Núi lửa mạnh nhất Indonesia phun trào trở lại khiến nhiều người sơ tán
Núi lửa Merapi của Indonesia đã phun trào với những đám mây khí và dung nham vào ngày 11-3, buộc các nhà chức trách phải tạm dừng các hoạt động khai thác và du lịch trên sườn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất của đất nước.
Merapi nằm trên đảo Java đông dân cư, đã phun ra những đám mây tro nóng và hỗn hợp đá, dung nham và khí di chuyển tới 7km xuống sườn núi.
Người phát ngôn của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Abdul Muhari cho biết một cột tro nóng bốc cao 100m.
Vụ phun trào kéo dài suốt ngày 11-3 đã che khuất ánh nắng mặt trời và bao phủ một số ngôi làng bằnglớp tro bụi rơi xuống.
Không có thương vong nào được báo cáo.
Hanik Humaida, người đứng đầu Trung tâm giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa của Yogyakarta, cho biết đây là dòng dung nham lớn nhất ở Merapi kể từ khi các nhà chức trách nâng mức cảnh báo phun trào của nó lên mức cao thứ hai vào tháng 11 năm 2020.
Bà cho biết cư dân sống trên các sườn núi của Merapi được khuyên nên tránh xa miệng núi lửa 7 km và nhận thức được sự nguy hiểm do dung nham gây ra.
Các hoạt động du lịch và khai khoáng cũng bị tạm dừng.
Ngọn núi cao 2968 mét cách Yogyakarta khoảng 30 km, một trung tâm văn hóa cổ xưa của người Java và là nơi ngự trị của các triều đại hoàng gia trong nhiều thế kỷ trước.
Khoảng một phần tư triệu người sống trong phạm vi 10km quanh núi lửa.
Merapi là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia và đã nhiều lần phun trào dung nham và các đám mây khí trong thời gian gần đây.
Vụ phun trào lớn cuối cùng của nó vào năm 2010 đã giết chết 347 người và khiến 20.000 dân làng phải sơ tán.
Indonesia là một quần đảo có 270 triệu dân, dễ xảy ra động đất và hoạt động núi lửa vì nước này nằm dọc theo "Vành đai lửa Thái Bình Dương", là một loạt các đường đứt gãy địa chấn hình móng ngựa quanh Thái Bình Dương.
Một vụ phun trào vào tháng 12 năm 2021 của núi Semeru, ngọn núi lửa cao nhất trên đảo Java, khiến 48 người thiệt mạng và 36 người mất tích.