Nương theo dòng nước sông Đà

ĐBP - Những ngày cuối năm, ngồi trên chiếc thuyền nhẹ lướt giữa lòng hồ Thủy điện Sơn La, cảm nhận sự trong lành, tươi mát, mênh mang của dòng Đà giang. Từng gợn sóng lăn tăn, uốn cong giữa những dãy núi đá sừng sững sông Đà ở đoạn hạ lưu, đã không còn ghềnh thác hiểm trở như trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân năm xưa. Lòng hồ sông Đà nay đã thành điểm du lịch hấp dẫn trong cung đường khám phá Tây Bắc.

Du khách check-in trên dòng Đà giang.

Du khách check-in trên dòng Đà giang.

Được mệnh danh thị xã nhỏ nhất nước, là nơi hội tụ của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, TX. Mường Lay nằm yên bình bên lòng hồ thủy điện. Mỗi năm lòng hồ sẽ dâng nước ở mức cao từ cuối tháng 9 tới khoảng tháng 3 năm sau. Mùa nước nổi, dòng Đà giang trải dài như một bức tranh phong cảnh hùng vĩ, dưới lòng hồ xanh biếc, trên núi non hữu tình, trùng điệp cùng những dãy nhà sàn mái đá đen của đồng bào dân tộc Thái trắng Mường Lay.

Ông Chui Văn Thành, Phó Chủ tịch TX. Mường Lay cho biết: Những năm trở lại đây việc phát triển các tour du lịch ven sông, công tác quảng bá, thúc đẩy du lịch tạo nguồn sinh kế gắn liền với đời sống văn hóa truyền thống được đẩy mạnh. Với những người làm nghề sông nước cũng có khá nhiều sự lựa chọn phát triển kinh tế. Từ nuôi, đánh bắt thủy sản, nâng cấp thuyền bè phục vụ du lịch, vận tải hàng hóa. Thời gian tới, thị xã đẩy mạnh truyền thông, phát triển cơ sở hạ tầng trên sông, bến đỗ, thuyền bè, thành lập HTX đường thủy sông Đà để khai thác tiềm năng mùa nước nổi.

Đứng trước lòng hồ Thủy điện Sơn La hiền hòa hôm nay, ít ai liên tưởng tới dòng Đà giang vừa hung dữ lắm thác nhiều ghềnh, vừa thơ mộng được nhà văn Nguyễn Tuân coi như một “cố nhân”, một cố nhân “vừa dịu dàng đấy lại bẳn tính, gắt gỏng thác lũ ngay đấy”.

Qua tùy bút của Nguyễn Tuân, dòng Đà giang càng hiểm trở bao nhiêu thì hình tượng người lái đò sông Đà càng vững chãi, dẻo dai, kiên cố bấy nhiêu.

Có dịp du ngoạn trên lòng hồ Thủy điện Sơn La tại TX. Mường Lay chúng tôi được diện kiến người lái đò sông Đà “chính hiệu”, từng băng thác vượt ghềnh trên dòng Đà giang. Ông Lù Văn Túng, phường Sông Đà với dáng người thấp bé nhưng tay chân chắc nịch, giọng nói sang sảng, ánh mắt tinh nhanh quắc thước cùng tính tình dứt khoát. Có lẽ những phẩm chất đó được tôi luyện gần cả đời người khi mưu sinh trên dòng Đà giang. Khi biết chúng tôi muốn trải nghiệm lòng hồ, ông chuẩn bị nước uống, đồ ăn, đá lạnh, trái cây…

Đi cùng chúng tôi làm phụ thuyền có anh Lù Văn Thắng. Trò chuyện, anh Thắng chia sẻ: Tôi gắn bó với sông nước từ nhỏ, thời gian sinh sống trên sông nhiều hơn trên bờ. Trước kia tôi học lái thuyền từ chú Túng, mỗi dịp mùa nước lên lại ở liền trên thuyền vài tháng để đánh bắt cá. Ngoài đánh bắt cá, trong các dịp lễ hội, mùa du lịch thông qua chú Túng thuyền cũng có đón khách, hoạt động chủ yếu là tham quan, trải nghiệm đánh, kéo cá trên mặt hồ vào buổi chiều khi hoàng hôn xuống.

Ông Lù Văn Túng chuẩn bị đồ dùng cần thiết đảm bảo an toàn khi đưa du khách tham quan lòng hồ.

Ông Lù Văn Túng chuẩn bị đồ dùng cần thiết đảm bảo an toàn khi đưa du khách tham quan lòng hồ.

Qua cuộc trò chuyện được biết ông Túng đã gắn bó mưu sinh sông nước từ nhỏ, ông thường theo cha, chú bẫy cá, chèo thuyền, kéo lưới trên sông. Khi hỏi về dòng Đà giang, ánh mắt ông Túng nhìn xa xăm hồi tưởng lại sự hùng vĩ và hiểm trở trên sóng nước sông Đà xưa. Bẻ lái qua cầu Hang Tôm, ông Túng vừa nhìn mũi thuyền rẽ sóng vừa vui vẻ chia sẻ: Khi Thủy điện Sơn La chưa tích nước việc di chuyển thuyền bè vô cùng khó khăn, nếu không có kinh nghiệm bị lật thuyền, trôi hàng hóa là thường xuyên. Khôn hơn may từng đấy năm lái chưa chệch lần nào, có những lần hú vía cửa tử, chèo vượt thác, nước đẩy thẳng thuyền vào vách đá mà sóng nó sủi đẩy ngược ra.

Ngày đó, khó vượt qua nhất là thác Ba Bố, thác được hình thành năm 1987, trước đó khu hình thành thác như cái eo con kiến, mưa lớn đá bằng căn nhà lở rơi xuống ngăn đôi dòng sông, đất đá to như cái bàn, cái gùi bay từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia rơi xuống lấp ngang mặt sông, nước lên tạo thành thác Ba Bố chảy xiết, chỉ cần sơ ý, run tay là đụng đá ngầm lật thuyền như chơi.

Sau khi Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động bắt đầu tích nước năm 2010, dòng Đà giang, đoạn qua TX. Mường Lay không còn nguy hiểm mà thay vào đó là sông nước mênh mang trên bến dưới thuyền. Cũng trong năm đó ông Túng là người đầu tiên ở Mường Lay hoán cải thuyền, chuyển dần sang hoạt động du lịch, chở khách tham quan khám phá lòng hồ, nơi khi xưa từng là dòng Đà giang bạo ngược.

Tính đến thời điểm hiện tại ông Túng đã chuyển từ vận chuyển hàng hóa sang chở khách tham quan được 14 năm. Vào vụ cao điểm khách đông, mỗi ngày phục vụ tối đa 3 - 4 chuyến, mỗi chuyến từ 10 - 40 người, giá trung bình 1 - 2 triệu đồng/lượt.

Cuộc sống ngày càng phát triển, dòng Đà giang lắm thác nhiều ghềnh chỉ còn được ghi nhớ trong từng câu chữ của nhà văn Nguyễn Tuân và hồi ức của người lái đò xưa cũ. Những người lái đò sông Đà cũ dần chuyển nghề, vẫn lăn lộn cùng sông nước nhưng không còn cửu tử nhất sinh, thay vào đó là chuyển đổi khai thác dòng Đà giang để phát triển kinh tế.

Mặc dù khác xưa nhưng dòng Đà giang luôn đẹp, thơ mộng và trữ tình. Cảnh sắc cùng sự hoài niệm xưa cũ tạo chất riêng, ấn tượng trong lòng du khách về miền sông nước, về người lái đò đạp sóng, rẽ nước trên dòng Đà giang xưa và nay.

Trần Nhâm

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/du-lich/nuong-theo-dong-nuoc-song-da