Nước Đức thời Olaf Scholz: 'Cỗ xe tăng' trở lại!

Nước Đức là một nước siêu công nghiệp, từng rất cứng rắn đến lạnh lùng. Tuy nhiên, hình ảnh nước Đức - trái tim của châu Âu đã thay đổi rất nhiều trong 16 năm được lãnh đạo bởi Thủ tướng Angela Merkel: ấm áp và nhân hậu đến kỳ lạ.

Nhưng giờ, khi mà vị nữ tướng đã chia tay chính trường, liệu nước Đức dưới kỷ nguyên mới sẽ trở lại hình ảnh của một “cỗ xe tăng” lạnh lùng như trước?

Từ một nước Đức dưới thời Angela Merkel

Không lâu sau khi cuộc bầu cử nước Đức hạ màn với chiến thắng thuộc về đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Olaf Scholz, có một sự kiện đã xảy ra khi Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra giận dữ trước Ba Lan, bởi nước này tuyên bố các điều luật EU không phù hợp với hiến pháp của mình. Và có một chính trị gia cố gắng hết sức để kìm chế sự tức giận. Một lần nữa, đó vẫn là Thủ tướng nước Đức - Angela Merkel.

Bà Angela Merkel nhận hoa trong phiên họp nội các cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Đức - Ảnh: AP

Bà Merkel cho biết, EU phải tìm ra các giải pháp mà “mọi người đều có thể sống chung”. Điều này lại thể hiện một hành động điển hình của phong cách chính trị mềm mỏng của bà, trong khi các nhà lãnh đạo khác của châu Âu đều có phản ứng gay gắt trong sự việc này.

Và rồi, Merkel lại đảm nhận vai trò hòa giải như bà thường thực hiện trong 16 năm làm thủ tướng nước Đức, dù vị nữ thủ tướng này đang trải qua những ngày tháng cuối cùng với tư cách người đứng đầu một quốc gia trung tâm của EU, cũng như đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của trong sự nghiệp chính trường.

Những người ngưỡng mộ bà Merkel nói rằng kỹ năng ngoại giao của bà rất quan trọng để ngăn chặn các cuộc đụng độ và sự chia rẽ trong lòng châu Âu. Jean-Claude Juncker - cựu Chủ tịch của Ủy ban châu Âu, nói: “Bà ấy chưa bao giờ tạo ra sự khác biệt giữa Đông hay Tây, Nam hay Bắc. Bà ấy lắng nghe tất cả, điều này giải thích một phần thành công của bà trong thời gian điều hành nước Đức và tham gia lãnh đạo châu Âu”.

Bà Merkel cũng từng phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của một số quốc gia EU - đặc biệt là Pháp nhằm tạo ra một loại hình châu Âu hai thái cực, với một nhóm các quốc gia phát triển, giàu có và cùng chí hướng hội nhập chặt chẽ hơn và bỏ lại những quốc gia có nhiều sự khác biệt và bất đồng còn lại, như Ba Lan chẳng hạn.

Đã đến lúc cứng rắn hơn

Tuy nhiên, bên trong nước Đức, nhiều người cho rằng bà Merkel có phần mềm yếu; cũng như thường đưa ra những quyết định cảm tính trong các vấn đề nhạy cảm, như với Hungary và Ba Lan - những quốc gia từng in đậm trong ký ức của nữ thủ tướng khi bà còn sống tại Đông Đức trước đây.

Ông Olaf Scholz phát biểu mừng chiến thắng của đảng SPD sau cuộc bầu cử Đức ngày 26/9 - Ảnh: AP

Đây được xem như một chi tiết khiến đảng CDU của bà Merkel thất bại trước đảng SPD của Olaf Scholz trong cuộc bầu cử hồi cuối tháng 9/2021. Katarina Barley, một đảng viên SPD và phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, cho biết bà mong một sự thay đổi của Đức trong các chính sách ngoại giao tại châu Âu và trên thế giới, theo đường lối cứng rắn hơn.

Barley nói với tạp chí Der Spiegel, cách tiếp cận của bà Merkel - “đối thoại, không đối đầu” đã không còn phù hợp trong một thế giới đầy phức tạp và đa cực như hiện tại. “Chính phủ mới của Đức sẽ nhận ra rằng đối thoại là quan trọng, nhưng điều này giờ là không đủ. Bây giờ, chúng ta cần các biện pháp cứng rắn hơn trong các vấn đề ngoại giao, kinh tế và cả thương mại”.

Việc thay đổi đường hướng ngoại giao của Đức theo hướng cứng rắn được đánh giá khó tránh khỏi. Rõ ràng, thế giới đã thay đổi rất nhiều chỉ trong một vài năm qua, không còn khá “bình yên” như trong khoảng lớn thời gian mà bà Merkel điều hành nước Đức, cũng như tham gia lãnh đạo châu Âu.

Ông Olaf Scholz và bà Angele Merkel bắt tay trong một cuộc chuyển giao được kỳ vọng đưa nước Đức tiến lên phía trước - Ảnh: AP

Cụ thể, Đức đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa toàn cầu. Ví như, Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, gần như đã vượt qua Đức về tầm ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo toàn cầu. Đặc biệt, Nga đang đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ trong các vấn đề địa chính trị ở khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, việc nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden đang đánh mất tầm ảnh hưởng vốn có càng khiến Đức phải trở lại là “một cỗ xe tăng” mạnh mẽ, lỳ lợm và lạnh lùng để đương đầu với thách thức.

Tuy nhiên, Christoph Heusgen - cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Merkel giai đoạn 2005-17 lo sợ: “Nhưng liệu chính phủ mới có làm được như vậy không? Họ có biết những nhiệm vụ to lớn nào đang chờ đợi họ trên trường quốc tế, những mong đợi từ khắp nơi trên thế giới không? Họ đã chuẩn bị để tham gia?”.

Sự ra đi của bà Merkel đi kèm với sự thay đổi lớn tại nhiều quốc gia hàng đầu châu Âu, có thể khiến chính trường trở nên rất phức tạp tại lục địa già trong những năm tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ bước vào chiến dịch tái tranh cử vào tháng 4 năm sau. Nếu ông thất bại, Đức có thể mất đi một trong những đồng minh thân cận nhất. Trong khi đó, Italia sẽ bầu một quốc hội mới vào năm 2023.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo một khoảng trống lớn tại nước Đức sẽ xuất hiện sau sự ra đi của bà Merkel. Olaf Scholz vốn được đánh giá là người theo chủ nghĩa trung dung và thực dụng, chưa chắc đã can thiệp mạnh mẽ vào các vấn đề nóng bỏng của châu Âu và thế giới. Song có nhiều động lực và cả áp lực để nước Đức dưới thời Olaf Scholz thay đổi theo hướng mạnh mẽ và cứng rắn hơn.

Tân thủ tướng Đức tỏ ra lạc quan trước những thách thức trong nhiệm kỳ của mình - Ảnh: AP

Chưa một Thủ tướng nào phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc như Olaf Scholz. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào đầu tháng 12/2021, ông Scholz sẽ phải đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, căng thẳng biên giới Ba Lan - Belarus gia tăng, thách thức về vai trò trụ cột của EU và nội bộ chia rẽ ngay trong liên minh, việc Nga tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới phía đông Ukraine; hay một Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn. Với bối cảnh ấy, liệu ông Scholz có đủ chữ nhẫn để tiếp tục lấy “dĩ hòa vi quý” làm nền tảng cho chính sách ngoại giao của mình?

Các chính sách của Đức có thể sẽ thay đổi như thế nào?

Chính sách môi trường: Các cuộc thăm dò dư luận hiện cho thấy môi trường là mối quan tâm số một đối với cử tri - thậm chí hơn cả COVID-19. Đây là lĩnh vực chính sách mà Đức sẽ thay đổi nhiều nhất, bất kể sự thành lập của liên minh trong chính phủ mới như thế nào. Trước tiên, liên minh chính phủ mới do SPD dẫn đầu đã cam kết loại bỏ than đá vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện từ khí đốt vào năm 2040.

Chính sách tài chính: Đảng SPD của Olaf Scholz muốn loại bỏ đầu tư công khỏi các quy tắc tài khóa. Trong khi đó, Đảng Xanh muốn chi tiêu nhiều hơn. Theo các cuộc thăm dò gần đây, nước Đức sẽ từ bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” trước đây, để chi tiêu rộng rãi hơn. Chính phủ liên minh mới đã đồng ý tăng mức lương tối thiểu từ 9,6 euro lên 12 euro mỗi giờ, giúp tăng lương cho khoảng 10 triệu người Đức.

Mối quan hệ với châu Âu: Chính phủ mới của Đức đang nghiêng nhiều hơn về mở rộng và hội nhập hơn nữa trong lòng EU. Vai trò lãnh đạo của Đức tại lục địa già bởi vậy kỳ vọng sẽ nổi bật và giầu sức nặng hơn trong kỷ nguyên mới. Một số nhà phân tích chính tin rằng liên minh chính phủ mới sẽ đấu tranh để thu hẹp sự chia rẽ về ý thức hệ giữa 27 quốc gia EU, trong đó Đức là một động lực.

Phan Hoàng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nuoc-duc-thoi-olaf-scholz-co-xe-tang-tro-lai-post178997.html