Nữ sinh giành học bổng hơn 1 tỷ đồng trường đại học lâu đời nhất Hàn Quốc

Tô Huyền My (sinh năm 1997), là du học sinh hệ Thạc sĩ của trường ĐH Sungkyunkwan. Đây là ngôi trường được nhắc đến trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng 'Chuyện tình Sungkyunkwan'. Ngoài ra, đây cũng là ngôi trường có lịch sử lâu đời nhất Hàn Quốc, thuộc top 5 trường đại học danh giá hàng đầu ở xứ sở Kim chi.

Đậu học bổng cùng lúc 3 trường

Trước đây, Huyền My là sinh viên khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Việc du học với My là một cơ duyên, vì vốn cô không có kế hoạch cho việc này.

“Không có ý định đi du học từ trước nên sau khi ra trường, mình đã tìm kiếm công việc ổn định tại một công ty IT Hàn Quốc. Nhưng một người chị đã nói với mình rằng: Người ta cần có nhiều thành tích như em để làm đẹp hồ sơ du học còn em lại chỉ vứt một bên. Du học sẽ là con đường giúp em nhận ra nhiều giá trị cũng như tích lũy được nhiều kiến thức. Vì vậy, mình quyết định lên kế hoạch tìm hiểu Học bổng Chính phủ để apply học bổng”, Huyền My chia sẻ.

Huyền My hiện đang theo học ngành Nghiên cứu ngôn ngữ Hàn, hệ Thạc sĩ tại trường. (Ảnh: NVCC)

Huyền My hiện đang theo học ngành Nghiên cứu ngôn ngữ Hàn, hệ Thạc sĩ tại trường. (Ảnh: NVCC)

May mắn đậu cả 3 trường Sungkyunkwan, Kookmin, Sunmoon, Huyền My lựa chọn Sungkyunkwan, vì đây vừa là một trong những trường đại học top đầu Hàn Quốc, vừa có chế độ hỗ trợ phí kí túc xá riêng cho học giả học bổng Chính phủ. Bên cạnh đó, trường còn được Samsung đầu tư, phát triển về mọi mặt.

Huyền My nhận được Học bổng Chính phủ năm 2021 và bắt đầu sang Hàn du học năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Huyền My nhận được Học bổng Chính phủ năm 2021 và bắt đầu sang Hàn du học năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Bắt đầu tiếp xúc và làm quen với tiếng Hàn từ bảng chữ cái, Huyền My cho biết, học ngoại ngữ ngoài sự chăm chỉ, cần có tư duy để vạch ra được phương hướng học tập một cách hiệu quả.

“Không ôm đồm quá nhiều mà cần tập trung vào những kiến thức trọng tâm. Ngoài ra, cần luyện khả năng quan sát, lắng nghe vì suy cho cùng, khi học một ngôn ngữ khác, chúng ta cần có khả năng bắt chước để có thể giống người bản địa từ phát âm cho đến lối tư duy, lối hành văn”, Huyền My nói.

Cô chia sẻ, tiếng Hàn là một ngôn ngữ có tính logic cao nên càng học, cô càng thấy hứng thú. Nhưng ngữ pháp của ngôn ngữ này cũng gây cho cô khá nhiều khó khăn, vì trật tự câu của tiếng Hàn trái ngược với tiếng Việt, ngoài ra, có nhiều ngữ pháp tương tự nhau nên khá khó để phân biệt.

Ngoài thành thạo tiếng Hàn, Huyền My còn từng học qua tiếng Pháp và tiếng Nhật. (Ảnh: NVCC)

Ngoài thành thạo tiếng Hàn, Huyền My còn từng học qua tiếng Pháp và tiếng Nhật. (Ảnh: NVCC)

Bí quyết giành học bổng

Để giành được suất học bổng GKS (học bổng Chính phủ Hàn Quốc) có giá trị hơn 1 tỷ đồng, Huyền My đã mất gần nửa năm để tìm hiểu trên các group Facebook thông tin về học bổng dành cho du học sinh Hàn Quốc, viết bài luận, lập ra list câu hỏi cho phần phỏng vấn và luyện tập trước gương…

Bên cạnh đó, một số thành tích được tích lũy trong quá trình học tập ở trường như: Học bổng khuyến khích học tập suốt 4 năm đại học, Á khoa đầu ra ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) năm 2019, đại diện khoa Nhật – Hàn – Thái nhận danh hiệu 'Sinh viên tiêu biểu' của Bộ GD - ĐT 2019, Top 20 Chung kết toàn quốc cuộc thi nói tiếng Hàn 'Kumho Asiana 2017', giải Nhất cuộc thi nói tiếng Hàn KLAT khu vực miền Nam 2019, giải Nhì cuộc thi nói KOICA 2019, cùng bằng chứng nhận tham gia thông dịch cho các hoạt động tình nguyện của trường đại học Kyung In, Chungang, Quỹ hòa bình Hàn Việt… đã giúp Huyền My trở thành một trong số ít bạn trẻ giành được suất học bổng giá trị tại Sungkyunkwan.

Từ khi còn trên ghế nhà trường, Huyền My đã luôn nỗ lực để giành được nhiều thành tích. (Ảnh: NVCC)

Từ khi còn trên ghế nhà trường, Huyền My đã luôn nỗ lực để giành được nhiều thành tích. (Ảnh: NVCC)

Là người tự lập nên Huyền My không gặp nhiều vấn đề trong việc thích nghi với cuộc sống mới. Nhưng đôi lúc nhớ nhà và áp lực vì việc học tập, My cũng rơi vào trạng thái sa sút tinh thần, tưởng chừng như không thể tiếp tục được.

“Điều mình cảm thấy khó khăn nhất có lẽ việc học ở trường. Khoa mình yêu cầu cao nên chương trình học khá nặng, đã từng có lúc mình stress đến nỗi bật khóc trong giờ học, chẳng vì lý do gì cả. Nhưng nhờ sự động viên của người thân, bạn bè, các bạn cùng lớp, cũng như các giáo sư, mình đã lấy lại tinh thần để tiếp tục, My tâm sự.

Huyền My là người Việt Nam thứ hai đoạt giải Trạng nguyên Cuộc thi viết tiếng Hàn dành cho người nước ngoài, do trường ĐH Yonsei tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Huyền My là người Việt Nam thứ hai đoạt giải Trạng nguyên Cuộc thi viết tiếng Hàn dành cho người nước ngoài, do trường ĐH Yonsei tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Một trong những vấn đề được các bạn trẻ quan tâm khi đi du học là kỹ năng làm việc nhóm với bạn bè ngoại quốc. Chia sẻ về cách làm việc nhóm với người bản địa khi bản thân là người ngoại quốc duy nhất trong nhóm, Huyền My cho rằng, thay vì ngồi yên chỗ và chờ sự sắp xếp của mọi người, hãy chủ động lên kế hoạch cũng như hỏi các bạn trong nhóm xem mình làm vậy có được không, hay mình cần làm những mục nào. Ngoài ra, nếu các bạn được giao cho phần “dễ thở” hơn thì hãy chủ động đề nghị với nhóm rằng mình sẽ làm những việc khác ví dụ như edit bài, đi in bài phát biểu…

“Mình luôn được các bạn người Hàn quan tâm, cũng như tôn trọng. Sau các bài thuyết trình, các bạn còn vào nhắn tin động viên khen mình nữa nên mình thấy rất vui”, My nói.

Huyền My trình bày về phương hướng của luận văn tốt nghiệp trước giáo sư. (Ảnh: NVCC)

Huyền My trình bày về phương hướng của luận văn tốt nghiệp trước giáo sư. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh áp lực học tập, cuộc sống du học sinh của Tô Huyền My còn ngập tràn kỷ niệm với trải nghiệm đáng nhớ trong những lần tham gia lễ hội âm nhạc, gặp gỡ các nghệ sĩ, nhóm nhạc thần tượng K-pop nổi tiếng tại trường. Sau khi hoàn thành 2 năm du học, Huyền My dự định sẽ cho bản thân tạm nghỉ ngơi để “sạc năng lượng” và chuẩn bị cho những cho những kế hoạch giảng dạy riêng của mình.

GKS là học bổng Chính phủ Hàn Quốc được tài trợ bởi NIIED – Viện Giáo dục Quốc tế Hàn Quốc, tuyển chọn du học sinh gắt gao qua 3 vòng: Lãnh sự quán, NIIED và trường đại học.

Năm 2023, trong 139 quốc gia và vùng lãnh thổ, NIIED tuyển chọn gần 1.000 học giả. Trong đó, Việt Nam được chọn 28 học giả, với track nộp qua Lãnh sự quán và 38 học giả, với track nộp qua trường đại học. Điều kiện duy trì học bổng là GPA mỗi kì đạt 80% trở lên.

Lan Huỳnh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-gianh-hoc-bong-hon-1-ty-dong-truong-dai-hoc-lau-doi-nhat-han-quoc-post1590722.tpo