Nuôi gia súc nhốt chuồng, hiệu quả kinh tế cao
Mùa này, dọc hai bên đường đến các bản của xã Chiềng Lương rợp màu xanh của cỏ voi. Người dân tận dụng những khoảng đất trống trong vườn nhà, bờ ruộng, bờ ao, hàng rào, đồi nương để trồng cỏ. Theo thống kê, xã có gần 90% số hộ chăn nuôi gia súc, hộ ít thì nuôi 2-3 con, hộ nhiều thì nuôi vài chục con. Nhân dân đã trồng được 95 ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò.
Đến thăm mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình ông Hà Văn Phớ, bản Mừn. Cũng giống như nhiều hộ gia đình khác trong bản, trước đây gia đình ông đã nuôi bò nhưng chủ yếu thả rông. Năm 2018, với 50 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH cộng với tiền tiết kiệm của gia đình, ông mua 4 cặp bò giống, đầu tư xây dựng chuồng trại, có hệ thống máng ăn, nước uống và trồng cỏ voi để nuôi bò nhốt chuồng.
Ông Hà Văn Phớ cho biết: Đảm bảo thức ăn cho đàn bò nuôi nhốt, gia đình đã chuyển đổi gần 6.000 m² đất sang trồng cỏ. Sau 5 năm, mô hình nuôi bò sinh sản bắt đầu sinh lãi; mỗi năm gia đình bán khoảng 10 con bê giống, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng.
Còn gia đình ông Vì Văn Pè, bản Chi, trước đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, 3 năm mới được 1 lứa để bán. Từ năm 2017, gia đình ông đã chuyển sang nuôi vỗ béo giống bò lai sin và bò 3B. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bổ sung đầy đủ thức ăn, đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, sau 70-80 ngày có thể xuất chuồng, cho lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/con. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi vỗ béo từ 25-30 con bò. Ông Pè chia sẻ: Từ khi chuyển đổi sang hình thức nuôi nhốt, gia đình chủ động được việc chăm sóc nên đàn bò lớn nhanh, không có dịch bệnh.
Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, cho biết: Việc trồng cỏ, phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giúp người dân phát triển các mô hình chăn nuôi, ngoài sự chủ động của các gia đình, xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc đàn vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất.
Đến nay, toàn xã Chiềng Lương có trên 4.200 con trâu, bò; trên 60% số hộ đã chuyển từ hình thức thả rông sang chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng, với nguồn thức ăn chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp và chủ động trồng thêm cỏ để đảm bảo nguồn dinh dưỡng. Nhờ nuôi nhốt chuồng nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho trâu, bò được thực hiện đầy đủ.
Phát triển trồng cỏ, chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt ở xã Chiềng Lương đang là hướng đi có hiệu quả, không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình, còn giúp thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang nuôi tập trung, quy mô theo hướng hàng hóa. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ; triển khai các chính sách hỗ trợ, phối hợp tập huấn kỹ thuật để các hộ dân có điều kiện áp dụng mô hình, thúc đẩy chăn nuôi ở xã phát triển theo hướng hàng hóa.