thực hiện. Người thì sợ thử nghiệm giống cây trồng, con nuôi mới, áp dụng cách làm mới; người thì e ngại để nhận được tiền hỗ trợ từ các chương trình, dự án sẽ phải trải qua nhiều thủ tục rườm rà...
Chính tâm lý này khiến hộ gia đình nhiều khi mất đi cơ hội. Ngoài ra, việc hỗ trợ, xây dựng các mô hình cũng cần đúng đối tượng, vì nếu người dân thực hiện các mô hình này với mục đích hưởng chính sách hỗ trợ thì hiệu quả sẽ không bền vững, không đủ sức lan tỏa. Do vậy, khuyến nông viên chính là người thuyết phục, hỗ trợ người dân, tham mưu cho chính quyền địa phương tháo gỡ những nút thắt đó.
“Năm 2023, các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã hỗ trợ cho người dân trên địa bàn xã số tiền gần 500 triệu đồng. Các mô hình đều phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế của địa phương. Thành quả ấy có vai trò, đóng góp rất lớn của chị Vi”, ông Quốc cho hay.
Với những đóng góp của mình, chị Vi đã được tỉnh và huyện Hải Lăng tuyên dương, khen thưởng nhưng với chị, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin tưởng, yêu mến của người dân. Đây là động lực giúp chị tiếp tục gắn bó, đồng hành với người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.