Nước Mỹ mất những gì sau khi JFK bị ám sát

Cái chết bất ngờ do bị ám sát của Kennedy dường như tước đoạt đi một tương lai tốt đẹp hơn của nước Mỹ và thế giới.

 Tổng thống Kennedy cùng vợ Jacqueline, ngồi phía sau thống đốc bang Texas John Connally và vợ của ông Nellie, trên đoàn xe hộ tống tổng thống, vài phút trước khi vụ ám sát xảy ra. Nguồn: wikipedia.

Tổng thống Kennedy cùng vợ Jacqueline, ngồi phía sau thống đốc bang Texas John Connally và vợ của ông Nellie, trên đoàn xe hộ tống tổng thống, vài phút trước khi vụ ám sát xảy ra. Nguồn: wikipedia.

Sau khi một đám đông các phần tử bảo thủ cực đoan đe dọa và tấn công Adlai Stevenson trong một chuyến thăm tới Dallas vào ngày 24 tháng 10, một vài bạn hữu của Kennedy đã lo ngại là liệu ông có nên mạo hiểm đến thăm thành phố này không.

Ngày 4 tháng 11, Byron Skelton, một thành viên Ủy ban Quốc gia Dân chủ ở Texas, đã gửi cho Bobby một bài báo về tướng về hưu Edwin Walker nói rằng “Kennedy mắc nợ thế giới tự do. Một người dám tuyên bố như vậy có thể sẽ gây phương hại cho Tổng thống”, Skelton khuyên. “Tôi cảm thấy tốt hơn là Tổng thống không nên tới Dallas. Xin hãy nghiêm túc cân nhắc việc này”.

Bobby đã chuyển bức thư cho O’Donnel, nhưng O’Donnel lại kết luận rằng “việc chuyển bức thư này cho Tổng thống sẽ làm mất thì giờ của ông”. Kennedy sẽ nghĩ ông ta bị điên nếu ông ta đề xuất “bỏ một thành phố lớn và quan trọng như Dallas khỏi chương trình dự định chỉ vì nghe theo bức thư của Skelton”.

Một quảng cáo của Hiệp hội John Birch trên tờ Dallas Morning News vào ngày 22 tháng 11 càng củng cố thêm lo ngại này. Quảng cáo buộc tội Kennedy là đã quá mềm mỏng với chủ nghĩa cộng sản, trong khi cho phép em trai của mình khởi tố những người Mỹ trung thành công kích chính quyền. Nó còn ám chỉ anh em nhà Kennedy là những người thân cộng sản.

Khi ông cho Jackie xem quảng cáo này, Tổng thống nói: “Hôm nay, chúng ta đang tiến vào một khu vực bất ổn. Nhưng Jackie ạ, nếu có ai đó muốn nhắm bắn vào anh từ một khung cửa sổ bằng một khẩu súng trường, thì không ai có thể ngăn chặn được, vậy tại sao phải lo lắng về điều đó?”.

Dĩ nhiên, các biện pháp bảo đảm an ninh có thể được triển khai, nhưng trong kế hoạch bảo vệ Tổng thống khỏi các nguy cơ đe dọa tiềm ẩn trong chuyến đi của ông đến Texas và Dallas, thì Cơ quan Mật vụ và FBI lo lắng quá nhiều về các phần tử cực hữu mà lại chú ý quá ít tới khả năng có một vụ mưu sát từ các phần tử cánh tả cực đoan.

Do đó, không cơ quan nào chú ý tới Lee Harvey Oswald, một phần tử thần kinh không ổn định [...], là kẻ có thể đe dọa Tổng thống.

Nếu người ta chú ý đến sự di chuyển của Oswald, thì họ đã có thể nhận thấy sự có mặt của hắn ta ở Dallas, nơi hắn ta làm việc tại tòa nhà Dealey Plaza của Trung tâm Lưu kí Sách Trường học Texas, nơi có thể nhìn thấy đoàn xe của Kennedy. Nếu hắn ta là một đối tượng đáng lo ngại, thì họ đã chú ý đến hóa đơn hắn ta mua một khẩu súng bắn tỉa của Ý ngay sau khi tin tức về chuyến đi của Tổng thống được công bố.

Không bị ngăn cản bởi bất kì một cơ quan đặc vụ nào và có lẽ bị kích động bởi nỗi oán giận với biểu tượng của quyền lực, thành công và sự nổi tiếng mà hắn ta khao khát nhưng không bao giờ có được, Oswald đã nổ ba phát súng từ cửa sổ tầng sáu của tòa nhà vào chiếc xe mui trần chở Tổng thống.

Viên đạn thứ hai đã trúng vào gáy của Kennedy. Nếu không có cái nẹp lưng giúp ông đứng thẳng, viên đạn thứ ba chí mạng sẽ không thể trúng đích. Vào lúc 1 giờ chiều múi giờ miền Trung nước Mỹ, một tiếng rưỡi sau vụ tấn công, các bác sỹ ở bệnh viện Parkland Memorial của Dallas đã thông báo với vợ của Kennedy rằng Tổng thống đã qua đời.

Cái chết của Kennedy đã gây sốc cho cả đất nước mạnh hơn bất kì sự kiện nào kể từ cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng tháng 12 năm 1941. Vụ ám sát đã tạo ra một nỗi đau vô bờ đối với người Mỹ còn lớn hơn cả vụ ám sát Lincoln, James A. Garfield và William McKinley, hoặc hơn cả cái chết đột ngột của FDR vào tháng 4 năm 1945.

Dù vụ ám sát Lincohn có đau thương đến đâu, bốn năm Nội chiến đẫm máu, cướp đi 620.000 sinh mạng, đã phần nào làm giảm nỗi đau thương của người Mỹ trước cái chết của Tổng thống lúc đó. Cứ như thể cái chết của Lincoln đã được báo trước, đỉnh điểm của cuộc chiến bốn năm thử thách khả năng tồn tại của đất nước.

Các vụ ám sát Garfield và McKinley là những vụ tấn công tổng thống đang suy yếu về mặt chính trị và không có nhiều cống hiến cho đất nước bằng FDR hay Kennedy. Chiến thắng đang đến gần trong Thế chiến II khiến sự ra đi của Roosevelt bớt đau thương hơn là nếu ông ra đi lúc cuộc chiến đang ở đỉnh điểm, khi việc mất đi sự lãnh đạo của ông sẽ làm nước Mỹ khó lòng vượt qua được cuộc chiến.

Ngược lại, cái chết bất ngờ do bị ám sát của Kennedy dường như tước đoạt đi một tương lai tốt đẹp hơn của nước Mỹ và thế giới. Bất chấp những đánh giá sai lầm ban đầu về dự luật quyền dân sự,[...] các hoạt động của Kennedy sau đó đã làm tăng kì vọng rằng ông có thể cải thiện tình hình của các vấn đề thế giới.

Mong muốn rõ ràng của ông về việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, và về việc nâng cao mức sống ở khắp mọi nơi đã gây ấn tượng to lớn với mọi người, không chỉ đơn giản là lời hứa về nền hòa bình thông thường và sự thịnh vượng như bao chính trị gia, mà là sản phẩm từ lòng tin vững chắc của ông.

Khi ông đề xuất cắt giảm thuế và các điều luật bảo đảm đối xử công bằng trong Hiến pháp, điều đó dường như thật mới mẻ, táo bạo và hứa hẹn thúc đẩy quốc gia trở nên tốt đẹp hơn.

Khi ông cảnh báo về cuộc chạy đua hạt nhân và hối thúc một hiệp ước hạn chế, ông có lẽ không chỉ muốn bảo vệ các quyền lợi của quốc gia, mà còn lập luận nhân văn cho cuộc đấu tranh chống lại sự sợ hãi, lòng hận thù và chiến tranh.

Robert Dallek / Tân Việt Books - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/nuoc-my-mat-nhung-gi-sau-khi-jfk-bi-am-sat-post1456025.html