Bật mí về nữ Thiếu tá công an yêu hội họa

Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương hiện là chuyên viên chính Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an. Trải qua nhiều biến cố, cô đến với hội họa tự chữa lành, tái sinh chính mình.

Cầm cọ để tự chữa lành

4 tuổi, cô bé Hải Dương lần đầu được tiếp xúc với tranh Đông Hồ khi theo mẹ đi chợ Tết. Chợ phiên đông vui nhưng Hải Dương lại dán mắt vào những thứ mang tính truyền thống: “Tôi dừng chân ở hàng bán tranh Đông Hồ rất lâu, nhìn ngắm chúng và tưởng tượng một không gian như cổ tích, là những đêm sáng trăng, bà ngoại trải chiếu ngoài hiên, tay phe phẩy quạt rồi kể chuyện hóm hỉnh”.

Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương.

Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương.

Từ những yêu thích đó, Hải Dương bắt đầu cầm cọ, vẽ những gì mình thích và tưởng tượng. Thấy đam mê của con gái, mẹ cho cô đi học vẽ. Lúc này, chân trời sắc màu mở ra, cô biết thể hiện đường nét mềm mại và kết hợp các gam màu với nhau.

Nhưng việc vẽ vời với người lớn chỉ là niềm vui, không phải nghề mưu sinh. Vì thế, Hải Dương phải chọn trường để khi ra nghề dễ xin việc. Học xong, cô được tuyển vào ngành công an đúng với chuyên ngành được đào tạo.

Công việc hàng ngày của Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương là dẫn đoàn tham gia các trại sáng tác do Bộ Công an tổ chức. Vì thế, cô được tiếp xúc với tất cả lĩnh vực nghệ thuật, từ văn học, sân khấu, hội họa…

Đam mê nghệ thuật một lần nữa lại được nhen nhóm, cộng thêm những biến cố về sức khỏe để rồi năm 2022 Hải Dương cầm cọ trở lại. Chất liệu đầu tiên cô chọn là giấy Dó để họa nên những suy nghĩ bên trong. Chọn lối vẽ trừu tượng, Hải Dương rất mông lung, không biết bắt đầu như thế nào và kết thúc ra sao, chỉ có cảm xúc dẫn lối và “nghĩ gì vẽ đó”.

Khi cầm cọ, Thiếu tá Hải Dương nói không còn là chính mình. Dù cuộc sống có bộn bề lo toan nhưng cô lại thể hiện trên toan toàn những năng lượng tích cực.

Tháng 10/2024, triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp cầm cọ của Thiếu tá Hải Dương ra mắt công chúng mang tên Song Dương được nhà nghiên cứu mỹ thuật Huy Nguyễn nhận xét, sự thăng hoa của xúc cảm trong tranh của cô là những khắc khoải tự sự và cảm xúc bất chợt những hồn nhiên tươi trẻ.

Nội lực của Thiếu tá công an tạo ra sức sáng tạo

Sau triển lãm Song Dương với hơn 30 tác phẩm sáng tác trong vòng 10 tháng, họa sĩ Hải Dương lại tiếp tục cầm cọ. Sau giấy Dó, cô chọn acrylic làm chất liệu tiếp theo cho các sáng tác. Màu xanh vẫn là chủ đạo trong các sáng tác của họa sĩ.

Họa sĩ Hải Dương luôn chọn màu xanh làm chủ đạo cho các sáng tác.

Họa sĩ Hải Dương luôn chọn màu xanh làm chủ đạo cho các sáng tác.

“Tôi không lý giải được vì sao lại thích màu xanh đến thế. Hoặc có thể lúc nhỏ được mẹ mua cho đôi giày màu xanh lá, ngay giây phút ban đầu nhìn thấy đã mê mẩn. Cũng có thể khi đọc Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne, tưởng tượng màu xanh ngắt của biển cả, tôi ước mơ sẽ được đến vùng đất tuyệt đẹp đó hoặc làm trong ngành công an nên luôn thích màu xanh chăng?”, họa sĩ Hải Dương bày tỏ.

Hải Dương chia sẻ, nếu màu nước trong suốt, thuần khiết, vết loang huyền ảo thì acrylic mềm mại như nhung, để nắm bắt được đặc tính của nó cũng không dễ dàng. Vẽ đến bức thứ 20 cô vẫn không thể quen được chất liệu và bắt đầu hoang mang, có suy nghĩ sẽ từ bỏ.

Hải Dương đấu tranh tư tưởng, ý chí và bản lĩnh của Thiếu tá công an trỗi dậy. Khi đôi bàn tay, màu và canvas hòa vào nhau, nó dường như đưa cô đến tận cùng của cảm xúc, bất giác dẫn lối đến những câu chuyện của quá khứ để những nét cọ được tung tẩy trên toan và loạt tác phẩm ra đời.

Tác phẩm "Kỷ nguyên vươn mình".

Tác phẩm "Kỷ nguyên vươn mình".

Để chào đón năm mới Ất Tỵ, loạt tranh mới sáng tác của họa sĩ Hải Dương có bức Kỷ nguyên vươn mình - tác phẩm đặc biệt về con rắn, cũng là bức họa duy nhất cô đặt tên.

Họa sĩ ít khi vẽ rắn, vì người Việt Nam quan niệm nó là con vật không gần gũi, đôi khi “có độc”, giới chơi tranh hiếm khi treo trong nhà.

Nhưng họa sĩ Hải Dương tìm hiểu kỹ về con vật này, nó mang ý nghĩa phong thủy được coi là linh vật biểu trưng cho sự tái sinh, may mắn và giàu có.

Với Hải Dương, mỗi bức tranh không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là những hành trình cảm xúc mà người xem phải tự mình trải qua. Bởi thế mỗi tác phẩm ra đời là một cuộc đối thoại mà ở đó, người xem buộc phải tìm ra cho mình góc nhìn, cảm quan riêng biệt.

Ngắm loạt tranh của Hải Dương:

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-thieu-ta-cong-an-bui-thi-hai-duong-den-voi-hoi-hoa-sau-bien-co-suc-khoe-2366215.html