Nửa thế kỷ vượt khó, trưởng thành
Tiếp quản nhà máy, trang thiết bị từ thời miền Bắc được hòa bình, nhưng đến ngày 6-10-1969, Công ty Điện lực, tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), mới được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than.
Đây là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành điện lực miền Bắc nói riêng và Điện lực Việt Nam nói chung.
Gian nan những ngày đầu thành lập
Ngay từ ngày đầu thành lập, Công ty Điện lực được giao nhiệm vụ “Tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất, kế hoạch kinh doanh của công ty do bộ giao, bảo đảm hoàn thành kế hoạch một cách toàn diện, năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, kinh doanh có lãi” và “chỉ đạo trực tiếp và quản lý về mọi mặt các đơn vị sản xuất, phân phối, sửa chữa điện thuộc công ty, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị thành viên hoạt động sản xuất-kinh doanh...”. Nhiệm vụ này được thực hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển của Công ty Điện lực trước đây và EVNNPC ngày nay... Nhưng với Công ty Điện lực non trẻ lúc bấy giờ, những kết quả bước đầu đạt được gần như bị bom đạn của đế quốc Mỹ xóa sổ hoàn toàn. Các nhà máy: Điện Hàm Rồng (Thanh Hóa), Điện Đồng Hới (Quảng Bình), Điện Uông Bí (Quảng Ninh)... đã phải hứng chịu hàng trăm tấn bom, đạn. Ngay như Nhà máy Thủy điện Thác Bà vừa đưa tổ máy cuối cùng vào vận hành được 20 ngày thì máy bay Mỹ bắn phá dữ dội, làm hư hỏng các thiết bị, nhà máy phải ngừng phát điện… đau thương hơn là 123 cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực Miền Bắc đã anh dũng hy sinh trong khi bảo vệ dòng điện.
Nếu sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1965), tổng công suất tại các nhà máy điện miền Bắc đã đạt 161MW (gấp 2,5 lần so với năm 1955), thì sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1964-1968), công suất điện của các nhà máy chỉ còn 68MW, tức là gần như trở lại điểm xuất phát khi mới tiếp nhận (1955). Tuy nhiên, chiến tranh và những tổn thất do chiến tranh gây nên không ngăn cản được sức sống và sự vươn lên của EVNNPC. Sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước cũng như của các cơ quan chủ quản, tinh thần cách mạng và sáng tạo của cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực miền Bắc đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để “điện phải đi trước một bước”, vừa phục vụ chiến đấu, vừa chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau này.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Sau ngày 30-4-1975, Công ty Điện lực miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, vừa san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản các cơ sở vật chất của ngành điện lực miền Nam. Thành tựu nổi bật của giai đoạn này được mở đầu bằng sự kiện đưa 4 tổ máy (440MW) của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, bảo đảm ổn định cho hệ thống, nâng sản lượng điện lên hàng tỷ kWh (năm 1986 đạt sản lượng 2,759 tỷ kWh, tăng 7,06% so với năm 1985; năm 1987 đạt sản lượng 3,064 tỷ kWh; năm 1988 đạt sản lượng 3,870 tỷ kWh…). Tháng 12-1988, tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành an toàn và tháng 12-1994, công trình được hoàn thành với tổng công suất lắp máy 1.920MW, tăng thêm 20% sản lượng điện cho hệ thống điện miền Bắc. Năm 1990, Công ty Điện lực 1 đã xây dựng để đưa điện vào miền Trung, giải quyết một phần tình trạng thiếu điện ở khu vực này. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110kV Thái Nguyên-Cao Bằng, Mộc Châu-Mai Châu, Cẩm Phả-Tiên Yên và TBA 110kV Tuyên Quang, Tiên Yên… để đưa điện đến vùng sâu, vùng xa phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa miền núi.
EVNNPC - đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn
Liên tục trong nhiều năm, EVNNPC luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh và dịch vụ khách hàng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng thương phẩm và doanh thu cao nhất trong EVN với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hằng năm của các công ty điện lực tăng từ 12 đến hơn 14%. Sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 64,27 tỷ kWh với tốc độ tăng trưởng 12,1%, vượt 370 triệu kWh so với kế hoạch giao; sản lượng điện thương phẩm khối công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 65,02%, tăng trưởng 13,43%, tương ứng 4,95 tỷ kWh; sản lượng điện thương phẩm khối quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 28,51%, tăng trưởng 8,19%, tương ứng 1,4 tỷ kWh. Công tác quản lý áp giá bán điện thực hiện theo dõi và quản lý trên hệ thống máy tính bảo đảm việc quản lý giá điện chặt chẽ, khoa học và đúng thành phần.
Thủ tục cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp của ngành điện năm 2014 gồm 5 bước, thời gian giải quyết 36,89 ngày, đến năm 2018, EVNNPC rút ngắn còn 2 bước với thời gian giải quyết dưới 6 ngày, góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng của EVN tăng 129 bậc, từ vị trí 156 lên vị trí 27, và là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất năm 2018 trong các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và xã hội.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, dòng điện ngày nay tiếp tục được hun đúc từ truyền thống anh hùng và liên tục được nuôi dưỡng bởi dòng nhiệt huyết đầy sáng tạo qua các thế hệ. Kiên cường trong chiến tranh, quyết liệt và sáng tạo trong đổi mới, vững vàng trong hội nhập là những phẩm chất làm nên một EVNNPC gánh vác sứ mệnh lịch sử Đảng và nhân dân giao phó, tin cậy.
THIỀU KIM QUỲNH, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nua-the-ky-vuot-kho-truong-thanh-592460