Nữ vận động viên Việt Nam và khát vọng ở đấu trường Olympic Paris 2024

Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ có 16 vận động viên (trong đó 12 nữ) tham dự Olympic Paris 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 26/7 tại Pháp. Trước thềm sự kiện thể thao lớn bậc nhất hành tinh này, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), đã có những chia sẻ về công tác chuẩn bị của Đoàn cũng như của các nữ VĐV cho Thế vận hội lần này.

 Bà Lê Thị Hoàng Yến (giữa), Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) - cùng các nữ vận động viên

Bà Lê Thị Hoàng Yến (giữa), Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) - cùng các nữ vận động viên

PV: Xin bà cho biết, công tác chuẩn bị đến thời điểm này của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024?

Bà Lê Thị Hoàng Yến: Đến thời điểm hiện tại, các vận động viên (VĐV) Việt Nam đã sẵn sàng để đến với ngày hội thể thao lớn của thế giới. So với những lần trước, thành phần các VĐV Việt Nam tham dự Olympic lần này có sự khác biệt.

Đó là việc số nữ VĐV nhiều hơn so với nam. Tính đến nay, chúng ta có tổng cộng 16 VĐV tham dự Olympic Paris 2024, trong đó 12 người là nữ. Mỗi suất tham dự Olympic Paris 2024 đều đáng trân trọng và tự hào.

Thời gian qua, các VĐV đã được tạo điều kiện tốt nhất để tập luyện và hiện tại đã sẵn sàng. Công tác hỗ trợ các huấn luyện viên, chuyên gia theo kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội lần này đều tốt. Những công việc chuẩn bị đang gấp rút được hoàn thành.

Môn boxing sẽ lên đường đầu tiên, 2 VĐV của môn thi đấu này là Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh đã sang Hungary tập huấn. Bắn súng sẽ là môn tiếp theo, các VĐV Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền cũng đã sang châu Âu tập luyện, sau đó sẽ di chuyển sang Paris (Pháp).

VĐV ở các môn khác như bơi, xe đạp đều đã có những chuyến tập huấn hoặc thi đấu cọ xát. Giải đua thuyền Đông Nam Á vừa diễn ra tại Thủy Nguyên (Hải Phòng). VĐV Phạm Thị Huệ đang tập luyện chuẩn bị cho Olympic tại đây và đã giành HCV ở giải đấu này. Cầu lông và bắn cung đã có chuyên gia nước ngoài.

Các VĐV Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) và Nguyễn Thùy Linh (cầu lông) đều đang tập luyện tốt. Ngoài chuyên môn, các VĐV đều được tạo điều kiện về nơi ăn ở, chế độ dinh dưỡng tốt nhất có thể trong khả năng của chúng ta.

Vừa qua, với việc giành suất tham dự Olympic Paris 2024, Hà Thị Linh ở môn boxing là VĐV đầu tiên nhận được chế độ đãi ngộ đặc biệt của thành phố Hà Nội, với 17 triệu đồng/tháng trong 4 năm.

Các bộ môn khác đều có những chính sách đãi ngộ đặc biệt cho VĐV tham dự Olympic, chẳng hạn như VĐV bắn súng sẽ được trao thưởng 500 triệu đồng nếu có huy chương.

Vận động viên boxing Hà Thị Linh luyện tập chuẩn bị cho Olympic Paris 2024

Vận động viên boxing Hà Thị Linh luyện tập chuẩn bị cho Olympic Paris 2024

PV: Trong Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024, số lượng nữ VĐV chiếm đa số. Bà đánh giá thế nào về điều này?

Bà Lê Thị Hoàng Yến: Kể từ khi hội nhập thể thao quốc tế, các VĐV cả nam và nữ của chúng ta đều luôn nỗ lực và đã đạt được nhiều thành tích cao. Với thể thao hiện đại, ngoài chiến lược đầu tư, cơ sở vật chất, điều kiện luyện tập, dinh dưỡng, còn là cuộc đua về khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, tố chất và ý chí con người vẫn quyết định lớn đến thành tích. Đây chính là yếu tố khiến thể thao nữ Việt Nam tạo ra dấu ấn. Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã biết đến và khâm phục tinh thần, ý chí vươn lên của các nữ VĐV Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân của thành công đến từ việc chúng ta đã thực hiện tốt bình đẳng giới. Việt Nam đã có những chiến lược, hành động thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ, trong đó có việc khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ luyện tập, thi đấu thể thao, cả phong trào và đỉnh cao.

Trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu là chúng ta sẽ vươn ra đấu trường châu Á, có thêm nhiều suất dự và có huy chương Olympic. Tôi cho rằng, muốn nâng tầm thì chúng ta cần có những chiến lược bài bản, có những chính sách hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là với các nữ VĐV.

Lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024

Lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024

PV: Bà có thể chia sẻ rõ hơn về những điều cần tiếp tục làm để có kết quả tốt hơn nữa cho thể thao Việt Nam?

Bà Lê Thị Hoàng Yến: Các nữ VĐV đã có những đóng góp và cống hiến được ghi nhận nhưng đặc trưng của VĐV thi đấu đỉnh cao là tuổi đời thi đấu rất ngắn. Vấn đề về cuộc sống của các nữ VĐV sau khi giải nghệ đòi hỏi phải có những hành động mang tính dài lâu, cụ thể.

Ở khía cạnh này, tôi thấy Hội LHPN Việt Nam đã có những ý tưởng và hành động thiết thực để giải quyết câu hỏi làm sao để phụ nữ có động lực theo đuổi sự nghiệp thể thao rồi yên tâm với cuộc sống của mình sau này.

Nếu tiếp tục gắn bó với thể thao hay chọn theo đuổi công việc khác, các nữ VĐV cần được trang bị những kĩ năng gì? Với vấn đề này, chị em rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện. Tổng cục Thể dục Thể thao và Hội LHPN Việt Nam đã thống nhất với nhau sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có nhiều hoạt động hướng đến các nữ VĐV trong thời gian tới.

Cận kề ngày các VĐV của chúng ta tham gia thi đấu ở Olympic Paris 2024, tôi xin chúc các VĐV luôn có sức khỏe, tinh thần tốt, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, vì niềm tự hào Việt Nam!

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Quang Thái (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-van-dong-vien-viet-nam-va-khat-vong-o-dau-truong-olympic-paris-2024-20240719145400753.htm