Nữ start-up bảo tồn và phát triển giống chè búp tím Thanh Ba
Với dự án bảo tồn và phát triển giống chè búp tím Thanh Ba, một giống chè bản địa quý hiếm của vùng đất Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, chị Lê Thị Hồng Phương mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm chè không chỉ ngon, lạ mà còn canh tác theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Với một số người tiêu dùng, chè búp tím còn là sản phẩm khá mới mẻ. Chị có thể chia sẻ thêm một số thông tin về sản phẩm này?
Chè Trung du búp tím là giống chè quý hiếm có chất lượng, hương thơm, vị đượm đặc trưng, giàu chất antoxian, tác dụng chống ô-xy hóa, nhiều dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe được trồng ở huyện Thanh Ba.
Trước đây, việc canh tác chè tại địa phương vẫn theo phương thức thủ công, dẫn đến năng suất không cao bằng các giống chè mới khác. Bên cạnh đó, quy mô nhỏ nên sản phẩm chưa có tính hàng hóa cao. Nhiều diện tích chè búp tím bị chặt bỏ thay thế bằng giống chè lai hay các loại cây trồng khác có năng suất cao hơn. Giống chè búp tím từng làm nên đặc sản quý hiếm của vùng chè Phú Thọ đang dần bị mai một và có nguy cơ mất hẳn.
Nhận thấy cần giữ gìn, bảo tồn và phát triển giống chè Trung du búp tím đặc sản và quý hiếm của quê hương, chúng tôi đã lên ý tưởng sản xuất, chế biến chè búp tím Thanh Ba.
- Trên hành trình bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của quê hương, chị đã có những thay đổi gì để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại, nâng tầm cho chè búp tím?
Để nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tím, chúng tôi đã thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo không chỉ ngon, có tính y học đặc biệt mà còn an toàn, lưu giữ và phát huy hết công dụng của sản phẩm. Hiện nay, 100% diện tích chè được chăm sóc, thu hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thu hái đúng tiêu chuẩn một tôm 2 lá non. Cùng với đó, việc thu hoạch phục vụ chế biến được theo dõi từng ngày, từng lô riêng biệt đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không bị lỗi.
Để mở rộng sản xuất, từ nay đến năm 2024, công ty trồng mới 2 ha chè búp tím tại đồi; vận động, tuyên truyền, hỗ trợ các hộ dân xung quanh trồng mới 3ha diện tích đồi chè; đồng thời đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ chế biến mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ những nỗ lực trong đổi mới canh tác, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba của công ty tôi đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Sự thành công của dự án đang mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp vào nền kinh tế địa phương, phát huy tài nguyên bản địa, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trên địa bàn khi tham gia vào chuỗi cung ứng của dự án.
Dự án khởi nghiệp của chị Hồng Phương tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 25 phụ nữ tại địa phương, giúp nâng cao vị thế cho chị em
- Là một trong những dự án giành giải nhì tại Vòng chung kết Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Bắc năm 2023 và tiếp tục góp mặt tại vòng chung kết cấp toàn quốc, xin chị chia sẻ một vài bí quyết với các chị em phụ nữ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp?
Trên hành trình khởi nghiệp của mình, bên cạnh những thuận lợi như: có kiến thức về thị trường, khách hàng; có nguồn nguyên liệu bản địa có sẵn và được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện và động viên của các cấp chính quyền địa phương; tôi cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể có thể kể đến như: Bà con nông dân còn thiếu niềm tin của bà con nông dân vào tương lai của giống chè mới, nên tôi phải dành nhiều thời gian để vận động, tuyên truyền để chuyển đổi đất hoang, đất trồng keo sang trồng chè và chuyển đổi nhận thức và tập quán canh tác từ vô cơ chuyển sang hữu cơ và những khó khăn về nhân lực.
Tuy nhiên, để khởi nghiệp, theo tôi, điều cần trên hết là đam mê, khát vọng và niềm tin vào những nỗ lực của mình. Bên cạnh đó, phải luôn đổi mới sáng tạo, tạo ra sự đột phá khác biệt để dẫn đầu xu thế.
Sản phẩm đang tạo được chỗ đứng trên thị trường
Quá trình khởi nghiệp của tôi cũng nhận được nhiều hỗ trợ của Hội LHPN các cấp. Đặc biệt, khi tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023, chúng tôi được tập huấn được đào tạo nhiều kỹ năng, kiến thức hữu ích cho mô hình khởi nghiệp, giúp áp dụng thực tế một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiểu rõ hơn những gì mình làm, giúp định hướng phát triển vững vàng và nhiều bước đi triển vọng hơn.
Hơn nữa, kiến thức kỹ năng có được từ quá trình tập huấn, thi thuyết trình, phản biện, giúp chủ dự án tự tin hơn, hoàn thiện kỹ năng chủ thể, đồng thời thấu hiểu hơn những gì mình làm, giúp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của mô hình kinh doanh.
- Chị có mong muốn, đề xuất gì để chặng đường khởi nghiệp của mình được rộng mở hơn?
Tôi mong muốn được các cấp Hội đồng hành cùng chương trình để quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng tầm thương hiệu/giá trị của sản phẩm chè búp tím mình đang gây dựng. Tôi cũng muốn được hỗ trợ tư vấn nhận diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; được hỗ trợ cách thiết lập hệ thống bộ máy vận hành chuyên nghiệp, hiệu quả, bài bản để sản phẩm có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
- Xin cảm ơn và chúc chị thành công!
Liên hệ: Chị Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển trà UT.
Địa chỉ: Khu 1, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ
ĐT: 0989.138822.