Núi lửa phun trào, 14 người chết cả trăm người bị thương
Tình hình đang rất nguy ngập, các nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn do giao thông tắc nghẽn và các tình nguyện viên thiếu kinh nghiệm.
Hãng tin AP ngày 5-12 cho biết lực lượng cứu hộ Indonesia vẫn đang ra sức tìm kiếm những nạn nhân sống sót sau khi ngọn núi lửa Semeru trên đảo Java phun trào, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và nhiều người khác bị mất tích dưới đống mảnh vỡ và tro bụi.
Mưa lớn khiến núi lửa phun trào
Một vụ phun trào bất ngờ do mưa lớn đã xảy ra trước đó hôm 4-12 tại ngọn núi Semeru. Trận mưa lớn đã kích hoạt ngọn núi lửa, phun ra những cột tro bụi dày đặc lên bầu trời cùng khí nóng và dung nham chảy xuống sườn núi.
Nhiều ngôi làng và thị trấn lân cận đều bị bao phủ trước lượng tro bụi khổng lồ, một số ngôi làng còn bị vùi lấp dưới hàng tấn lớp bùn từ núi lửa. Ở một số khu vực, tất cả mọi thứ, từ cây cối đến đồ vật trong nhà, đều đóng thành tro.
Người đứng đầu Trung tâm khảo sát địa chất Eko Budi Lelono cho biết đợt mưa dông liên tiếp nhiều ngày trước đó đã làm sập mái vòm dung nham trên đỉnh núi Semeru cao 3.676 m và kích hoạt vụ phun trào.
Hình ảnh và video do các đài truyền hình Indonesia công bố cho thấy khung cảnh hỗn loạn khi người dân đảo Java la hét và chạy trốn khỏi đám mây tro bụi khổng lồ, khuôn mặt ướt đẫm vì mưa trộn lẫn với bụi tro.
Semeru, hay còn được gọi là Mahameru - có nghĩa là “Ngọn núi vĩ đại” trong tiếng Phạn - đã phun trào nhiều lần trong suốt 200 năm qua. Ngọn núi lửa này phun trào lần cuối vào hồi tháng 1, nhưng không có thương vong.
Số người thiệt mạng tiếp tục tăng lên
Các quan chức hòn đảo trước đó cho biết họ đã hy vọng có thể tránh được thương vong bằng cách theo dõi chặt chẽ ngọn núi lửa, nhưng số người chết đã nhanh chóng tăng lên chỉ một ngày sau khi núi lửa Semeru phun trào.
Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết số người thiệt mạng do thảm họa núi lửa Semeru đã lên đến 14 người. Ngoài ra còn có 98 người khác bị thương đang được điều trị tại bệnh viện, gồm hai phụ nữ mang thai bị bỏng do tro nóng, và bảy người được cho vẫn còn mất tích.
Một tình nguyện viên cứu trợ tên Taufiq Ismail Marzuqi cho hay tình hình “rất thảm khốc” khi các nỗ lực cứu hộ diễn ra khó khăn vì giao thông tắc nghẽn và các tình nguyện viên thiếu kinh nghiệm.
Đoạn video mà Marzuqi ghi lại cho thấy cảnh lực lượng cảnh sát và quân đội đang cố gắng tìm kiếm các thi thể bằng tay không.
Ông Haryadi Purnomo thuộc bộ phận tìm kiếm và cứu nạn đảo Java cho biết có hơn 900 dân làng đã đến những nơi trú ẩn khẩn cấp tạm thời sau khi vụ phun trào xảy ra, song nhiều người khác bất chấp lời cảnh báo và chọn ở lại nhà của họ để chăm sóc gia súc và bảo vệ tài sản của mình.
“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để sơ tán họ bằng cách chuẩn bị xe tải và xe máy để họ di tản bất cứ lúc nào” - ông Purnomo nói.
Ông cũng cho hay hiện các đồng đội của ông vẫn đang tìm kiếm những người sống sót và nạn nhân trên sườn phía nam của ngọn núi, nhưng lớp bùn dày cùng các mảnh vỡ và mưa lớn đã cản trở quá trình tìm kiếm.
“Không có sự sống ở đó, cây cối, trang trại, nhà cửa đều bị cháy xém, mọi thứ bị phủ lên một lớp tro xám dày đặc” - ông Purnomo nói, thêm rằng một số khu vực khác hầu như không bị ảnh hưởng.
Các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã tạm thời dừng lại vào chiều ngày 5-12 do lo ngại về một đợt phun trào nữa có thể xảy ra khi mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ thị cho các bộ trưởng trong Nội các cũng như các quan chức về thảm họa và quân sự phối hợp ứng phó giải quyết vụ việc này.