Nước nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới?
Nhiều quốc gia đang cạnh tranh để trở thành 'cộng một' trong chiến lược 'Trung Quốc + 1', đặc biệt là Việt Nam, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan và Malaysia.
Các công ty phương Tây đang tìm kiếm một phương án dự phòng thay thế Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới, với chiến lược được nhiều người gọi là “Trung Quốc + 1” và Ấn Độ đang nỗ lực để trở thành điểm đến thay đó.
Hiện chỉ Ấn Độ mới có lực lượng lao động và thị trường nội địa có quy mô tương đương với Trung Quốc. Theo Liên hợp quốc, Ấn Độ có thể trở thành nước có dân số lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, các nước phương Tây coi Ấn Độ là một đối tác tự nhiên và nước này đang nỗ lực để làm cho môi trường kinh doanh trở nên thân thiện hơn so với trước đây.
Các dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang thay thế Trung Quốc có thể nhìn thấy tại các khu công nghiệp rộng lớn ở Sriperumbudur, một thành phố ở miền Nam Tamil Nadu. Các nhà sản xuất nước ngoài ở đây từ lâu đã sản xuất ô tô và thiết bị cho thị trường Ấn Độ. Các khu công nghiệp này đang thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia sản xuất hàng hóa từ tấm pin mặt trời và tua-bin gió đến đồ chơi và giày dép, tất cả đều tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Trung Quốc.
Vào năm 2021, công ty Vestas của Đan Mạch, một trong những nhà sản xuất tua-bin gió lớn nhất thế giới, đã xây dựng hai nhà máy mới ở Sriperumbudur. Sáu dây chuyền lắp ráp của công ty này hiện đang lắp ráp các thiết bị quan trọng để chuyển đi khắp thế giới.
Dự báo rằng Ấn Độ sẽ sớm trở thành thị trường lớn thứ hai về tua-bin gió đã thúc đẩy việc mở rộng của Vestas. Charles McCall, người giám sát việc mở rộng với tư cách là Giám đốc cấp cao của Vestas Assembly India, cho biết, đó cũng là một nỗ lực có chủ ý nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc, nơi diễn ra phần lớn hoạt động sản xuất trong khu vực, đặc biệt là sau nhiều lần phong tỏa theo chính sách “Zero-COVID” của Bắc Kinh. “Chúng tôi không muốn tất cả trứng vào một giỏ ở Trung Quốc”, ông McCall nói.
Hiện Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, một vị trí đã được củng cố khi các công ty đa quốc gia tràn vào sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Nhưng ngày càng có nhiều yếu tố khiến các công ty phải tìm kiếm giải pháp dự phòng.
Yếu tố đầu tiên là chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc và áp lực từ chính phủ nước này trong việc chuyển giao công nghệ. Sau đó là thuế quan của Chính quyền Donald Trump đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2018, các đợt phong tỏa do COVID-19 từ năm 2020 đến năm ngoái, và giờ đây là sự thúc đẩy của các chính phủ phương Tây nhằm “tách rời” nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia đang cạnh tranh để trở thành “cộng một” trong chiến lược “Trung Quốc + 1”, đặc biệt là Việt Nam, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan và Malaysia.
Để cạnh tranh, Ấn Độ cần phải vượt qua những vấn đề cố hữu đã khiến nước này trở thành một thành viên nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lực lượng lao động của Ấn Độ hầu hết vẫn thiếu kỹ năng, cơ sở hạ tầng kém phát triển và môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện, sản xuất vẫn còn nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Ấn Độ.
Sau nhiều thập kỷ, các vấn đề trên của Ấn Độ hiện đang có tiến bộ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu hàng chế tạo của nước này chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc vào năm 2021, nhưng lại vượt qua tất cả các thị trường mới nổi khác ngoại trừ Mexico và Việt Nam.
Mức tăng lớn nhất là trong lĩnh vực điện tử, nơi xuất khẩu đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2018 lên 23 tỷ USD trong năm tính đến tháng 3/2023. Theo số liệu của ngân hàng trung ương Ấn Độ, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này đạt trung bình 42 tỷ USD hàng năm từ năm 2020 đến năm 2022, tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố sự hợp tác “không giới hạn” với Nga trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thông qua “kết bạn”, Mỹ đang “tăng cường hợp tác với nhiều đối tác thương mại đáng tin cậy – trong đó có Ấn Độ”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong chuyến thăm tới New Delhi vào tháng 2/2023.
Ấn Độ cũng đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ”, một nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất. Ấn Độ đã số hóa nhiều dịch vụ của chính phủ và tăng tốc xây dựng đường sắt, sân bay, cảng vận chuyển container và nhà máy điện.
Sasikumar Gendham, Giám đốc điều hành công ty Salcomp của Phần Lan, nhà sản xuất và cung cấp bộ sạc điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, cho biết Ấn Độ đã áp dụng các khoản giảm thuế và hải quan cho hàng xuất khẩu vào năm 2015 và tiếp tục điều chỉnh vào năm 2021, trong khi các khoản giảm thuế hải quan là “điểm kích hoạt cho toàn bộ ngành công nghiệp điện tử” của Ấn Độ.