Nước Đức và chiến lược thúc đẩy phát triển năng lượng hydro

Với tầm nhìn chiến lược cùng nền khoa học-kỹ thuật hiện đại, Đức đang hướng tới việc trở thành quốc gia số 1 thế giới về phát triển năng lượng hydro. Mục tiêu đầy tham vọng này được Berlin đưa ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Theo tờ DW, Chính phủ Đức vừa thông qua kế hoạch mang tên "Chiến lược hydro quốc gia". Với kế hoạch trên, quốc gia châu Âu này đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp năng lượng hydro số 1 thế giới. Do đó, Chính phủ Đức đã quyết định đầu tư 9 tỷ euro (10,2 tỷ USD) vào việc phát triển năng lượng hydro. Cụ thể, 7 tỷ euro sẽ được dành để hỗ trợ sản xuất và đưa năng lượng hydro vào thị trường Đức, 2 tỷ euro còn lại được dành cho hoạt động hợp tác với nước ngoài. Kinh phí dành cho “Chiến lược hydro quốc gia" là một phần trong gói kích cầu kinh tế trị giá 130 tỷ euro (147 tỷ USD) được Berlin công bố hồi đầu tháng 6 này nhằm vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Khi trình bày “Chiến lược hydro quốc gia" tại một cuộc họp báo mới đây ở Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã gọi bản kế hoạch dài 28 trang này là sự đổi mới lớn nhất kể từ khi có Luật Năng lượng tái tạo (EEG), được ban hành từ năm 2000. Theo ông Peter Altmaier, Berlin mạnh tay chi ngân sách cho phát triển năng lượng hydro nhằm tăng năng lực cạnh tranh và đạt những mục tiêu về khí hậu. Giới chức Đức cho biết, trong thời gian tới, Berlin sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nguồn năng lượng sạch này.

 Tàu hỏa Coradia iLint chạy bằng năng lượng hydro tại Đức. Ảnh: The Guardian.

Tàu hỏa Coradia iLint chạy bằng năng lượng hydro tại Đức. Ảnh: The Guardian.

Với ưu điểm là nguồn năng lượng có thể tái tạo, thân thiện môi trường, không phát thải khí nhà kính, năng lượng hydro đang thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới dù giá thành khá cao. Khi mối lo ngại về biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng tăng, việc sử dụng năng lượng hydro là giải pháp bền vững vì một thế giới ít phát thải khí nhà kính- “thủ phạm” gây BĐKH.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường được xem là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đức trong bối cảnh BĐKH đang gây ra nhiều ảnh hưởng cho môi trường sống tại nước này. Trong 10 năm trở lại đây, hiện tượng thời tiết cực đoan ở Đức trở nên rõ ràng, đặc biệt số ngày nắng nóng với nhiệt độ vượt quá 30oC đã tăng đáng kể. Theo báo cáo được Chính phủ Đức công bố hồi cuối năm 2019, mùa hè năm 2003, 2018 và 2019 là khoảng thời gian nóng nhất ở Đức từ trước đến nay. Là nhà lãnh đạo xuất thân từ giới khoa học, trong Thông điệp năm mới 2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra lời kêu gọi cứu Trái Đất và cần làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề BĐKH nhằm mang lại hòa bình và thịnh vượng cho thế hệ tương lai. "Trái Đất đang ấm lên. Điều này rất nguy hiểm. Chúng ta cần làm mọi thứ có thể để vượt qua thử thách này. Mọi việc vẫn chưa quá muộn", người đứng đầu Chính phủ Đức nhấn mạnh.

Tại châu Âu, Đức hiện là một trong những quốc gia đi đầu cam kết giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Theo Chương trình Hành động khí hậu 2030, Đức đặt ra mục tiêu giảm 55% lượng khí thải nhà kính so với mức khí thải năm 1990 vào năm 2030. Sau thảm họa hạt nhân tại tỉnh Fukushima của Nhật Bản vào năm 2011, Đức đã quyết định đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân của nước này vào năm 2022. Bên cạnh đó, Đức quyết tâm loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than vào năm 2038. Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng việc đẩy mạnh quá trình chuyển sang năng lượng sạch sẽ tạo cơ hội lớn cho nước này. Tháng 9-2018, Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa 2 tàu hỏa mang tên Coradia iLint chạy bằng năng lượng hydro vào hoạt động. Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer nhấn mạnh, việc áp dụng rộng rãi công nghệ động cơ chạy bằng hydro cho cả xe buýt và xe tải sẽ rất cần thiết nếu nước này muốn đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ông Andreas Scheuer cho biết, Đức sẽ có khoảng 100 trạm tiếp nhiên liệu hydro vào cuối năm 2020 và xây dựng thêm 10-15 trạm mỗi năm nhằm tạo ra mạng lưới trạm tiếp nhiên liệu hydro lớn nhất "lục địa già".

Chuyên gia về năng lượng Claudia Kemfert thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) đánh giá, trong bối cảnh các quốc gia EU đang tranh cãi về hướng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc Đức công bố “Chiến lược hydro quốc gia" cho thấy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã xác định rằng các khoản đầu tư dài hạn cho việc phát triển năng lượng sạch là một phần tất yếu để mang lại lợi ích về kinh tế cũng như đối phó với BĐKH.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nuoc-duc-va-chien-luoc-thuc-day-phat-trien-nang-luong-hydro-623845