Thấy gì khi chính quyền Trump chỉ công nhận hai giới tính 'nam và nữ'?
Sau khi nhậm chức tổng thống, ông Donald Trump đã ký lệnh hành pháp tuyên bố nước Mỹ chỉ có hai giới tính sinh học (nam và nữ), đồng thời dừng các chương trình DEI.
Hôm 20/1, Tổng thống Donald Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp tuyên bố rằng chính phủ Mỹ sẽ chỉ công nhận hai giới tính, nam và nữ, và chấm dứt các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) "cực đoan và lãng phí" trong các cơ quan liên bang.
Trong cuộc điện thoại vào sáng 20/1 trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nêu chi tiết cả hai lệnh, nhóm chúng vào chương trình nghị sự rộng hơn là "khôi phục sự tỉnh táo" (restoring sanity) của chính quyền Trump.
Sắc lệnh hai giới tính
Sắc lệnh về giới nêu rõ rằng nó sẽ "bảo vệ quyền phụ nữ và bảo vệ quyền tự do ý thức bằng cách sử dụng ngôn ngữ, chính sách rõ ràng, chính xác, công nhận phụ nữ về mặt sinh học là nữ và nam giới về mặt sinh học là nam".
Sắc lệnh này yêu cầu chính quyền liên bang phải sử dụng thuật ngữ "sex" thay vì "gender", và chỉ đạo Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa "yêu cầu các giấy tờ tùy thân do chính phủ cấp, bao gồm hộ chiếu, thị thực và thẻ Nhập cảnh Toàn cầu, phải phản ánh chính xác 'sex' của người sở hữu".
"Sex" là giới tính sinh học được chỉ định cho một người lúc sinh dựa trên những cơ quan sinh sản (reproductive organs) có trên cơ thể người đó khi họ được sinh ra. Còn "gender" (giới) vượt ra ngoài ý nghĩa chỉ các cơ quan sinh sản; bao gồm cả nhận thức, hiểu biết và kinh nghiệm của một người và vai trò của mình trong xã hội. Giới là cảm giác bên trong của một người về mình là ai và cách người ấy muốn tương tác với thế giới.
Theo sắc lệnh mới việc xóa bỏ "sex" và sử dụng "gender" trong ngôn ngữ và chính sách "có tác động ăn mòn không chỉ đối với phụ nữ mà còn đối với tính hợp lệ của toàn bộ hệ thống Mỹ". "Việc xây dựng chính sách của liên bang dựa trên sự thật là rất quan trọng đối với nghiên cứu khoa học, an toàn công cộng, tinh thần và lòng tin vào chính phủ".
Vào năm 2022, chính quyền Biden đã cho phép công dân Mỹ có thể chọn "X", tức không xác định giới tính, trên hộ chiếu của họ. Hôm 21/1, một trang trên website của Bộ Ngoại giao trước đây có hướng dẫn về việc cập nhật điểm đánh dấu giới tính trên hộ chiếu đã không còn truy cập được nữa, thay vào đó chuyển hướng đến trang hộ chiếu chung của Mỹ.
Sắc lệnh hai giới tính còn "ngăn chặn việc sử dụng tiền đóng thuế của người nộp thuế cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyển đổi giới tính và đảm bảo rằng những không gian dành riêng cho một giới tính, chẳng hạn như nhà tù và nơi trú ẩn cho nạn nhân bị hiếp dâm, được chỉ định theo giới tính sinh học chứ không phải bản dạng giới (gender identity)".
Cuối cùng, sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang hủy bỏ tất cả tài liệu hướng dẫn không phù hợp, bao gồm các tài liệu có tiêu đề: "White House Toolkit on Transgender Equality" (tạm dịch: Bộ công cụ của Nhà Trắng về bình đẳng chuyển giới), "Supporting Transgender Youth in School" (Hỗ trợ thanh thiếu niên chuyển giới trong trường học) và "Confronting Anti-LGBTQI+ Harassment in Schools: A Resource for Students and Families" (Đối đầu với nạn quấy rối chống lại cộng đồng LGBTQI+ trong trường học: Nguồn lực dành cho học sinh và gia đình).
Hủy bỏ DEI
Ông Trump vận động tranh cử bằng cách bãi bỏ các biện pháp bảo vệ người chuyển giới, người phi nhị nguyên giới và nhấn mạnh vấn đề này trong các quảng cáo trên truyền hình. Một quảng cáo như vậy được phát sóng thường xuyên ở các tiểu bang dao động quan trọng như Pennsylvania - nơi ông Trump đã đánh bại cựu Phó Tổng thống Kamala Harris.
"Kamala is for they/them. President Trump is for you" (tạm dịch: Kamala là vì họ. Tổng thống Trump là vì bạn), quảng cáo đáng chú ý nhất cho biết.
Sắc lệnh thứ hai sẽ chấm dứt những gì được mô tả là chính sách, quan điểm và văn phòng DEI "phân biệt đối xử" của chính phủ liên bang trong vòng 60 ngày, đặc biệt chú ý đến các chương trình công lý môi trường và các khoản tài trợ liên quan đến công bằng.
Theo lệnh, chính quyền mới sẽ tổ chức các cuộc họp hàng tháng với các phó thư ký của các cơ quan chủ chốt để "lắng nghe báo cáo về tình trạng phổ biến và chi phí kinh tế, xã hội của DEI".
Trong một cuộc điện thoại trước khi lệnh DEI được ký, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết "rất phù hợp" khi lệnh được ký vào Ngày Martin Luther King Jr. vì "mục đích của lệnh là quay trở lại với lời hứa và hy vọng mà những nhà đấu tranh cho quyền công dân đã nêu ra, rằng một ngày nào đó tất cả người Mỹ có thể được đối xử dựa trên phẩm chất, chứ không phải dựa trên màu da của họ".
Trong những năm gần đây, ông Trump đã chỉ trích các sáng kiến DEI trên khắp xã hội Mỹ, coi chúng là phân biệt đối xử.
Ông Trump đã nhắc đến các lệnh này trong bài phát biểu nhậm chức của mình hôm 20/1, một phần nói rằng chính quyền của ông sẽ phản đối những gì ông mô tả là nỗ lực "xây dựng xã hội về chủng tộc và giới tính trong mọi khía cạnh của đời sống công cộng và riêng tư". Ông nói thêm rằng chính quyền của ông sẽ "xây dựng một xã hội không phân biệt màu da và dựa trên năng lực".
Tuy nhiên, những người ủng hộ DEI trong xã hội Mỹ cho rằng những sáng kiến như vậy rất cần thiết để giúp các công ty, trường học, cơ quan chính phủ và các tổ chức khác có tính bao trùm hơn về mặt chủng tộc và xã hội.
Trong những tuần trước khi ông Trump trở lại nắm quyền, các tập đoàn lớn như Meta, McDonald's và Walmart đã tuyên bố họ sẽ chấm dứt một số hoặc toàn bộ các hoạt động đa dạng hóa của mình.
Jin Hee Lee, giám đốc sáng kiến chiến lược của NAACP Legal Defense Fund, cho biết có những câu hỏi rằng chính xác những chương trình DEI nào sẽ bị chấm dứt. Bà cho biết nhóm đã sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động nào để ngăn chặn sự phân biệt đối xử, bao gồm cả việc thách thức lệnh này tại tòa án.
Lee cho biết động thái cấm "bất cứ điều gì liên quan đến nỗ lực giải quyết bất bình đẳng" sẽ là "một bước thụt lùi thực sự về mặt thúc đẩy công lý chủng tộc". Bà nói thêm rằng "bất kỳ tổng thống mới nào cũng có thể thiết lập các chính sách cho chính quyền liên bang" nhưng sẽ rất đáng lo ngại nếu người sử dụng lao động hoặc chính phủ được phép "phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc hoặc giới tính".
Tác động
Jennifer C. Pizer, giám đốc pháp lý tại Lambda Legal - tổ chức dân quyền chuyên thay mặt kiện tụng cho người LGBTQ tại Mỹ, cho biết bà hy vọng tổ chức của bà và những tổ chức khác sẽ kiện chính quyền về các hành động của cơ quan hành pháp.
"Không thể thay đổi thực tế về con người và sự thật rằng chúng ta là một cộng đồng con người tồn tại. Chúng ta có quyền được bảo vệ bình đẳng, giống như bất kỳ ai khác", Pizer nói.
Một luật sư và chuyên gia pháp lý khác trong cộng đồng LGBTQ cho biết mặc dù sắc lệnh hành pháp của ông Trump về bản dạng giới chắc chắn sẽ bị thách thức tại tòa án, nhưng chính quyền vẫn có thể thi hành sắc lệnh và trong một số trường hợp, có thể thực hiện những thay đổi ngay lập tức.
Chuyên gia, người yêu cầu không nêu tên, lưu ý rằng các nhà tù, nơi trú ẩn cho người di cư và nơi trú ẩn cho người bị hiếp dâm có thể ngay lập tức bắt đầu chuyển những người chuyển giới vào những không gian phù hợp với giới tính khi sinh ra của họ thay vì bản dạng giới của họ. Điều đó có nghĩa là, ví dụ, những phụ nữ chuyển giới đang thụ án trong các nhà tù dành cho nữ có thể sớm được chuyển đến các nhà tù dành cho nam.
Luật sư này cũng cho biết người chuyển giới ở Mỹ - đặc biệt là những người có giới tính X trên các giấy tờ liên bang như hộ chiếu - nên thận trọng khi rời khỏi đất nước, vì họ có thể gặp khó khăn khi nhập cảnh trở lại Mỹ.
Luật sư cho biết, nếu nhân viên Hải quan và Biên giới không thể nhập mã giới tính X của một người vào hệ thống để cho phép người đó quay trở lại Mỹ, điều đó có nghĩa là người đó sẽ vẫn bị Cơ quan Hải quan và Biên phòng giam giữ "cho đến khi họ có thể làm việc với Bộ Ngoại giao để cấp một ID thay thế".
Tuy nhiên, một số thay đổi - chẳng hạn như cách các cơ quan xử lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới ở Mỹ hoặc cách Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị bảo vệ người thuê nhà chuyển giới khỏi bị chủ nhà đuổi - có thể mất nhiều thời gian hơn để thực hiện vì các cơ quan sẽ phải trải qua một quá trình kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm để thay đổi các quy tắc quản lý.
Trong một số trường hợp, chuyên gia pháp lý cho biết, "các cơ quan sẽ mất thời gian để ban hành Thông báo về Quy định được đề xuất, xem xét các ý kiến, đây là một phần trong những gì họ có nghĩa vụ pháp lý phải làm, và phản hồi mọi thiếu sót, sau đó công bố quy định cuối cùng".
Sau khi lệnh thách thức pháp lý dự kiến được đệ trình, tòa án có thể chặn việc thực hiện lệnh bằng cách ban hành lệnh cấm. Nhưng thẩm phán cũng có thể quyết định cho phép lệnh được thực hiện khi các thách thức pháp lý được đưa ra tòa án, bao gồm cả Tòa án Tối cao - nơi có thể đứng về phía chính quyền Trump.