Nước sạch sông Đà có đảm bảo như Hà Nội đã thông báo?
Sau khi, UBND TP.Hà Nội thông báo chất lượng nước của Nhà máy nước sạch sông Đà đã đạt chuẩn, có thể dùng để ăn uống, nhiều người dân vẫn chưa tin tưởng về vấn đề này, họ vẫn sợ nguồn nước có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Như đã thông tin, ngày 22/10, TP.Hà Nội cho biết, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn của bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.
Về chất lượng nước, ông Vũ Đăng Định - Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật lấy mẫu nước tại đầu nguồn, nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy nước sông Đà gồm (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai) để xét nghiệm hàng ngày.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa tin tưởng về vấn đề này, họ vẫn ghê sợ khi sử dụng nguồn nước này “có thể” vẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn quản lý, kiểm tra đối với đối với nguồn nước của nhà máy nước sông Đà cung cấp, đại diện sở Y tế cho biết: “Ngày nào sở cũng làm xét nghiệm và báo đến cáo các cơ quan, từ khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật lấy mẫu nước tại đầu nguồn, nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy nước sông Đà gồm (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai) để xét nghiệm đến hết ngày 30/10. Chúng tôi đã thực hiện và đã báo cáo UBND TP xem có đạt chất lượng hay không”.
Theo thông báo kết quả xét nghiệm Sở Y tế Hà Nội Ngày (19/10), 4 mẫu nước của Nhà máy nước sông Đà và 15 mẫu nước của các hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp nước sông Đà đều đạt ngưỡng an toàn.
Kết quả thông báo chất lượng nước Nhà máy nước sông Đà cho thấy 4 mẫu nước của Nhà máy nước Sông Đà được lấy tại các vị trí mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Bình Yên, Thạch Thất; Trạm điều tiết Tây Mỗ; Họng nước 1.200 ở Big C.
Kết quả xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01: 2009/BYT đều đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường-Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).
Ngoài ra, xét nghiệm 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của Nhà máy nước Sông Đà thuộc 5 quận, huyện: Thanh Xuân (cụ thể là phường Phương Liệt và phường Thanh Xuân Trung), quận Hoàng Mai (phường Đại Kim), quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch và phường Trung Hòa), quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì và phường Đại Mỗ) và huyện Hoài Đức (xã Di Trạch và xã Vân Côn) cũng cho kết quả cả 15/15 mẫu đều đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Được biết, kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 5 của Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này phải được đơn vị cấp nước công khai trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả trên trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước (trường hợp không có trang thông tin điện tử, đơn vị cấp nước phải dán thông báo trước cổng trụ sở) các nội dung: Tổng số mẫu nước thử nghiệm và các vị trí lấy mẫu, các thông số và kết quả thử nghiệm cụ thể của từng mẫu nước, biện pháp và thời gian khắc phục các thông số không đạt quy chuẩn.
Theo đại diện sở Y tế, sở là đơn vị giám sát chất lượng nước, giám sát ngoại kiểm và tự kiểm tra rồi gửi mẫu theo đúng quy định, thông tư số 41/2018/TT-BYT. Ngoài ra, nếu như có sự cố xảy ra thì đơn vị chịu trách nhiệm sẽ là đơn vị quán lý về vấn đề này là sở Xây dựng Hà Nội trực thuộc.
Trước đó, ông Định cho biết, sau khi xảy ra sự cố Công ty nước sạch sông Đà đã mời Trung tâm ứng phó sự cố Tràn dầu - Hóa chất để thực hiện xử lý dầu ngấm vào đất bằng việc bóc lớp đất thấm dầu, thu gom để xử lý, phun vi sinh thấm dầu; lắp đặt phao chuyên dụng ngăn dầu, hút dầu tại suối Bằng và kênh dẫn nước vào công trình thu, trạm bơm cấp I của Nhà máy nước sông Đà. Đã tổ chức nạo vét toàn bộ đất, bùn nhiễm dầu thải tại khu vực các đối tượng đã đổ dầu thải.