Nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII: An sinh xã hội lấy con người làm trung tâm

Một trong những chính sách theo hướng lấy con người làm trung tâm trong những năm tới là gói tín dụng ưu đãi nhằm phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP (ngày 11/3/2023) của Chính phủ.

Quang cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH TW Đảng khóa XIII.

Quang cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH TW Đảng khóa XIII.

"An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội... Công tác trợ giúp xã hội từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm.” Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá như vậy về lĩnh vực an sinh xã hội trong bài phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (15-17/5/2023).

Chú trọng cải thiện đời sống người có công, đối tượng yếu thế

Đảng ta chủ trương trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XIII tiếp tục sâu sát chỉ đạo để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, lấy con người làm trung tâm.

Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước chú trọng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân; cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Năm 2021, lĩnh vực an sinh xã hội được bảo đảm; các chính sách xã hội đã được thực hiện kịp thời, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 71 đồng để hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, hơn 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Nổi bật nhất là các chương trình hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NĐ-CP.

Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 là hơn 33.564 tỷ đồng nhằm hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng. Riêng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng; hỗ trợ 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động.

Ngày 24/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ đó, khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm được bổ sung để đãi ngộ người có công với cách mạng và thân nhân. Cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng (khoảng 10% dân số), được hưởng chính sách ưu đãi, trong đó gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên cả nước đã cơ bản hoàn thành. Gần 393.707 hộ gia đình có công được hỗ trợ, kinh phí thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội vào cuối năm 2021 ước đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/nua-nhiem-ky-dai-hoi-xiii-an-sinh-xa-hoi-lay-con-nguoi-lam-trung-tam-129040.html