Nước Anh đối mặt với nguy cơ biểu tình lan rộng vào cuối tuần
Nước Anh dự kiến phải đối mặt với hàng chục cuộc biểu tình trong hai ngày cuối tuần, trong bối cảnh hàng loạt vụ việc những người quá khích đụng độ với cảnh sát đã xảy ra vào tối 2/8.
Nước Anh đã trải qua ngày thứ 5 liên tiếp hứng chịu các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố thuộc vùng England và Wales. Dự kiến trong hai ngày cuối tuần, nước này có thể phải đối mặt với khoảng 60 cuộc biểu tình.
Tối 2/8, hàng trăm người đã xuống đường ở Liverpool và Sunderland trong một loạt các cuộc biểu tình, được cho là do những đối tượng cực hữu lên kế hoạch.
Tại thành phố cảng Sunderland, phía Đông Bắc vùng England, hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động.
Những người biểu tình quá khích đã tấn công cảnh sát bằng gạch đá, bình chữa cháy và phóng hỏa một ngôi nhà ngay cạnh đồn cảnh sát Trung tâm Sunderland.
Người biểu tình cũng đã đốt xe ôtô, cướp phá cửa hàng, ném đá vào một đền thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố.
Cảnh sát đã bắt giữ tám đối tượng quá khích vì tội gây rối bạo lực và trộm cắp. Trong khi đó, ba cảnh sát đã bị thương trong vụ đụng độ.
Tại thành phố cảng Liverpool thuộc miền Trung vùng England, cuộc biểu tình của khoảng 200 người chống chủ nghĩa phátxít đã diễn ra đồng thời với cuộc biểu tình của những người có tư tưởng cực hữu.
Một vài cuộc ẩu đả nhỏ đã xảy ra giữa hai nhóm bên ngoài đền thờ Hồi giáo Abdullah Quilliam Society.
Tuy nhiên, với số lượng áp đảo, những người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đã khiến các đối tượng cực hữu không dám manh động.
Phản ứng trước các vụ bạo loạn mới nhất vào tối 2/8, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper tuyên bố những kẻ kích động tình trạng hỗn loạn không đại diện cho nước Anh.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, bà Cooper cảnh báo các đối tượng tấn công cảnh sát và kích động tình trạng hỗn loạn trên đường phố sẽ phải trả giá cho hành vi bạo lực và côn đồ.
Lực lượng thực thi pháp luật tại Anh đã được yêu cầu làm việc vào hai ngày cuối tuần để đối phó với nguy cơ xảy ra biểu tình gây rối. Trong khi đó, cảnh sát trên khắp đất nước đã chuẩn bị để đối phó với tình trạng bất ổn.
Cảnh sát các vùng Nottinghamshire, Thames Valley và South Yorkshire đã lên kế hoạch trấn áp mạnh mẽ nếu các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn.
Các cuộc biểu tình tại Anh bùng phát do lan truyền thông tin sai lệch trên các trang mạng xã hội về vụ tấn công bằng dao vào ngày 29/7 ở thị trấn Southport, Tây Bắc England.
Thông tin bịa đặt cho rằng nghi phạm, 17 tuổi, gây ra vụ tấn công bằng dao là người Hồi giáo đã vượt biển đến Anh và đang xin tị nạn.
Trước đó, vụ đâm dao vào ngày 29/7 đã khiến ba bé gái dưới 10 tuổi thiệt mạng, tám trẻ em và hai người lớn bị thương nặng.
Đối tượng đâm dao là Axel Muganwa Rudakubana, đã bị bắt và bị buộc ba tội giết người, 10 tội cố ý giết người.
Rudakubana sinh tại Cardiff, Wales, sống tại làng Banks, hạt Lancashire, cách Southport khoảng 10km, bố mẹ là người Rwanda đến Anh năm 2002.
Cho đến nay, các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại nhiều về tài sản, với nhiều ôtô bị đốt cháy, cửa hàng bị đập phá và một số đền thờ Hồi giáo bị tấn công bằng gạch đá. Hàng chục cảnh sát đã bị thương và khoảng 120 người biểu tình đã bị bắt.
Theo thông tin từ nhóm chống phân biệt chủng tộc "Hope Not Hate," khoảng 35 cuộc biểu tình cực hữu đã được lên kế hoạch trên khắp nước Anh vào cuối tuần nhằm phản đối đa văn hóa, bài Hồi giáo và chống Chính phủ.
Ngoài ra, khoảng 25 cuộc biểu tình phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ được tổ chức. Dự kiến biểu tình sẽ diễn ra tại nhiều thành phố của Anh, trong đó có Blackburn, Blackpool, Bolton, Bristol, Glasgow, Liverpool, Leeds, Leicester, Manchester, Newcastle, Nottingham và Portsmouth./.