Nữ tình nguyện viên chăm sóc chó, mèo cho bệnh nhân F0

Trong suốt quá trình làm tình nguyện, chị Nguyễn Thị Xuân Thuyên đã xung phong chăm sóc cho chó, mèo của các bệnh nhân F0.

Đầu tháng 7, chị Nguyễn Thị Xuân Thuyên (cựu sinh viên Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. HCM, ngụ quận 8) không may trở thành F1 và được đưa đi cách ly 21 ngày. Trong suốt quá trình cách ly, chị Thuyên tận mắt nhìn thấy được sự tận tình của các y bác sĩ, tình nguyện viên nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Xuân Thuyên đã xung phong chăm sóc cho chó, mèo của các bệnh nhân F0.

Bài liên quan

Tri ân 102 tình nguyện viên tôn giáo tham gia hoạt động cứu chữa bệnh nhân COVID-19

Y bác sĩ tình nguyện chuẩn bị Trung thu cho các em nhỏ mắc COVID-19

Gia đình “cựu F0” đăng ký làm tình nguyện, hỗ trợ 30.000 ly giấy cho các phường, quận và bệnh viện dã chiến

Cô gái 9X bị “kẹt” lại TP. HCM rồi trở thành tình nguyện viên: “Tôi học được cách trân trọng cuộc sống hơn”

Ngay sau khi hoàn thành cách ly, nhận được lời mời làm tình nguyện viện tại Trung tâm Văn hóa quận 8 (TP. HCM), chị Thuyên ngay lập tức đồng ý.

Trải qua 1 tuần làm việc, chị Thuyên được chuyển công tác sang khu cách ly tại trường tiểu học Hoàng Minh Đạo (quận 8). Tại đây, chị phụ trách những công việc như chăm sóc, tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân F0, tiến hành lấy mẫu cộng đồng và lo các thủ tục, giấy tờ khác.

Cứ đúng 6h mỗi ngày, cô gái 9X dậy sớm để chuẩn bị phần ăn cho các bệnh nhân. Sau đó, Thuyên sẽ phát cơm, hỏi thăm, động viên các bệnh nhân và dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh xung quanh. Sau khi nghỉ trưa, Thuyên sẽ tiếp tục phát cơm cho các bệnh nhân rồi cùng đồng đội tiến hành lấy mẫu cộng đồng.

Ngoài các công việc ở khu cách ly, cô gái 9X còn tham gia các hoạt động khác như tổ chức lễ trung thu cho các bệnh nhân đang cách ly tại đây.

Công việc của một tình nguyện viên như chị Thuyên sẽ kết thúc vào khoảng 18h. Tuy nhiên, nếu buổi tối có bệnh nhân F0 đến đột xuất, cô gái 9X phải làm việc đến tận khuya mới có thể nghỉ ngơi. Hay tin chú chó tại khu cách ly không có ai nuôi, do trường tiểu học được tận dụng làm khu cách ly, cả giáo viên và bảo vệ đều không thể đến trường, chị Thuyên đã nhận lời chăm sóc chúng.

Thời gian đầu chăm sóc, nữ tình nguyện khá lo ngại vì sợ Bi và Bia (tên hai chú chó) sẽ nhiễm Covid-19 từ các bệnh nhân F0.

Không riêng chị Thuyên mà các y bác sĩ, tình nguyện viên khác cũng rất yêu thương và xem những con chó, mèo ở đây như người bạn.

“Lúc đầu tôi cũng lo nên mỗi khi cho ăn, uống tối đều dùng tay bịt mũi, miệng của chúng lại rồi xịt khử khuẩn. Mỗi tuần tôi tắm cho hai bé chó 2-3 lần, thức ăn thì ở khu cách ly có gì tôi cho 2 bé ăn nấy, đôi khi tôi sẽ dành phần ăn của mình cho các bé luôn. Hai bé biết tôi cho ăn nên quấn người và ngoan lắm, vậy nên tôi cũng đỡ lo và cảm thấy yêu thương 2 bé nhiều hơn, xem chúng như người bạn của mình”, chị Thuyên chia sẻ.

Khoảng 1 tháng sau, bệnh viện tiếp nhận thêm 2 bệnh nhân F0 là đôi vợ chồng hơn 80 tuổi. Theo lời kể của chị Thuyên, đôi vợ chồng này dù lớn tuổi nhưng không có người thân hay con cái, chỉ có 2 con chó và 1 con mèo bầu bạn trong những ngày còn lại của cuộc đời. Nay không may nhiễm bệnh, hai ông bà được chuyển đến khu cách ly, chó và mèo của ông bà cũng được đưa vào theo.

Nhận được sự yêu thương, những con chó, mèo tại đây rất ngoan và dễ chăm.

“Thấy ông bà xem chó, mèo là bạn tri kỷ, tôi rất xúc động. Mặc dù đang chăm 2 con chó khác, tôi vẫn nhận lời chăm sóc thêm những con chó, mèo của ông bà. Hay tin được khu cách ly chăm sóc tận tình, ông bà vui lắm, điều đó cũng làm tôi vui theo. Những con thú cưng của bệnh nhân rất ngoan nên việc chăm sóc cũng không quá khó khăn. Tôi cũng coi như mình có thêm những người bạn, cách bạn tình nguyện viên khác cũng rất yêu thương chúng và thường xuyên cùng tôi chăm sóc”, chị Thuyên kể.

Công việc tình nguyện có phần vất vả bởi cô gái 9X chỉ mới ra trường khoảng 1 năm, chưa có cơ hội được trải nghiệm những công việc tương tự.

Từ những trải nghiệm mới mẻ này, nữ tình nguyện có thêm nhiều bài học và kỷ niệm.

“Số lượng công việc đôi lúc tôi cảm thấy khá vất vả, tuy nhiên tôi vẫn chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ bỏ cuộc. Hơn ba tháng làm tình nguyện viên, tôi từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện, yêu thương có, mất mát có. Lúc trước có một cô là bệnh nhân F0 được vào phòng cấp cứu, nhưng không may cô bị đột quỵ rồi bất ngờ qua đời ngay tại khu cách ly. Khi chồng của cô ấy hay tin và đến bệnh viện, chúng tôi chỉ có thể khiêng xác của cô ra sân, để chỗ thoáng mát để chồng của cô ấy đứng ngoài cổng có thể nhìn mặt cô lần cuối. Khoảnh khắc đó tôi đau lòng lắm, nhưng phải kiềm nén. Lúc đó tôi biết tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để các bệnh nhân mau khỏe, trở về nhà với người thân”, cô gái 9X nói.

Ngoài những giờ làm việc mệt mỏi, chị Thuyên thường đánh guitar cho các y bác sĩ, tình nguyện viên và cả các bệnh nhân nghe để giải tỏa căng thẳng.

Là một tình nguyện viên như bao tình nguyện viên khác, chị Thuyên không chỉ học được những kỹ năng chăm sóc người bệnh, mà còn học được cách kiên nhẫn, bình tĩnh và yêu thương cuộc sống. Hiện tại, chị Thuyên đã được chuyển công tác sang khu cách ly tại trường THPT Lương Văn Can. Nữ tình nguyện viên cho biết, dù TP. HCM đã trở lại cuộc sống bình thường mới, song, cô vẫn tiếp tục làm tình nguyện cho đến hết tháng 12, rồi mới quay trở lại công việc chính.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nu-tinh-nguyen-vien-cham-soc-cho-meo-cho-benh-nhan-f0-post161781.html