Nước Mỹ lo ngại trước kế hoạch cải tổ chính quyền của Tổng thống Trump

Các cơ quan Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị cho những biến động trong những ngày tới, trong bối cảnh Tổng thống Trump sẽ hiện thực hóa cam kết trong chiến dịch tranh cử là tinh gọn bộ máy và cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ.

Ông Trump sắp xếp lại bộ máy chính quyền

Vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt tay vào việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự và sa thải hàng loạt quan chức từng phục vụ dưới chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden. Những động thái mạnh mẽ của ông Trump ở buổi bình minh của nhiệm kỳ thứ hai được cho là sẽ mở đường cho tân Tổng thống xử lý các điểm nóng kinh tế - xã hội đang tồn đọng trong lòng nước Mỹ.

Một trong hai sắc lệnh hành pháp đầu tiên mà ông Trump đặt bút ký đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia mở cuộc điều tra rộng rãi về "kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận" hoặc "vũ khí hóa" các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo của chính quyền ông Biden. Trước đó, ông Biden đã ban hành một loạt lệnh ân xá trong những giờ cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống cho một số cựu thành viên Ủy ban Hạ viện và các thành viên trong gia đình ông, nhằm ngăn người kế nhiệm “tiến hành các cuộc điều tra mang động cơ chính trị”.

Sắc lệnh hành pháp còn lại của ông Trump đã thu hồi quyền miễn trừ an ninh của 51 cựu quan chức tình báo có liên quan tới vụ án hình sự của ông Hunter Biden – con trai cựu Tổng thống Biden, với lý do rằng các email từ máy tính xách tay của ông Hunter có "tất cả các dấu hiệu điển hình của một hoạt động thông tin liên quan đến Nga".

Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp sau khi nhậm chức. Ảnh: Pool

Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp sau khi nhậm chức. Ảnh: Pool

Sắc lệnh này cũng thu hồi quyền miễn trừ an ninh đối với cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - người đã bị ông Trump sa thải vào tháng 11/2019 và từ đó trở thành người chỉ trích mạnh mẽ ông Trump. Ông Bolton đã yêu cầu mật vụ Mỹ bảo vệ sau khi bị chính quyền Iran đe dọa và được Tổng thống chấp nhận. Ông Trump ban đầu đã chấm dứt sự bảo vệ của ông sau khi rời khỏi chính quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng sau đó ông Biden đã đảo ngược quyết định trên của người tiền nhiệm.

"Chúng ta không thể bảo vệ ai đó cả đời và tại sao chúng ta phải làm thế? Tôi nghĩ rằng ông Bolton không xứng đáng được nhận được sự bảo vệ như vậy”, ông Trump nói hôm 21/1.

Những động thái mạnh mẽ được cho là bước khởi đầu trong nỗ lực cải tổ lại bộ máy điều hành đất nước trong nhiệm kỳ tới của ông Trump, nhằm đảm bảo những người làm việc trong chính phủ sẽ “toàn tâm toàn ý” với Tổng thống mới. Ông Trump từ lâu đã phàn nàn rằng chính quyền đầu tiên của mình hoạt động không hiệu quả là liên tục vấp phải sự cản trở từ Bộ Tư pháp và cộng đồng tình báo.

Việc tân Tổng thống sắp xếp lại bộ máy chính quyền sau khi nhậm chức là hoàn toàn bình thường. Cụ thể, các đời Tổng thống trước đó từng đưa ra một số thay đổi nhân sự trong các tòa án tiểu bang trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, những động thái mạnh mẽ của ông Trump lại khiến các nhà quan sát lo ngại. Trong thông báo đầu tiên trên mạng xã hội Truth Social sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã sa thải 4 quan chức cấp cao và sẽ sa thải hơn 1.000 người khác trong chính quyền tiền nhiệm. Ngoài ra, ông chủ mới của Nhà Trắng cũng vừa ký thông qua gần 100 sắc lệnh hành pháp quan trọng, liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác nhau; bước đầu hiện thực hóa các cam kết khi tranh cử cũng như định hình chính sách của nước Mỹ trong 4 năm tới.

Những quyết định trên được đưa ra chỉ trong ngày đầu tiên nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Ngày đầu tiên của chúng tôi tại Nhà Trắng vẫn chưa kết thúc! Văn phòng Nhân sự Tổng thống đang tiến hành thẩm tra và loại bỏ hơn 1.000 cá nhân được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden - những người không phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi là "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump viết trong một bài đăng trên Truth Social vào sáng 21/1.

Nỗi lo sợ lan rộng bên trong chính quyền mới

Quyết định sa thải hàng loạt và ngay lập tức nhiều quan chức chính phủ của ông Trump đã để lại các khoảng trống khó lấp đầy bên trong chính quyền Mỹ. Tại Cục Điều tra Liên bang FBI, đặc vụ cấp cao Brian Driscoll – người hiện đang phụ trách Văn phòng Newark Field, đã được bổ nhiệm làm giám đốc tạm quyền. Chính quyền Trump đã hứa sẽ cải tổ FBI, bắt đầu bằng việc bổ nhiệm đồng minh Kash Patel làm giám đốc cơ quan này. Nhóm của ông Trump cũng cân nhắc đưa một đồng minh khác vào vị trí “phó tướng” cho ông Patel, mà theo truyền thống là một đặc vụ FBI chuyên nghiệp.

Trong khi tân Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên thệ nhậm chức vào ngày 21/1, hơn chục viên chức đang giữ các chức vụ cấp cao đã được yêu cầu từ chức, CNN đưa tin. Nhiều người thậm chí đã nhận được yêu cầu rời đi ngay trước lễ nhậm chức. Mặc dù việc chính quyền mới bổ nhiệm các viên chức của mình vào các vị trí cấp cao là điều bình thường, tuy nhiên phạm vi và tốc độ thay thế nhân sự đang gióng lên hồi chuông báo động.

Phát biểu với các nhân viên Bộ Ngoại giao, ông Rubio cho biết sẽ có những “thay đổi” tại Bộ Ngoại giao, nhưng chúng không có ý định “trừng phạt” hoặc “phá hoại”. “Những thay đổi này là do chúng tôi cần trở thành một cơ quan hiệu quả hơn trong thế kỷ XXI”, ông Rubio nói.

Thế nhưng, tuyên bố này không ngăn được nỗi lo sợ đang lan truyền bên trong nội bộ chính quyền Mỹ.

“Tôi không biết bao giờ sẽ đến lượt mình”, một quan chức giấu tên chia sẻ với CNN.

Cả chánh án và cố vấn pháp lý làm việc tại Văn phòng điều hành rà soát di trú, hệ thống Tòa án di trú Quốc gia, cũng bị sa thải vào đầu tuần này. Vị trí của họ hiện được liệt kê là đang bỏ trống trên trang web của Bộ Tư pháp.

Nhiều quan chức khác cũng bày tỏ lo ngại rằng họ không biết ai sẽ là người tạm quyền điều hành các văn phòng hình sự, dân sự, an ninh quốc gia và dân quyền tại Bộ Tư pháp, đồng thời cảm thấy "mù mờ" về hiệu quả làm việc của các lãnh đạo tạm quyền.

Các sắc lệnh hành pháp của ông Trump thậm chí đã vấp phải nhiều sự phản kháng cứng rắn đến từ nội bộ chính quyền. Giám đốc Cục Nhà tù, bà Colette Peters tuyên bố rời bỏ vị trí này vào sáng 20/1, trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Bà đã phục vụ ở vị trí này trong hai năm rưỡi và phải đối mặt với khó khăn cực độ do thiếu hụt nhân sự và tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp. Phó giám đốc William Lathrop hiện là giám đốc tạm quyền.

Ông Paul Abbate, phó giám đốc FBI, đã tuyên bố vào đầu tuần này rằng ông sẽ nghỉ hưu ngay lập tức. Ông Abbate đã đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc của FBI nhưng cựu giám đốc Chris Wray - người đã từ chức vào tháng này sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ sa thải ông trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc - đã gia hạn cho Abbate tiếp tục làm việc đến tháng 4/2025 để đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ.

Nhận định về những sắc lệnh hành pháp của ông Trump, ông Yuval Levin, chuyên gia cấp cao tại Viện Doanh Nghiệp Mỹ cho biết: "Những sắc lệnh này là một động thái mang tính áp đảo nhằm ngăn chặn bất kỳ sự phản kháng nào”.

Theo ông Levin, còn quá sớm để xác định liệu ông Trump chỉ đơn thuần gửi thông điệp cảnh báo đến giới công chức – yêu cầu họ không cản trở chương trình nghị sự – hay đang tái cấu trúc bộ máy chính phủ nhằm phục vụ tuyệt đối lợi ích của chính quyền mới.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN, The Telegraph, The Hill

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nuoc-my-lo-ngai-truoc-ke-hoach-cai-to-chinh-quyen-cua-tong-thong-trump-post1150465.vov