Núi Chín Khúc đã bị băm nát như thế nào?

Có chung Chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa, 2 dự án: Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung được cấp trên khu vực núi Chín Khúc, khu vực được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, đất đồi núi chưa sử dụng.

Với tham vọng biến nơi đây thành Trung tâm tâm linh, thành “biểu tượng” mới của Khánh Hòa, chủ đầu tư đã từng bước biến quy hoạch nơi đây thành đất ở thương mại. Đồng thời, hàng loạt quan chức tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ lại từng bước hoàn thiện cho mục đích của doanh nghiệp, dù trái quy định của pháp luật, để rồi núi Chín Khúc bị băm nát.

Khu vực dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự

Khu vực dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự

“Hô biến” dự án

Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (đổi tên và điều chỉnh từ dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - Khu B) là dự án xuất phát từ việc mở rộng khu kinh tế trang trại vào năm 2009. Theo quyết định 3036/QĐ-UBND năm 2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa, đất giao cho dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự lên tới diện tích 513,5363ha, cụ thể: Đất lâm nghiệp (Trồng rừng sản xuất: 107,3133 ha; Đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi nuôi trồng rừng: 370,9862 ha); Đất nông nghiệp khác (Đất vườn ươm, đường lâm nghiệp, ranh cản lửa, hồ chứa nước: 24,0 ha); Đất khác (nhà công nhân, chòi canh, kho bãi... 6,0 ha); Đất ở (Đất ở tại nông thôn: 0,75 ha); Đất dịch vụ du lịch, sinh thái (Đất thương mại, dịch vụ: 4,4868 ha)... Như vậy đất dịch vụ du lịch, sinh thái 4,48 ha chiếm khoảng 0,9%; Đất ở tại nông thôn 0,75 ha, chiếm khoảng 0,1%, so với diện tích dự án. Khoảng 99% diện tích còn lại của dự án là đất trồng rừng và phục vụ việc trồng rừng.

Tiếp đó, chủ đầu tư đưa ra tờ trình muốn “điều chỉnh” quy hoạch dự án với lý lẽ rằng, chủ đầu tư có ý tưởng tạo một biểu tượng mới của thành phố. Chủ đầu tư dự án muốn “biến” Cửu Long Sơn Tự thành dự án đặc biệt, mong muốn hình thành một khu du lịch sinh thái tâm linh trên điểm cao nhất của thành phố Nha Trang mà con người khó đặt chân tới. Chủ đầu tư dự án đã “vẽ” ra viễn cảnh, dự án với một quần thể tâm linh điểm nhấn là tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát cao 143 mét, công trình Cửu Long Sơn Tự trên đỉnh núi Chín Khúc cao 593m sẽ nổi bật mà khắp nơi trong thành phố, các huyện, thậm chí đi trên máy bay… đều nhìn thấy, nhận ra thành phố du lịch Nha Trang, nhiều năm sau không có công trình nào thay thế được.

Cơ quan Công an đọc lệnh bắt bị can Nguyễn Chiến Thắng

Cơ quan Công an đọc lệnh bắt bị can Nguyễn Chiến Thắng

Thuyết phục hơn, Chủ đầu tư còn nhấn mạnh, từ lâu tỉnh Khánh Hòa đã mong ước có một công trình tầm cỡ làm biểu tượng. Đã có thời, các công trình như: Tháp Bà Ponagar, tháp Trầm Hương, tượng Trần Hưng Đạo, tượng Phật Tổ trên đồi Trại Thủy, Vinpearl Land, Nhà thờ Núi, Lầu Bảo Đại… đóng vai trò là những điểm nhấn của Nha Trang. Nhưng hiện nay các công trình này trở nên nhỏ bé, bị che lấp trong những công trình đồ sộ mới mọc lên…

Chủ đầu tư đã nhiều lần có tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch của dự án, từ diện tích đất của dự án này theo quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, đất đồi núi chưa sử dụng, từng bước chủ đầu tư đã xin chuyển một phần thành đất thương mại, đất ở lâu dài.

Dự án Khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung nằm trên địa phận xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang thuộc khu vực núi Giáng Hương. Tháng 9-2008, trong văn bản thỏa thuận địa điểm, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Sản xuất & Xây dựng Khánh Hòa nghiên cứu, lập dự án đầu tư với tên gọi “Dự án trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung”. Với quy mô 46ha, tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, mục tiêu của Dự án này thời điểm đó là nhằm phát triển trồng rừng, tạo môi trường sinh thái trong lành; hình thành một khu rừng gồm nhiều loại cây gỗ lớn đặc hữu của vùng phục vụ tham quan, nghỉ ngơi cho nhân dân; chức năng phòng hộ, góp phần tạo lá phổi xanh cho TP Nha Trang.

Nhưng chưa đầy 3 năm sau, dự án bất ngờ cho đổi tên thành Dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, tổng mức đầu tư tăng lên gấp hơn 10 lần, với gần 300 tỷ đồng. Chức năng trồng rừng “để giúp cho nhân dân nghỉ ngơi, tham quan” đã không còn, vì cuối tháng 9-2011, trên diện tích đất này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sản xuất & Xây dựng Khánh Hòa với mục tiêu mới là: “Xây dựng khu nhà ở và dịch vụ thương mại”. Diện tích dự án cũng đã cho rút xuống từ 46ha thành 29ha, rồi tiếp đó là 19,65ha và đổi thêm một lần nữa với tên gọi “Dự án Khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung” như hiện nay. Một báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa ban hành vào giữa năm 2018 cho thấy, Dự án Vĩnh Trung đã có 5 lần điều chỉnh từ tên, quy mô và mục tiêu dự án, thời gian hoạt động đến tiến độ thực hiện dự án.

Đáng chú ý, theo quyết định mà UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 2-2018 đối với dự án này thì trong 19,65ha, chủ đầu tư là Công ty Sản xuất & Xây dựng Khánh Hòa dành tới hơn 10ha để xây biệt thự, nhà liền kề, chung cư và trung tâm dịch vụ thương mại. Thời gian sử dụng đất của dự án cũng đã cho điều chỉnh, đất biệt thự cho điều chỉnh thành lâu dài, đất dịch vụ thương mại từ 40 năm lên thành 50 năm để tăng giá trị sử dụng đất cho toàn bộ dự án.

Khi những người đứng đầu tiếp tay cho vi phạm

Theo nội dung cáo trạng của VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015, có vai trò chủ mưu trong những vi phạm tại Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự. Cụ thể, ngày 9-7-2012, ông Thắng ký quyết định giao hơn 123ha đất cho dự án, trong đó có 1,74ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Ngày 30-6-2014, ông ký quyết định giao thêm hơn 390ha đất, nâng tổng diện tích đất giao cho dự án này lên 513,53ha, trong đó có 35.384m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không được quy hoạch theo nghị quyết của Chính phủ. Tiếp đó, ngày 10-4-2015, ông Thắng ký quyết định điều chỉnh tăng diện tích đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của dự án này lên 52.368m2. Ngày 23-10-2015, ông lại ký quyết định điều chỉnh 52.368m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vừa nêu thành 44.868m2 đất thương mại dịch vụ và 7.500m2 đất ở tại nông thôn.

Cơ quan công an thực hiện lệnh bắt Lê Đức Vinh

Cơ quan công an thực hiện lệnh bắt Lê Đức Vinh

Cơ quan tố tụng xác định, diện tích đất của dự án này theo quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, đất đồi núi chưa sử dụng, nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở ngành liên quan cho phép một phần thành đất thương mại, đất ở lâu dài là trái quy định pháp luật. Bị can Thắng với vai trò là người đứng đầu đã có nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án, đã trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương và ký quyết định giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án trái quy định của pháp luật.

Ông Đào Công Thiên (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) nhận thức rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa diện tích 513,53ha đất (trong đó có một phần đất thương mại và đất ở nông thôn) là không đúng quy định của pháp luật, không đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nhưng vẫn ký. Các ông Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Trần Văn Hùng tham mưu các văn bản cho cấp trên trái quy hoạch sử dụng đất, vi phạm Luật đất đai.

Đối với Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung được cho triển khai trên diện tích 19,65ha tại tiểu khu 573 trên núi Chín Khúc, mục tiêu ban đầu của Dự án là trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái, nhưng sau đó được điều chỉnh thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái.

Ông Lê Đức Vinh, khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký quyết định chuyển mục đích sử dụng 196.194m2 đất rừng sản xuất và khoanh nuôi sản xuất sang mục đích đất ở và đất có mục đích công cộng cho Công ty Khánh Hòa để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất, đã vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai.

Trong đó, đáng chú ý là cho tiến hành giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa ngày 22-8-2012 trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngày 18-2-2014. Tỉnh giao đất khi chủ đầu tư mua gom đất vượt hạn mức quy định; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; không tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về quy hoạch...

Ở dự án này, ông Trần Văn Hùng tham mưu cho ông Lê Mộng Điệp, còn ông Điệp ký tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy hoạch. Ông Lê Văn Dẽ tham mưu cho UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 196.194m2 từ đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp trái quy định pháp luật về quản lý đất đai.

Để thực hiện Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, Công ty Khánh Hòa đã xẻ núi, mở nhiều con đường “rồng rắn” lên núi Chín Khúc khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định. Trong khi đó, chủ đầu tư đã san ủi mặt bằng Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung theo văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, đã vận chuyển ra ngoài dự án 40.000m3 đất đá. Đến nay, dự án đã ngừng triển khai. Rõ ràng, một thời buông lỏng quản lý nhà nước và “cụ thể hóa” bằng các quyết định sai trái, 7 cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tiếp tay cho doanh nghiệp phá vỡ cảnh quan núi Chín Khúc? Từ đất trồng rừng, núi Chín Khúc lại “lọt” vào loại đất “đất ở lâu dài” và trở thành “đại công trình” thi công nham nhở.

Liên quan đến vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc, tỉnh Khánh Hòa, VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ.

Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Đào Công Thiên (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Văn Dẽ (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) và Trần Văn Hùng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường).

Theo cáo trạng, từ năm 2012-2015, Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép làm chủ đầu tư để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc. Trong quá trình chỉ đạo triển khai 2 dự án, nhiều cựu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ đã có những sai phạm.

Kim Sa

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nui-chin-khuc-da-bi-bam-nat-nhu-the-nao--i645966/