Nữ tiến sĩ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer

Tiến sĩ Ngô Sô Phe, Hiệu trưởng trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (trực thuộc trường Đại học Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh cũ, nay là tỉnh Vĩnh Long), đã dành trọn tâm huyết của mình cho công việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

 Tiến sĩ Ngô Sô Phe, Hiệu trưởng trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn

Tiến sĩ Ngô Sô Phe, Hiệu trưởng trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn

Bà Ngô Sô Phe (44 tuổi, người Khmer) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại tỉnh Trà Vinh (cũ), nay là tỉnh Vĩnh Long. Từ nhỏ, bà đã được cha khích lệ tinh thần học tập, xem trọng tri thức.

Được đào tạo tiến sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước, tiến sĩ Ngô Sô Phe lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu phát triển tri thức cộng đồng dân tộc thiểu số.

Luận án tiến sĩ của bà tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ người dân tộc Khmer. Công trình nghiên cứu khoa học của bà đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng, đặc biệt là đồng bào Khmer.

Năm 2023, bà Ngô Sô Phe được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn, trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Nữ tiến sĩ chia sẻ, khi đảm nhận vị trí hiệu trưởng, bản thân bà đã gầy dựng, thúc đẩy các hoạt động của trường.

Trong đó, trường tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật ở trong và ngoài nước để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó, trường cũng duy trì việc tổ chức các sự kiện, Tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer để các em sinh viên và thế hệ trẻ có dịp ôn lại, hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, cùng chung tay bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống…

Hiện nay, trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn đào tạo trên 2.500 học viên từ bậc cao đẳng đến tiến sĩ. Ngoài đào tạo chính quy, trường còn tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống trong cả nước…

Tiến sĩ Ngô Sô Phe

Tiến sĩ Ngô Sô Phe

Đối với những giá trị văn hóa quý báu mà cha ông để lại, bà Ngô Sô Phe luôn tự nhủ phải nỗ lực gìn giữ, không để những giá trị đó bị mai một, đồng thời tìm cách phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Cụ thể, gần đây, đề xuất của bà và nhóm nghiên cứu của trường nhằm thực hiện dự án về thu thập và số hóa ngữ liệu trên sách lá buông - một loại ngữ liệu cổ có niên đại hàng trăm năm, đã được Tổng Lãnh sự quán Canada tài trợ.

Việc làm này không chỉ góp phần bảo tồn di sản ngôn ngữ - văn hóa của cộng đồng Khmer, mà còn tạo nguồn tư liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trong các lĩnh vực như ngôn ngữ học, văn hóa học, ngữ văn.

"Tôi vẫn thường nói với các thành viên trong nhóm rằng, việc này tôi làm không phải chỉ vì công việc mà còn là trách nhiệm của thế hệ con cháu trong việc gìn giữ, tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha đã để lại.

Tôi mong muốn phụ nữ Khmer cũng như thế hệ trẻ sẽ luôn sống tích cực, có khát vọng vươn lên, luôn học tập và làm việc hết mình để phát triển bản thân. Sự kiên trì, không bỏ cuộc sẽ có được thành quả xứng đáng và mang đến thành công", Tiến sĩ Ngô Sô Phe chia sẻ.

Đình Hưng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-tien-si-gop-phan-bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-khmer-20250723181655132.htm