Nuôi cá trên đất một vụ lúa chiêm thu nhập gấp 3 lần trồng lúa

Từ năm 2015 đến nay, sau khi áp dụng mô hình 'Nuôi cá thời vụ trên đất một vụ lúa chiêm' ở xã miền núi Hà Lĩnh (Hà Trung) đã tạo ra 'bước đột phá' tích cực. Mỗi năm một bộ phận nông dân thu lợi hàng tỷ đồng và gấp 3 lần trồng lúa từ mô hình này. Đây cũng là một trong số rất ít xã trên địa bàn có diện tích cấy lúa kết hợp nuôi cá nhiều nhất (350 ha) ở huyện Hà Trung.

Niềm vui thu hoạch cá của nông dân thôn Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung).

Được biết, cánh đồng có diện tích 350 ha này chiếm tới 70% diện tích vụ chiêm và 43,75 tổng diện tích lúa của toàn xã nhưng chỉ sản xuất được một vụ lúa chiêm. Nguyên nhân chính là do địa hình tự nhiên ở vào vị trí bất lợi, nguồn nước tưới chủ yếu là nước đệm, ngoài ra lấy từ nguồn nước dự trữ ở các hồ, đập để sản xuất vụ lúa chiêm. Vụ mùa mưa lũ ngập trắng kéo dài, “thừa” nước không sản xuất được phải bỏ ruộng. Người dân thôn Tiên Hòa vẫn cứ ám ảnh về câu nói “sáng chống hạn, chiều chống ngập”, gây nên không ít khó khăn đến thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Thực trạng đó khiến cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều thế hệ luôn trăn trở tìm câu trả lời: “Làm thế nào để nâng cao đời sống cho Nhân dân?”.

Trước năm 2015, khi còn đang lúng túng trong cách nghĩ, cách làm thì có một bộ phận nông dân làm nghề đánh bắt cá theo kiểu tự phát đã tự bỏ vốn chung nhau sản xuất và ăn chia với nhau trên diện tích này... trở thành gợi ý để giải bài toán khó.

Mô hình “Nuôi cá thời vụ trên đất một vụ lúa chiêm” ra đời trên cơ sở thực tiễn đó. Với nhiều biện pháp tích cực, tình trạng thiếu nước sản xuất vụ chiêm đã sớm được khắc phục, giống lúa kém hiệu quả đã nhanh chóng được thay thế bằng các loại giống lúa xác nhận có chất lượng, giá trị cao, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học, nên năng suất lúa vụ chiêm đạt từ 76 - 80 tạ/ha.

Ngay sau khi lúa chiêm thu hoạch xong, bà con tham gia mô hình tổ chức sản xuất ngay vụ lúa chét né lụt (lúa tái sinh). Theo đó, toàn bộ diện tích ruộng rạ tiếp tục được chăm sóc, làm cỏ, bón phân, diệt khuẩn để tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt đến khi thu hoạch. Để bảo vệ an toàn sản xuất, bờ vùng bờ thửa được tu bổ, sửa sang khoanh vùng, treo biển cấm chăn thả trâu bò, các loại thủy cầm và đánh bắt thủy sản tự do. Sản xuất lúa chét (né lụt) để tận dụng thu nhập, năng suất chỉ đạt từ 70 - 100 kg/sào = 25% giá trị sản lượng so với vụ lúa chiêm, tuy nhiên ít công chăm bón, chi phí thấp... Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, toàn bộ diện tích lúa chét không thu hoạch mà để lại làm nguồn thức ăn cho cá như hiện nay.

Câu nói cửa miệng “Khoai Thanh Xá, cá Tiên Hòa” của người bản địa còn lưu truyền cho tới bây giờ có hàm ý nhắc nhở người dân nơi đây cần khôi phục nghề nuôi cá truyền thống đã có từ xưa... Các tổ chăn nuôi cá tự phát được quản lý, tổ chức lại sản xuất. Tận dụng nguồn nước từ mùa mưa đem lại, kết hợp với tận dụng tối đa lượng nước dự trữ từ các hồ đập, các hộ nông dân đã “vận hành” một cách bài bản. Mỗi năm một vụ (khoảng 7 tháng), các loại cá truyền thống như: trắm cỏ, trắm đen, trôi, chép, mè, chuối được đưa vào thả nuôi và cho thu hoạch vào tháng 11, 12 âm lịch, dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu là lúa chét kết hợp với thức ăn sẵn có phong phú đa dạng trong tự nhiên, ngoài ra bổ sung thêm thức ăn như các loại cỏ, lá... không dùng thức ăn chăn nuôi chế biến sẵn, cũng không sử dụng thuốc phòng và chữa bệnh cho cá vì dịch bệnh chưa từng xảy ra. Để phòng chống mưa lũ gây ngập tràn và tránh thiệt hại về mùa bão lụt, bờ bao được tu bổ gia cố nâng cấp, dùng cọc bê tông hoặc tre, luồng, lưới thép B40, lưới cước... có tác dụng đảm bảo độ an toàn, làm giảm đáng kể thiệt hại. Khi có lũ lớn, chính quyền, HTX dịch vụ nông nghiệp phối hợp chỉ đạo, điều hành lực lượng ứng cứu khai thông dòng chảy làm cho nước đệm nội đồng giảm nhanh, tránh gây tổn hại.

Khi thu hoạch, lực lượng nam giới khỏe mạnh dùng lưới kéo để bắt loại cá to. Họ cũng chính là những chủ nhân tự đầu tư chi phí, chăm sóc, bảo vệ, đánh bắt, thu hoạch, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ... Năm nào cũng vậy, loại cá trắm đen, trắm cỏ lớn nhanh, trọng lượng đạt từ 7 - 10 kg/con trở lên và thường chiếm tỷ lệ cao, cá nhỏ số lượng không đáng kể. Đặc biệt là từ khi áp dụng mô hình đã cho hiệu quả cao gấp 3 lần trồng lúa, tiêu biểu có tổ sản xuất thôn Tiên Hòa 2 có 12 lao động do anh Hoàng Văn Cương làm tổ trưởng; tổ Tiên Hòa 3 do anh Hoàng Đức Tuất làm tổ trưởng có 8 lao động... và nhiều tổ khác mỗi vụ thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ha đã trừ chi phí. Địa phương đã thực hiện cơ chế như: người lao động tham gia thực hiện mô hình được tập huấn kỹ thuật ngắn ngày, được cấp chứng chỉ nghề và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khi bị mưa lũ lớn (như năm 2017) được hỗ trợ thiệt hại theo chính sách của Nhà nước... tạo thuận lợi để người lao động yên tâm đầu tư phát triển sản xuất để tăng thêm giá trị.

Ông Lưu Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lĩnh, cho biết: Trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo phát triển mô hình lúa - cá để không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi này.

Bài và ảnh: Lê Như Cương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nuoi-ca-tren-dat-mot-vu-lua-chiem-thu-nhap-gap-3-lan-trong-lua/129083.htm