Nữ sinh Thái Bình say mê Nghiên cứu Khoa học, hết mình với các hoạt động xã hội
Nguyễn Thị Thảo Linh (sinh năm 2001) từng là lớp trưởng lớp hành chính và các lớp học phần suốt 4 năm liền. Cô nàng đồng sáng lập và chủ nhiệm câu lạc bộ Tâm lý và cuộc sống Mind & Life Khóa II. Trong 4 năm đại học, nữ sinh quê Thái Bình liên tiếp đạt 2 giải Nhất trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp cơ sở, tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa và đạt nhiều học thành tích học tập xuất sắc.
Chiến thần săn học bổng
Lựa chọn trường Đại học Giáo dục là nơi nuôi dưỡng ước mơ, trở thành một chuyên viên Tham vấn Học đường, ngay từ năm nhất Thảo Linh không ngừng phấn đấu học tập, giành nhiều học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên xuất sắc ở các kỳ học.
Trong suốt 4 năm học đại học, Thảo Linh đã lập thành tích cá nhân với hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, tiêu biểu trong số đó có thể kể tới danh hiệu Học bổng khuyến khích học tập (4/8 học kì); Học bổng Kumho Asiana; Học bổng BIDV và 1 số học bổng ngoài ngân sách khác; Đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2021; Đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2022… Hiện tại, cô nàng cũng muốn phát triển các dự án mà mình đang làm để các bạn sinh viên cùng ngành mình có cơ hội được “cọ xát” sớm hơn và yêu nghề như mình.
Nữ sinh Thái Bình không chỉ được bạn bè đặt cho biệt danh “chiến thần săn học bổng” mà còn được biết đến bởi niềm đam mê đặc biệt với lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Năm 2021, sau quãng thời gian miệt mài rèn luyện và học tập, “trái ngọt” đã đến với cô gái trẻ khi giành được Giải nhất Hội thảo Khoa học sinh viên mở rộng năm với đề tài: “Xây dựng video hướng dẫn phụ huynh có con mắc rối loạn phổ tự kỷ lứa tuổi Tiểu học tham gia học hòa nhập”. Nhớ lại khoảnh khắc cái tên Nguyễn Thị Thảo Linh và các đồng đội được công bố đạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên cấp cơ sở, cô nàng xúc động: “Đối với mình, nghiên cứu khoa học là niềm đam mê. Mình nghiên cứu một phần vì có thể thỏa mãn trí tò mò và một phần muốn thử sức trong lĩnh vực mình đang theo đuổi. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, mọi nỗ lực của cả nhóm đã được đền đáp”.
Luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau đấy một năm, nữ sinh đã “bỏ túi” thêm cho mình 2 giải thưởng nghiên cứu khoa học, cùng nhiều bài báo đăng trong kỉ yếu hội thảo khoa học thường niên, tiêu biểu là giấy khen, giấy chứng nhận, giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022 cấp Bộ GD &ĐT với đề tài: “Xây dựng video hướng dẫn phụ huynh có con mắc rối loạn phổ tự kỷ lứa tuổi Tiểu học tham gia học hòa nhập”; Giải nhất Hội thảo Khoa học sinh viên mở rộng năm 2022 – 2023 đề tài: “Ứng dụng công nghệ hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập và hướng dẫn phụ huynh”; Tác giả, đồng tác giả các bài báo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tạp chí Giáo dục và xã hội, Hội thảo Quốc gia, Hội thảo Khoa học Quốc tế có phản biện tại Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-TP.HCM, Đại học UCLouvain (Bỉ), Đại học LÌEGE (Bỉ), Viện Nghiên cứu và Giảng dạy Đại học Bỉ ARES…
Nói về những kinh nghiệm thiết thực khi tham gia nghiên cứu, Thảo Linh bộc bạch: “Tham gia nghiên cứu khoa học là một hoạt động có thể nói mang tính bước ngoặt của mình, giúp mình có sự phát triển các kĩ năng và định hướng nghề nghiệp đáng kể. Để phục vụ cho việc nghiên cứu, mình tìm kiếm các cơ hội tiếp cận gần hơn với đề tài nghiên cứu và đăng ký thực tập tình nguyện tại đơn vị để có cơ hội quan sát, làm việc và tìm hiểu sâu hơn về đối tượng nghiên cứu. Vừa học tập, nghiên cứu đi đôi với thực hành đã tạo cơ hội để mình hiểu hơn về năng lực, thế mạnh của bản thân nên khi ra trường mình rất dễ dàng tìm kiếm công việc đúng lĩnh vực và đãi ngộ ưu ái hơn".
Tìm thấy động lực học tập nhờ vào việc nghiên cứu khoa học
Con đường đi đến đỉnh cao tri thức đôi khi không trải thảm hoa hồng. Tâm sự với phóng viên về khó khăn từ những ngày đầu “làm quen” với dự án, Thảo Linh trăn trở: “Có lẽ khoảng thời gian gian truân nhất ở giai đoạn đầu khi chúng mình mới năm 2, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn. Nhóm chúng mình tìm, đọc rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước, tham khảo ý kiến thầy cô để bước đầu thiết lập nền tảng nghiên cứu. Phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí cả tiền bạc vào nghiên cứu”.
“Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, tận tâm của các giảng viên và trường Đại học Giáo dục cũng có chính sách đầu tư kinh phí cho sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học nên khiến mình càng say mê nghiên cứu. Mình rất may mắn khi liên hệ được với các trường học, trung tâm tại nhiều địa phương và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ ban giám hiệu, giám đốc trung tâm để nhóm chúng mình thực hiện khảo sát lấy số liệu chính xác, nhanh và hiệu quả” - nữ sinh hồi tưởng lại chuỗi ngày “đáng nhớ” ấy.
Trong quá trình thực hiện, mỗi giai đoạn đều có những thuận lợi và khó khăn khác nhau. Cô nàng vẫn nhớ như in những kỷ niệm cùng các đồng đội đi trong những đêm mưa rét để thu thập dữ liệu ở những địa phương khác khi vừa được nới lỏng giãn cách xã hội đợt COVID - 19.
Thảo Linh luôn tin rằng thử thách, khó khăn luôn mang đến cơ hội. Bạn phải biết tận dụng và biến những kinh nghiệm đã học được thành “chất xúc tác” để “phát triển” qua từng ngày. Mỗi ngày, mỗi phần, mỗi chương, chỉ cần bản thân cố gắng trau dồi, học hỏi rồi tự nhiên sau này chợt nhìn lại, chủ đề của mình đã được “cải tiến” và hoàn thiện lúc nào không hay.
Sống hết mình, kiên trì với đam mê
Không chỉ dừng lại ở các thành tựu nghiên cứu, nữ sinh viên quê Thái Bình còn được biết đến là người năng nổ tham gia nhiều hoạt động xã hội và đảm nhận nhiều chức vụ như Chủ nhiệm câu lạc bộ Tâm lý và cuộc sống Mind & Life Khóa; Thành lập và quản lý dự án hỗ trợ trẻ tự kỷ lớn “Big brothers, big sisters” tại một số trung tâm giáo dục hòa nhập trên địa bàn Hà Nội; Trưởng ban tổ chức Workshop “What, I have autism?” nâng cao nhận thức về Rối loạn phổ tự kỷ cho sinh viên và cộng đồng cùng nhiều chương trình tình nguyện giúp đỡ cộng đồng, xã hội.
Việc tham gia các hoạt động xã hội khiến nữ sinh trở nên vui vẻ và muốn đóng góp nhiều hơn khi nhìn thấy những giá trị mà bản thân và đội mang lại cho cộng đồng. Vì chính điều đó Thảo Linh và các bạn đã cùng nhau thành lập câu lạc bộ Mind & Life (CLB Tâm lý và Cuộc sống thuộc trường Đại học Giáo dục).
“Chúng mình có sức khỏe, có tuổi trẻ, có chuyên môn và được sự hỗ trợ, ủng hộ của thầy cô nên chúng mình đã có nhiều những hoạt động nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho sinh viên, tổ chức các dự án hỗ trợ trẻ rối loạn phát triển và tổ chức workshop chia sẻ các kiến thức tâm lý khoa học.
Mới đây, chúng mình đã tổ chức thành công dự án “big brothers, big sisters” nhằm hỗ trợ các bạn có rối loạn phổ tự kỷ lớn tại các trung tâm trên địa bàn Hà Nội và tổ chức workshop nâng cao nhận thức về “Rối loạn phổ tự kỉ” cho cộng đồng. Dự án của chúng mình may mắn nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh và được các trung tâm đón nhận nồng nhiệt. Chúng mình hy vọng rằng dự án sẽ được thực hiện hàng năm” - cô nàng thổ lộ.
Một trong những bí quyết mà cô nàng luôn áp dụng để quản lý quỹ thời gian, cũng như sắp xếp công việc để đạt được loạt thành tích kể trên, Thảo Linh chia sẻ: “Vì được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học từ sớm nên mình nghiêm túc trong học tập, tập trung vào bài học và ghi chép những nội dung cần thiết trên lớp. Khi ôn thi cuối kỳ, mình khá bình tĩnh nghiên cứu tài liệu để phân tích nhanh các vấn đề đa chiều”.
Với châm ngôn “Chúng ta có thể thay đổi cuộc sống bằng cách thay đổi thái độ tinh thần của mình”, cô nàng muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng, sức khỏe tinh thần của chúng ta rất quan trọng. Hãy chăm sóc bản thân, lắng nghe chính mình và luôn giữ cho tâm hồn luôn trẻ trung, năng động và tràn đầy đam mê. “Tuổi trẻ của tôi và của các bạn sẽ làm nên mùa xuân cho đất nước”.
Thành tích nổi bật của Thảo Linh:
- Đạt học bổng khuyến khích học tập học kì I Năm học 2019 – 2020, học kì II Năm học 2020 – 2021, học kì I Năm học 2021 – 2022, học kì I Năm học 2022 – 2023; Học bổng Kumho Asiana; Học bổng BIDV và một số học bổng ngoài ngân sách khác;
- Đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2021; 2022;
- Top 10 Top 10 cuộc thi Techfest 2022 với dự án khởi nghiệp Mental Sprout với dự án khởi nghiệp Mental Sprout (Vòng bán kết);
- Giải nhất Hội thảo Khoa học sinh viên mở rộng năm 2021 – 2022 đề tài: “Xây dựng video hướng dẫn phụ huynh có con mắc rối loạn phổ tự kỷ lứa tuổi Tiểu học tham gia học hòa nhập”;
- Giấy khen, giấy chứng nhận, giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022 cấp Bộ GD &ĐT với đề tài: “Xây dựng video hướng dẫn phụ huynh có con mắc rối loạn phổ tự kỷ lứa tuổi Tiểu học tham gia học hòa nhập”;
- Giải nhất Hội thảo Khoa học sinh viên mở rộng năm 2022 – 2023 đề tài: “Ứng dụng công nghệ hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập và hướng dẫn phụ huynh”;
- Bài báo đăng trong kỉ yếu hội thảo khoa học thường niên năm học 2020-2021 với đề tài: “Lạm dụng bằng lời nói trong gia đình và các vấn đề cảm xúc ở nạn nhân: tổng quan nghiên cứu”;
- Bài báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học thường niên 2021 – 2022: “Thực trạng khó khăn và nhu cầu tham vấn tâm lý cho học sinh THPT sau khi quay lại trường trong bối cảnh đại dịch COVID – 19”;
- Tác giả, đồng tác giả các bài báo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tạp chí Giáo dục và xã hội, Hội thảo Quốc gia, Hội thảo Khoa học Quốc tế có phản biện tại Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-TP.HCM, Đại học UCLouvain (Bỉ), Đại học LÌEGE (Bỉ), Viện Nghiên cứu và Giảng dạy Đại học Bỉ ARES;
- Bài báo Xây dựng video hướng dẫn phụ huynh có con mắc rối loạn phổ tự kỉ lứa tuổi Tiểu học tham gia học hòa nhập, Tháng 6/2022 Số đặc biệt, Tạp chí Giáo dục và xã hội;
- Parents’ difficulties and needs in accessing guiding materials for supporting their children with ASD attending inclusive schools - Đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2022;...