Nước Mỹ rúng động và thế giới ngỡ ngàng trước việc ông Trump bị bắn

Một vụ nổ súng đã xảy ra tại sự kiện vận động cử tri của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Butter, Pennsylvania ngày 13-7 (giờ Mỹ), khiến ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa bị thương. Vụ việc khiến cả nước Mỹ rúng động và thế giới ngỡ ngàng.

Theo CNN, sự việc xảy ta khi ông Trump bắt đầu bài phát biểu được khoảng 10 phút. Ít nhất 8 tiếng súng đã vang lên. Ngay lập tức, ông Trump ngã xuống đất. Các nhân viên Mật vụ đã nhanh chóng phản ứng bằng các biện pháp bảo vệ và đưa ông Trump rời khỏi sân khấu. Có thể thấy rõ trên mặt và tai ông Trump có vết máu. Cựu Tổng thống Mỹ sau đó được đưa lên một chiếc xe và sơ tán khỏi hiện trường. "Chúng tôi nghe thấy một loạt tiếng nổ. Lúc đầu tôi nghĩ: Đó có phải là pháo hoa không? Đột nhiên mọi người bắt đầu la hét", phóng viên Alayna Treene của CNN có mặt tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump cho biết.

Ông Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi sân khấu của sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau vụ nổ súng. Ảnh: AP

Ông Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi sân khấu của sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau vụ nổ súng. Ảnh: AP

Mật vụ Mỹ xác nhận, ông Trump vẫn an toàn sau sự cố tại cuộc vận động tranh cử của ông. "Một sự cố xảy ra vào tối ngày 13-7 tại một cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Pennsylvania. Cơ quan Mật vụ đã thực hiện các biện pháp bảo vệ và cựu Tổng thống vẫn an toàn. Chúng tôi đang tích cực điều tra sự việc và sẽ công bố thông tin khi có kết quả", Anthony Guglielmi, giám đốc truyền thông của Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết.

Vụ nổ súng khiến 1 người tham dự thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng. Tay súng cũng bị Mật vụ bắn hạ. Cả ba nạn nhân đều là nam giới.

Âm mưu ám sát

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng, vụ nổ súng vào cuộc vận động tranh cử của ông Trump là âm mưu ám sát. Trong một phát biểu đưa ra tại cuộc họp báo hôm 14-7, ông Kevin Rojek, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI ở Pittsburgh, cho biết: "Tối nay, chúng ta đã chứng kiến cái mà chúng tôi gọi là vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump".

FBI sau đó thông báo đã xác nhận nghi phạm trong vụ nổ súng là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống ở Bethel Park, bang Pennsylvania. Ông Rojek cho biết FBI xác định danh tính tay súng thông qua "thực hiện xác nhận sinh trắc học" vì nghi phạm không mang theo giấy tờ tùy thân. Khi được hỏi liệu các nhà chức trách có thể xác định loại súng nào được nghi phạm sử dụng hoặc bao nhiêu phát súng đã được bắn trong vụ tấn công hay không, ông Rojek cho biết các nhà chức trách hiện không có thông tin.

Các nhà chức trách cũng đang điều tra quá trình diễn ra vụ nổ súng, bao gồm thông tin từ các nhân chứng rằng họ nhìn thấy tay súng trèo lên mái nhà. Một nhân chứng nói với BBC News rằng anh đã nhìn thấy nghi phạm cầm súng trường trên mái nhà, đồng thời cố gắng thông báo cho cảnh sát trước khi vụ việc xảy ra. Mật vụ Mỹ cũng xác nhận nghi phạm bắn ông Trump từ một vị trí ở "trên cao". ABC News dẫn nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật cho biết, nghi phạm đã đứng trên mái nhà và sử dụng một khẩu súng trường để tấn công mục tiêu trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Nguồn tin nói rằng nghi phạm chỉ đứng cách nơi diễn ra sự kiện 200-300m trước khi nổ súng. "Sẽ có một cuộc điều tra kéo dài về chính xác những gì đã xảy ra và làm thế nào đối tượng có thể tiếp cận địa điểm, cũng như loại vũ khí mà anh ta có. Tất cả quá trình này sẽ kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng điều tra", quan chức FBI nói thêm.

Ông Trump lên tiếng

Sau vụ nổ súng, trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã cảm ơn Cơ quan Mật vụ Mỹ và tất cả cơ quan thực thi pháp luật vì phản ứng nhanh chóng của họ trong vụ nổ súng. Ứng cử viên đảng Cộng hòa cho biết phần trên tai phải của ông bị một viên đạn bắn xuyên qua. Ông Trump viết: "Tôi biết ngay rằng có điều gì đó không ổn khi tôi nghe thấy một tiếng rít, tiếng súng và ngay lập tức cảm thấy viên đạn xé toạc da. Máu chảy nhiều, nên tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra". "Một viên đạn bắn xuyên qua phần trên tai phải của tôi", ông Trump cho biết thêm. Cựu Tổng thống Mỹ thừa nhận ông "không thể tin được hành động như vậy lại có thể xảy ra" ở Mỹ. Ông gửi lời chia buồn tới gia đình của người thiệt mạng và người bị thương tại cuộc vận động tranh cử.

Ông Trump giơ cao nắm đấm sau khi bị bắn. Ảnh: AP

Ông Trump giơ cao nắm đấm sau khi bị bắn. Ảnh: AP

Trong thông báo sau đó, Ban vận động tranh cử của ông Trump và Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa xác nhận cựu Tổng thống vẫn ổn, đồng thời ra tuyên bố thông báo ông Trump sẽ tiếp tục hướng tới Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 18-7 tới, để chọn ra ứng viên tranh cử tổng thống và người đồng hành vào chức phó tổng thống trong tương lai.

Ông Biden lên án vụ bạo lực

Nhà Trắng cho biết ngày 13-7 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Trump sau vụ nổ súng. Trong tuyên bố về vụ nổ súng, Tổng thống Biden nhấn mạnh đây hành vi mà tất cả mọi người cần lên án, đồng thời xác nhận đã nói chuyện với ông Trump sau khi vụ việc xảy ra. Ông khẳng định không thể để những vụ việc như vậy tiếp diễn.

Ngay sau vụ nổ súng, ông Biden đã rút ngắn chuyến nghỉ dưỡng tại Delaware để lên đường trở về thủ đô Washington. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã có cuộc thảo luận với Thống đốc bang Pennsylvania, Josh Shapiro và Thị trưởng thành phố Butler, Bob Dandoy về sự việc.

Trong một tuyên bố đưa lên mạng xã hội X vào sáng 14-7, Tổng thống Biden cho biết ông đã được thông báo tóm tắt về vụ nổ súng. Ông Biden viết: "Tôi rất biết ơn khi biết rằng ông ấy vẫn an toàn và khỏe mạnh. Trong khi chúng tôi đang chờ đợi thêm thông tin, tôi đang cầu nguyện cho ông ấy và gia đình ông ấy cũng như cho tất cả những người có mặt tại cuộc vận động tranh cử". Ông Biden nhấn mạnh, ở Mỹ không có chỗ cho bạo lực chính trị. "Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ. Cả nước chúng ta cần đoàn kết để lên án nó", ông viết.

Chính giới Mỹ lên án

Hàng loạt nghị sĩ và chính khách Mỹ, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Phó tổng thống Mỹ Harris Kamala, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley, cùng hàng loạt thống đốc và chính trị gia Mỹ đã lên án vụ việc. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã lên án vụ nổ súng và cầu nguyện ông Trump cùng tất cả mọi người có mặt tại sự kiện được an toàn. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho biết đã choáng váng khi biết tin về vụ việc, đồng thời nhấn mạnh bạo lực chính trị "không được phép tồn tại" ở Mỹ. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cũng lên án vụ xả súng và tuyên bố bạo lực chính trị sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Suýt đẩy Mỹ vào hỗn loạn

Theo các chuyên gia, Mỹ có thể sẽ đối mặt nguy cơ bạo lực nghiêm trọng, thậm chí nội chiến thảm khốc, nếu tay súng gây thương tích nặng cho ông Trump trong vụ nổ súng. Nếu viên đạn đi chệch một vài ly, tình hình có thể rất khác. "Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi nghe tin là nước Mỹ chỉ cách bờ vực nội chiến một inch. Nếu hôm nay ông Trump thực sự bị thương nặng, mức độ bạo lực mà chúng ta chứng kiến từ trước đến nay sẽ chẳng là gì so với những gì xảy ra trong vài tháng tới. Tôi nghĩ sự việc sẽ châm ngòi cho làn sóng giận dữ, thất vọng, oán giận và thù địch mới mà chúng ta chưa từng thấy rất nhiều năm ở Mỹ", Arie Perliger, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Massachusetts, nói với Conversation.

Theo Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, việc nhắm mục tiêu vào cựu tổng thống tại cuộc vận động tranh cử được xem là cuộc tấn công vào nền dân chủ và quyền lựa chọn lãnh đạo của mỗi người Mỹ. Joseph Meyn, người ủng hộ ông Trump tại cuộc vận động ở Pennsylvania, cho biết vụ tấn công là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang bị nhấn chìm trong cơn thịnh nộ chính trị.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ chia rẽ như hiện tại, vụ ám sát hụt chắc chắn sẽ gây ra những hệ quả chính trị nghiêm trọng. "Ông Trump đã được người ủng hộ coi là anh hùng bất khả chiến bại và được tôn sùng tại các cuộc vận động tranh cử. Hình ảnh ông như một chiến binh liên tục bị kẻ thù tấn công giờ càng trở nên đậm nét hơn", Collinson cho hay. Bức ảnh chụp ông Trump với máu trên tai và má, giơ cao nắm đấm lên trời với lá cờ Mỹ ở phía sau trong lúc được các mật vụ hộ tống rời sân khấu đã lập tức trở thành biểu tượng. Các chuyên gia cho rằng những khoảnh khắc như vậy sẽ đi vào lịch sử và tô điểm thêm huyền thoại về ông Trump trong lòng những người ủng hộ.

Vụ ám sát hụt cũng có thể gây ra những tác động khó lường trong chiến dịch tranh cử tổng thống vốn đã rất hỗn loạn của Mỹ. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết vẫn giữ kế hoạch tổ chức đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 15-7. Tuy nhiên, vụ nổ súng chắc chắn sẽ làm thay đổi thông điệp và giọng điệu, cũng như vấn đề an ninh của sự kiện.

Trong khi đó, Tổng thống Biden có thể đối mặt nhiều thách thức sau vụ ám sát hụt Trump. Giới chức chưa công bố động cơ nổ súng của nghi phạm Crooks, nhưng nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã nhanh chóng đổ lỗi cho đảng Dân chủ và Tổng thống Biden. Thượng nghị sĩ J.D.Vance viết trên mạng xã hội: "Chiến dịch tranh cử của ông Biden luôn hô hào rằng ông Trump là kẻ phát xít độc tài và phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Những lời lẽ này đã trực tiếp dẫn tới vụ ám sát ông Trump", Vance viết. Thượng nghị sĩ Tim Scott, đồng minh của ông Trump, cũng chung quan điểm. "Hãy làm rõ, đây là một âm mưu ám sát được hỗ trợ và tiếp tay bởi phe cánh tả cực đoan và giới truyền thông khi liên tục gọi ông Trump là mối đe dọa với nền dân chủ, là kẻ phát xít, thậm chí dùng những lời lẽ nghiêm trọng hơn", Scott viết trên mạng xã hội. Chris LaCivita, cố vấn hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, cũng cho rằng những hành động mà kẻ thù chính trị của ông Trump đã làm đều nhằm "hủy hoại chiến dịch của ông".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nuoc-my-rung-dong-va-the-gioi-ngo-ngang-truoc-viec-ong-trump-bi-ban-post298043.html