Nữ sinh lai Trung - Việt và hành trình khám nét đẹp truyền thống của Tết Việt
Trần Chúc An, 22 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông - Trung Quốc mang trong mình dòng máu lai Trung - Việt. Lần đầu tiên được trải nghiệm Tết Nguyên đán tại quê mẹ, An đã có những cảm xúc và trải nghiệm vô cùng đặc biệt.
Sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc, An ít có cơ hội được tìm hiểu về văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam. Tuy nhiên, trong trái tim cô gái trẻ luôn cháy bỏng niềm khao khát được khám phá vẻ đẹp quê mẹ. Tết năm nay, An quyết định cùng em gái về Việt Nam thăm ông bà ngoại và trải nghiệm Tết cổ truyền lần đầu tiên tại đất nước hình chữ S.
Chúc An đón Tết 2024 tại Hà Nội trong 4 ngày: 30, mùng 1, mùng 2 và mùng 3 với các hoạt động: dạo hồ Hoàn Kiếm, chụp ảnh, thưởng thức ẩm thực và thăm gia đình bạn bè.
Sự khác biệt thú vị giữa Tết Việt và Tết Trung
So với Tết Trung Quốc, An nhận thấy nhiều điểm khác biệt trong cách người Việt đón Tết:
"Theo cá nhân mình, mỗi nước sẽ có một nền văn hóa khác nhau. Ở Trung Quốc có lẽ Tết sẽ nhộn nhịp hơn bởi ở đây cho phép người dân đốt pháo, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một gia đình đang đốt pháo trước cửa nhà. Ngoài ra, tại Trung Quốc kỳ nghỉ Tết sẽ lâu hơn tại Việt Nam, thường kéo dài từ ngày 8 tháng 12 âm lịch đến ngày 15 tháng giêng âm lịch.
Năm nay đón Tết tại Việt Nam mình cảm thấy rất thích thú khi mọi người bán và trang trí nhà cửa rất nhiều bằng cây đào và rất nhiều các loại hoa khác. Đường phố những ngày cận Tết ở Việt Nam cực kỳ đông đúc và ai cũng hối hả. Hầu như chiếc xe nào trên phố cũng chở theo một cành đào hoặc chậu quất. Người Trung Quốc thì thường trang trí nhà cửa bằng đèn lồng, các câu đối hoặc tranh vẽ. Trung Quốc cũng có quất và mai tuy nhiên lại không có đào như ở miền Bắc Việt Nam", An chia sẻ.
Đêm giao thừa năm nay, An cùng em gái đã cùng nhau bật tiếng pháo hoa để chúc mừng nhau. Trước đó, An cùng gia đình đi chợ Việt, mua đầy đủ nguyên liệu để mùng 1 Tết cùng em gái tự gói bánh chưng, làm chả nem, phở cuốn… thông qua sự hỗ trợ trên một ứng dụng.
"Mình đặc biệt thích hoạt động gói bánh chưng. Cả nhà quây quần bên nhau, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà ông bà mình đã nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồ. Quả thật khoảnh khắc này rất ấm cúng và hạnh phúc. Những chiếc bánh chưng sau khi được nấu chín tỏa ra mùi thơm rất đặc biệt. Mình rất bất ngờ vì chỉ từ những nguyên liệu đơn giản như gạo, đậu xanh, thịt lợn lại tạo nên một món ăn truyền thống hết sức hấp dẫn như vậy. Khoảnh khắc chờ bánh chín bên bếp lửa hồng thật ấm cúng và hạnh phúc", An nhớ lại.
Khát khao khám phá cội nguồn
Lần đầu đón Tết tại Việt Nam, An háo hức tham gia vào các hoạt động truyền thống. Cô cùng ông bà đi chùa hái lộc đầu năm, cúng ông công ông táo, thả cá chép về trời, đi lễ hội chùa Hương...
“Rạng sáng mùng 1 Tết, sau thời khắc giao thừa, mình được đi chùa, hái lộc đầu năm cùng ông bà ngoại, đây là lần đầu mình được đi chùa ngay sau giao thừa, mọi năm ngày 30 Tết tại Trung Quốc gia đình mình chỉ ngồi quây quần ăn cơm cùng nhau thôi. Ngoài ra mình còn được tham gia cúng ông Công ông Táo, thả cá chép về trời. Đặc biệt, mình còn được trải nghiệm đi lễ chùa Hương cùng bà ngoại và các bác. Đây còn là dịp để mình được ngắm nhìn, thưởng thức phong cảnh thần tiên của Hương Sơn Việt Nam. Đi qua cầu Vân Đình, trải ra trước tầm mắt mình là dải đê sông Đáy đẹp như tranh vẽ, phong cảnh Việt Nam thật sự rất đẹp và hùng vĩ. Đi lễ hội chùa Hương cũng là cơ hội để mình có thể được tìm hiểu và hiểu biết nhiều hơn văn hóa cũng như các nghi thức tâm linh tại Việt Nam”.
Tuy là lần đầu tiên được đón một cái Tết đúng nghĩa tại Việt Nam, nhưng cô gái trẻ không tỏ ra bỡ ngỡ, thậm chí vô cùng hòa nhập với văn hóa Tết nơi đây. Chúc An bày tỏ bản thân không gặp quá nhiều khó khăn khi hòa nhập với văn hóa Tết ở Việt Nam bởi sự tương đồng và giao thoa trong văn hóa giữa hai đất nước. “Một số nghi thức như cúng tiễn ông Công ông Táo hay gói bánh chưng là lần đầu mình được trải nghiệm nhưng cũng không có gì quá khó khăn bởi mình đều được ông bà hướng dẫn và chỉ bảo rất tận tình”.
Trong những ngày Tết, Chúc An cùng em gái đi cảm nhận phố phường Hà Nội, dạo Bờ Hồ, trải nghiệm phố đêm. Ngoài ra, hai chị em đã chuẩn bị rất nhiều đồ ăn vặt để cùng liên hoan trong đợt nghỉ lễ.
Chuyến hành trình trải nghiệm phong vị Tết Việt còn là cơ hội quý báu để cô nàng 22 tuổi được kết nối với nguồn cội, quê hương cũng như mở rộng vốn hiểu biết về tiếng mẹ đẻ:
“Lần trở về quê mẹ lần này thật sự có ý nghĩa lớn đối với mình. Mình có cơ hội được gặp gỡ và giao lưu với những người thân, họ hàng, trau dồi thêm vốn tiếng Việt. Bên cạnh đó, mình có cơ hội trải nghiệm rất nhiều phong tục truyền thống tại Việt Nam mà trước đây chưa từng biết. Đối với bản thân mình, dịp quay trở về quê hương lần này là một cơ hội để học hỏi thêm về văn hóa Việt Nam và tạo ra những kỷ niệm đẹp bên cạnh người thân”.
An mong muốn trong tương lai sẽ có cơ hội tiếp tục đón Tết tại Việt Nam. Cô nàng cũng sẵn sàng trở thành “đại sứ du lịch” cho những bạn trẻ Trung Quốc muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa cổ truyền ngày Tết.
"Tết Việt Nam là một nét đẹp văn hóa độc đáo cần được gìn giữ và phát huy. Mỗi người con Việt Nam, dù ở đâu trên thế giới, cũng nên trân trọng và giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ấy", An khẳng định.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, An mong muốn là có thể tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và tìm được một công việc phù hợp với bản thân. Ngoài ra, cô gái trẻ cũng mong rằng trong năm 2024 có thể trở lại thăm Việt Nam nhiều lần nữa.