Nuôi dưỡng, giữ gìn nguồn lực quý giá
'Hiền tài là nguyên khí quốc gia' nên việc thu hút, giữ chân và kết nối nguồn lực quý giá này có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 899/QĐ-TTg) được Thủ tướng phê duyệt ngày 31-7-2023. Chiến lược này xác định rõ mục tiêu xây dựng, thực hiện có hiệu quả chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Ý nghĩa sống còn
Bộ Nội vụ cũng đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kinh tế tri thức bùng nổ, đòi hỏi nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Dự thảo nêu rõ định hướng tìm kiếm, phát hiện người tài trong các nhóm: Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội; người có học vị, học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, có công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao; người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong và ngoài nước; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có năng lực nổi trội.
Bàn về ý nghĩa sống còn của việc thu hút, giữ chân nhân tài, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm Pháp theo lời mời của chính phủ nước này cũng như đòi hỏi của cách mạng. Trong chuyến đi, Bác đã tập hợp được nhiều trí thức Việt kiều yêu nước, sau này đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước như GS Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), GS Trần Hữu Tước, GS Trần Đức Thảo, kỹ sư Võ Đình Quỳnh...
"Trong số hơn 6 triệu người Việt ở nước ngoài, khoảng 600.000 người là nhân lực chất lượng cao. Không ít người đã gặt hái được thành công, có người là doanh nhân nổi tiếng, có người làm việc ở Silicon Valley... Vì vậy, cần chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thu hút người tài - nhất là chuyên gia, trí thức, kiều bào - để tận dụng, phát huy tài năng, sự năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới của họ, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước..." - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế này dẫn lời người xưa: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn...". Tiếp thu lời dạy của tiền nhân, sinh thời, Bác luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Vì vậy, Chính phủ đầu tiên do Người đề nghị Nghị viện Nhân dân bầu ra là những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà.
Trong từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phát hiện, tuyển dụng, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định "có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước", "xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài". Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phương hướng cho giai đoạn 2021 - 2030 là "tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài"…
Các giải pháp lớn
Bộ Nội vụ dự kiến xây dựng khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài áp dụng đối với các lĩnh vực: Lãnh đạo, quản lý; kinh tế; khoa học - công nghệ; an ninh - quốc phòng; ngoại giao; giáo dục - đào tạo; y tế; văn hóa - nghệ thuật; thể dục - thể thao.
Bộ Nội vụ cũng đề ra các giải pháp lớn để thực hiện chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài. Cụ thể, hoàn thiện môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt. Bố trí công việc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với tài năng, sự cống hiến; có chính sách đột phá trong quy hoạch, bổ nhiệm. Xây dựng chế độ đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh xứng đáng. Hỗ trợ thủ tục xuất - nhập cảnh, cấp thị thực, cư trú đối với nhân tài Việt Nam ở nước ngoài trở về làm việc...
Ngăn "chảy máu chất xám"
Nhiều chính sách đặc biệt dành cho các lĩnh vực đặc thù như y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ... đã được ban hành song không ít người vẫn dứt áo ra đi. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong năm này, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người; trong đó Trung ương 983 người (110 công chức, 873 viên chức), địa phương 9.897 người (866 công chức, 9.031 viên chức).
Để ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám" ở khu vực công, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng cần nhận diện rõ 5 nguyên nhân chính. Thứ nhất, cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế, khu vực tư nhân ngày càng tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn để người lao động lựa chọn. Thứ hai, làm việc ở khu vực tư được ghi nhận, thăng tiến dễ dàng dựa trên cơ sở năng lực, trong khi lĩnh vực công đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe.
Thứ ba, rủi ro nghề nghiệp ở lĩnh vực công có xu hướng tăng. Thứ tư, không chỉ sức hấp dẫn mà uy tín của lĩnh vực công cũng giảm sút. Thứ năm, chưa có bộ chỉ số đánh giá kết quả làm việc (KPI) của từng ngành, lĩnh vực trong khu vực công, dẫn đến đánh giá chủ quan, thiếu công bằng.
"Ở đâu có chính sách đãi ngộ tốt hơn, lương bổng cao hơn, sử dụng nhân lực hiệu quả hơn thì người lao động sẽ dịch chuyển đến đó" - TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét. Ông cho rằng bên cạnh việc thiết kế chính sách thu hút nhân tài và công khai thi tuyển ở cấp quốc gia, cần loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu, kém động lực phấn đấu, tham nhũng... để tinh gọn bộ máy, sắp xếp, bố trí người tài năng vào vị trí phù hợp.
TS Lê Đăng Doanh góp ý cần có khung pháp lý rộng mở, tạo điều kiện cho người tài có thể tự do sáng tạo, phát triển tư duy độc lập, từ đó tạo ra những giá trị để cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Đồng thời, cần đặt đúng người ở đúng chỗ để phát huy hết năng lực, tránh gây tâm lý chán nản làm giảm sút động lực phấn đấu. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế bảo vệ người giỏi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo vì lợi ích chung cũng vô cùng cần thiết.
"Quan trọng hơn cả là phải có chính sách cải cách tiền lương mạnh mẽ để người làm trong khu vực công được hưởng thu nhập xứng đáng, nhất là những ngành rất quan trọng trong thời đại hiện nay như công nghệ thông tin, kinh tế số... Cần chính sách riêng cho giới chuyên gia, tinh hoa qua sự đãi ngộ vượt trội song song với cải cách bộ máy quá rườm rà, giảm chi ngân sách đối với hoạt động không cần thiết để có nguồn lực thu hút nhân tài" - TS Lê Đăng Doanh gợi mở.
Nhìn ra thế giới
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ gấp rút chạy đua thu hút nhân tài với hàng loạt sáng kiến mới hoặc cải cách sáng kiến hiện có.
Trong đó, Singapore tháng 8-2022 công bố các quy định về thu hút nhân tài khi trung tâm tài chính châu Á này đẩy mạnh phục hồi sau dịch, gồm: cấp thị thực mới 5 năm cho người nước ngoài có thu nhập ít nhất 30.000 đô-la Singapore/tháng; cho phép làm việc ở nhiều công ty cùng lúc...
Cuối năm 2022, Hồng Kông - Trung Quốc cũng công bố chương trình tìm kiếm nhân tài trên toàn thế giới và thu hút đầu tư trị giá 3,8 tỉ USD. Theo đó, người đạt thu nhập 318.000 USD/tháng trở lên, tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới và đáp ứng những yêu cầu nhất định về kinh nghiệm làm việc sẽ được cấp phép ở đây 2 năm.
Khởi động sớm hơn, từ năm 2018, chương trình Thẻ vàng làm việc của Đài Loan - Trung Quốc cũng đã thu hút thành công hàng ngàn chuyên gia…
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng -Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Môi trường làm việc văn minh, không chèn ép
Thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước.
Mục tiêu tổng quát của Quyết định 899/QĐ-TTg là xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước. Mục tiêu gần nhất là đến năm 2025 sẽ thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước chiếm khoảng 10% tổng số tuyển dụng mới.
Để đạt các mục tiêu, trước hết cần xây dựng cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn, mời gọi được người tài cống hiến. Hơn hết, các chính sách phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, thay vì ban hành "trong ngăn kéo". Bên cạnh chính sách chung, mỗi bộ, ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu những cơ chế, chính sách phù hợp với từng lĩnh vực để người tài phát huy khả năng sáng tạo. Cùng với đó, cần tháo gỡ rào cản về tiền lương, thu nhập, đãi ngộ theo hướng thật sự đột phá. Tất nhiên, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, có thể xem xét việc huy động các nguồn lực bên ngoài.
Bên cạnh chế độ đãi ngộ, người giỏi, người tài còn đặc biệt quan tâm môi trường làm việc có thực sự tạo điều kiện cho họ phát huy được khả năng, trình độ, sự sáng tạo hay không. Không ít trường hợp người Việt ở nước ngoài trở về nước làm việc, sau một thời gian ngắn đã nhận thấy môi trường có quá nhiều cản trở, thiếu sự cởi mở. Một môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp phải thật sự loại bỏ sự chèn ép, thậm chí trù dập. Ngoài ra, trong các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cần thay đổi nhận thức để coi trọng nhân tài; công tâm, khách quan, tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực, đổi mới sáng tạo.
TS LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế:
Tăng cường tham vấn ý kiến giới trí thức
Một trong những động lực quan trọng để người tài, giới trí thức, tinh hoa gắn bó với khu vực công là được trọng dụng, ý kiến của họ được tôn trọng chứ không phải chỉ ở câu chuyện lương bổng, chế độ đãi ngộ. Để giữ chân người tài, cần có cơ chế tạo điều kiện cho họ được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, trung thực với tinh thần xây dựng về những vấn đề của xã hội, những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, những đòi hỏi cải cách cấp bách...
Trong bối cảnh triển khai xã hội số và Chính phủ số như hiện nay, có thể dễ dàng mở rộng khuôn khổ, cách thức trao đổi, tham vấn ý kiến giới trí thức bằng cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Điều này giúp giảm tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật, quyết sách... sau khi ban hành nhanh chóng lỗi thời, không bao quát được mọi mặt của đời sống
Người tài cần có không gian lành mạnh để phát huy tài năng, phát triển sự nghiệp. Do đó, để hấp dẫn họ đến và ở lại khu vực công, cần bổ sung quy định mạnh mẽ hơn nhằm làm trong sạch bộ máy, loại trừ tham nhũng, lãng phí, kiểm soát quyền lực. Song song đó, nên có cơ chế, chính sách để người làm việc trong các cơ quan nhà nước không thể và không muốn tham nhũng. Khi lương không đủ sống hoặc không xứng đáng với năng lực, kiến thức và sự cống hiến, người ta rất dễ sa ngã.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Lãnh đạo giỏi phải tập hợp được người tài
Lĩnh vực tư đang có quá nhiều ưu thế mà lĩnh vực công không thể có được. Con tôi từng được một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam mời về làm việc với mức lương cả trăm triệu đồng/tháng, trong khi khu vực công không có quy định cho phép trả lương cao như vậy.
Chưa kể, người tài có cơ hội thăng tiến dễ dàng hơn khi làm việc cho các công ty tư nhân. Chỉ cần có năng lực là họ có thể ngay lập tức được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo như giám đốc điều hành, trưởng phòng...
Chính sách tiền lương cũng cần được cải thiện cấp bách, nhất là trong 2 lĩnh vực quan trọng là y tế và giáo dục - nơi xảy ra làn sóng nguồn nhân lực thôi việc, chuyển việc âm thầm mà dữ dội. Đặc biệt là ngành y tế, đội ngũ y - bác sĩ vừa phải đối mặt khó khăn chưa từng có trong thời kỳ xảy ra dịch COVID-19. Nỗ lực, cố gắng chống chịu trong môi trường làm việc cực kỳ độc hại, nguy hiểm với cường độ công việc cao, họ vẫn phải nhận mức lương không tương xứng. Khi lợi ích của khu vực tư mở ra, dễ hiểu vì sao họ rời bỏ nhà nước.
Tôi có nhiều dịp cùng dùng cơm và trò chuyện với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những năm cuối đời. Một lần, sau khi nghe mọi người trao đổi về vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác nhân sự, ông đã nhấn mạnh: "Lãnh đạo giỏi là tập hợp và sử dụng được người tài". Nhận định ấy ngắn gọn nhưng nêu đúng bản chất của công tác cán bộ giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu, cũng là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới để đất nước phát triển bền vững.
TS HOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp -
Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Dân chủ là nền tảng phát triển nhân tài
Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua đã có đóng góp nhất định đối với công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có lúc, có nơi chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Đâu đó vẫn có tình trạng chạy chức, chạy quyền, cất nhắc người nhà vào bộ máy, mua quan bán tước... Hệ quả là chúng ta không chọn được đúng nhân tài; một số người bị kỷ luật, vướng lao lý... làm hao mòn niềm tin của người dân.
Quyết định 899/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời để khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài. Đáng chú ý, quyết định nêu rõ: "Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, người giới thiệu, tiến cử nhân tài; chú trọng nguyên tắc công khai, minh bạch trong tiến cử, tự tiến cử, lựa chọn, công nhận nhân tài...". Thực hiện tốt yêu cầu này có thể góp phần tạo ra bước đột phá trong việc phát triển nhân tài ở nước ta.
Rất cần chính sách đãi ngộ thỏa đáng dựa vào thành tích đo đếm được, môi trường làm việc có văn hóa, mọi ý kiến đều được tôn trọng và xem xét cẩn trọng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài.
THÙY DƯƠNG - MINH CHIẾN - LAN ANH ghi
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nuoi-duong-giu-gin-nguon-luc-quy-gia-196240206093846816.htm