Nước biển dâng ngày càng cao, châu Á chịu nguy cơ cao nhất

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy nếu Trái Đất nóng hơn nửa độ so với mục tiêu đặt ra là 1,5 độ C, sẽ có thêm 200 triệu cư dân thành thị chìm sâu trong nước biển trong tương lai.

Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hàng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy như băng tan, nước biển dâng cao… Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước.

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Đại học Princeton (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức) đã công bố nghiên cứu cho thấy, nếu Trái Đất nóng hơn nửa độ so với mục tiêu đặt ra là 1,5 độ C, sẽ có thêm 200 triệu cư dân thành thị chìm sâu trong nước biển trong tương lai. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong kịch bản này sẽ là châu Á - nơi chiếm 9/10 thành phố lớn có nguy cơ cao nhất.

Theo nghiên cứu, những cơn bão ngày càng mạnh và nước biển dâng sẽ tấn công mạnh nhất vào châu Á. Hơn 2/3 dân số có nguy cơ chịu thiệt hại là ở Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Nhiều thành phố ở châu Á đang mở rộng quỹ đất nhanh chóng chủ yếu là ở vùng ven biển và vùng trũng, khiến những nơi này dễ bị tác động khi mực nước biển dâng cao, cũng như khi xảy ra tình trạng thời tiết cực đoan như lũ lụt hay giông bão.

Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong kịch bản nước biển dâng sẽ là châu Á.

Nồng độ CO2 ngày nay cao hơn 50% so với năm 1800. Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng 1,1 độ C. Trừ khi các chuyên gia tìm ra cách loại bỏ lượng lớn CO2 khỏi bầu khí quyển nhanh chóng, tình trạng nước biển dâng xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khi nhiệt độ của Trái Đất ở mức cao hơn, nguy cơ băng tan là vô cùng lớn. Thậm chí, nhiệt độ cao có thể khiến khí CO2 và metan trong lớp băng tan được giải phóng.

Nếu nỗ lực kiểm soát khí nhà kính thất bại, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 4 độ C so với giữa thế kỷ 19. Tình trạng ấm lên nhiều như vậy sẽ khiến các đại dương trên toàn cầu dâng cao thêm từ 6 - 9 mét.

Các nhà khoa học cảnh báo, mực nước biển trên các đại dương sẽ tăng khoảng 0,6-3 m vào năm 2100 và 1,7-5,6 m vào năm 2300, dù lượng khí thải nhà kính được giảm mạnh đến mức nào.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu cho biết, việc giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp nhất có thể giúp con người có thời gian để thích nghi.

Trước đó, các nhà khoa học đã công bố dữ liệu mới cho thấy có 300 triệu người các khu vực ven biển trên thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương vào năm 2050 vì lũ lụt trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, mực nước biển dâng không những làm diện tích đất đai bị thu hẹp, mà còn làm nhiễm mặn một số nguồn nước ngọt, tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp. Dự báo đến năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho ngành trồng trọt (khoảng 17 tỉ USD) cũng như hệ thống cấp nước ở các vùng trũng của Nam Bộ.

Dự báo đến năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho ngành trồng trọt (khoảng 17 tỉ USD) cũng như hệ thống cấp nước ở các vùng trũng của Nam Bộ.

Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trên Trái Đất. Đặc biệt, với con số hàng trăm triệu người mất nhà cửa do tình trạng nước biển dâng, một viễn cảnh chắc chắn xảy ra trong tương lai gần – sẽ mãi mãi là một cuộc “di tản” không có ngày trở về.

Linh Chi (t/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nuoc-bien-dang-ngay-cang-cao-chau-a-chiu-nguy-co-cao-nhat-60406.html