Nuôi trùn quế hiệu quả cao, ít chi phí

Xuất phát từ niềm đam mê và mong muốn được làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, anh Lê Văn Nhớ, ở ấp Thạnh An 1, xã Thạnh Thới Thuận (Trần Đề) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi và áp dụng thành công mô hình nuôi trùn quế. Mô hình từng bước mang lại lợi nhuận tương đối cao, giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Là nông dân chịu khó làm ăn nên anh Nhớ đã thực hiện nhiều mô hình khác nhau. Tuy nhiên, các mô hình trước đó thường rủi ro cao nên nguồn thu nhập thấp. Cách đây hơn 4 năm, anh Nhớ đi đến huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) thấy mô hình nuôi trùn quế mang lại hiệu quả cao, anh đã học hỏi rồi áp dụng làm theo. Khi mới thực hiện mô hình, do thiếu vốn nên anh Nhớ chỉ mua 100kg sinh khối về nuôi. Anh Nhớ chia sẻ, chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng chi phí làm chuồng và mua sinh khối là được.

Sau thời gian thực tế nuôi, từ từ rút kinh nghiệm và học hỏi, tìm hiểu thêm trên internet, anh Nhớ nhận thấy nuôi trùn quế tương đối dễ, chỉ cần đảm bảo nguồn thức ăn thì trùn phát triển rất nhanh, ít có bệnh nên không rủi ro. Từ đó, mỗi năm anh Nhớ đều tăng diện tích nuôi trùn, từ vài trăm mét vuông nuôi trùn ban đầu, hiện nay anh Nhớ đã mở rộng diện tích gần 1.000m2.

 Chị Phạm Thị Bích Thùy (vợ anh Nhớ) đang chăm sóc trùn quế.

Chị Phạm Thị Bích Thùy (vợ anh Nhớ) đang chăm sóc trùn quế.

“Do ít vốn nên trong 2 năm đầu nuôi, tôi không bán, chỉ nhân rộng dần ra. Khi mô hình đi vào phát triển ổn định, tôi bắt đầu tìm đầu ra. Nuôi trùn quế có hai sản phẩm cơ bản đó là phân trùn và trùn thịt. Phân trùn làm phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây trồng, thân thiện với môi trường. Tôi dùng để làm phân bón cho lúa nên giảm chi phí rất nhiều, đất lại được cung cấp một lượng phân hữu cơ tương đối tốt. Ngoài ra, còn dư phân tôi cung cấp cho các hộ trồng rau, cam, còn trùn thịt bán làm thức ăn trong chăn nuôi và bán sinh khối trùn giống cho những ai có nhu cầu nuôi. Con gì nuôi lỗ chứ con trùn nuôi không lo lỗ, nếu một công lúa thì sống không nổi chứ bỏ một công đất ra nuôi trùn quế thì sống khỏe re” - anh Nhớ chân tình tiết lộ.

Kiên trì với niềm đam mê của mình, giờ đây mô hình nuôi trùn quế của gia đình anh Nhớ không chỉ người dân địa phương biết đến mà thông qua mạng xã hội, nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận cũng tìm đặt mua trùn sinh khối, trùn thịt. Với nhiều hữu ích nên sản phẩm từ trùn quế ngày càng được bà con nông dân sử dụng nhiều trong chăn nuôi và trồng trọt. Sản phẩm từ trùn quế của gia đình hiện không đủ cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, mỗi tháng trung bình anh Nhớ cung cấp ra thị trường hàng trăm kílôgam trùn thịt, với giá 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán sinh khối với giá 20.000/kg và phân trùn bán với giá 2.000 đồng/kg để làm phân bón cho cây trồng. Tổng nguồn thu nhập từ bán trùn thịt, sinh khối và phân của trùn quế, anh Nhớ cũng thu về hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Khi hỏi về những dự định sắp tới, anh Nhớ cho biết: “Thời gian tới, tôi tiếp tục tăng đàn trâu để có phân đảm bảo nguồn thức ăn cho trùn quế, sử dụng phân trùn làm phân bón cho lúa để giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch trong nông nghiệp. Cùng với đó, tăng diện tích nuôi trùn quế, hướng dẫn, vận động bà con ở địa phương cùng làm mô hình và thu mua sản phẩm trùn quế, giúp bà con tăng thu nhập”.

Với sự dám nghĩ dám làm để phát triển những mô hình mới đã giúp anh Nhớ thành công với mô hình mình đã chọn. Mô hình nuôi trùn quế không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần rất lớn trong việc xử lý ô nhiễm môi trường. Đây thực sự là mô hình kinh tế hiệu quả không chỉ tận dụng thời gian nông nhàn mà còn mở ra hướng phát triển an toàn đối với ngành nông nghiệp cần khuyến khích nhân rộng.

K. Thoa

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/nuoi-trun-que-hieu-qua-cao-it-chi-phi-31704.html