Trí tuệ dân gian thấm hồn câu ví, giặm

Mỗi làn điệu ví, giặm cất lên thể hiện trí tuệ, cảm xúc, kết tinh tinh túy của người dân đất Việt. Giá trị đặc sắc của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh, 10 năm qua những giá trị ấy được cộng đồng lưu truyền, gìn giữ, bảo tồn, phát triển mạnh mẽ, bền bỉ.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần và Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh nên duyên từ câu hò, điệu ví.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần và Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh nên duyên từ câu hò, điệu ví.

Nhịp cầu tơ duyên

Một trong những giá trị đặc sắc của dân ca ví, giặm là gắn kết cộng đồng, đưa người với người xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt, trong tình yêu đôi lứa và trong xây dựng hạnh phúc gia đình, dân ca ví, giặm được xem là nhịp cầu nối tơ duyên, là con thuyền chở đầy nhân ngãi. Câu chuyện về Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần và Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh ở xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) là minh chứng sống động cho sợi dây liên kết của điệu hò, câu ví. Hai nghệ nhân nên duyên từ những câu hát dân ca và suốt cuộc đời xem dân ca là lẽ sống.

Bà Vũ Thị Thanh Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ nhỏ, theo cha đi diễn khắp mọi miền, cô bé Thanh Minh đã thuộc và có thể hát được các điệu ví, giặm ngọt ngào khiến người nghe phải trầm trồ, nhớ mãi. Vừa tròn 16 tuổi, cô gái Vũ Thị Thanh Minh được vào công tác tại Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh.

Còn ông Phạm Thế Nhuần lớn lên trong những câu hát dân ca của bà, của chị, những đêm trăng hát ví bên bờ sông Ngàn Mọ, huyện Cẩm Xuyên. Lớn lên, ông Nhuần công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị. Trong quá trình công tác, đơn vị của ông Nhuần, bà Minh ở gần nhau. Những câu dân ca đằm thắm của nữ văn công duyên dáng đã “hút hồn” chàng kỹ sư giao thông lúc nào không hay.

Mê đắm nữ văn công đã lâu nhưng không dám ngỏ lời, vào một đêm trăng thanh, chàng kỹ sư giao thông mạnh dạn mượn câu dân ca để dạm hỏi: “Người ơi, chơ duyên đâu em đến chốn này. Trên cao là núi, dưới này là sông. Ngó lên mây bạt trăng hồng. Thương em anh hỏi thật, em đã có chồng hay chưa?”. Nữ văn công Vũ Thị Thanh Minh e thẹn đáp lời:“Ơ… chơ chàng hỏi thì thiếp xin thưa, thuyền quyên còn đợi nhưng chưa gặp người”.

Từ lời đối đáp, giao duyên như thế, đôi trai tài, gái sắc tìm đến nhau. Sau những đêm hò hẹn, giao duyên bên những điệu ví, câu hò, hai người kết duyên chồng vợ. Đến nay, gần 3 thập kỷ đồng hành cùng nhau, tình yêu và sự tôn trọng dành cho nhau của cặp vợ chồng nghệ nhân vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. “Chúng tôi đến với nhau bằng chữ tình, bằng câu hát, vậy nên đến tuổi xế chiều, bên niềm vui tuổi già cùng con cháu, ngoài việc ông chăm bà, bà chăm ông thì cả hai còn đồng lòng “chăm” câu hát. Vợ vừa là bạn đời, vừa là người bạn diễn ăn ý nhất trên mọi sân khấu của tôi” - ông Nhuần chia sẻ.

Sau khi nghỉ hưu, vào năm 2012, vợ chồng nghệ nhân Phạm Thế Nhuần và Vũ Thị Thanh Minh khởi xướng thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ. Hai vợ chồng dày công gây dựng, chọn lựa những nhân tố vừa có năng khiếu, vừa có đam mê để cùng họ nuôi dưỡng ngọn lửa, tình yêu với dân ca.

“Thổi hồn” cho di sản

Gần 70 năm nay, Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm (xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp đến từng thôn xóm, bản làng để sưu tầm, tìm kiếm, bảo tồn làn điệu dân ca ví, giặm cổ lưu truyền trong dân gian. Dẫu đã bước vào tuổi 85, mái tóc bạc phơ nhưng giọng hát của ông Cẩm vẫn còn vang ngân. Gia sản lớn nhất của cụ chính là hàng dài câu ví, giặm được chép bằng tay để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm được ví như “bảo tàng sống”, người “thổi hồn” cho dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm nỗ lực truyền dạy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm nỗ lực truyền dạy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến thế hệ trẻ.

Trong số các lời cổ, làn điệu cổ, câu ví cổ được ông Cẩm sưu tầm, sáng tác, bảo tồn, nổi bật nhất là làn điệu “Giặm xay lúa” chỉ duy nhất có ở địa bàn Kỳ Anh. Suốt mấy chục năm qua, hễ nghe ở đâu có lời dân ca ví, giặm cổ là ngọn lửa nhiệt huyết với nghiệp cầm ca trong ông lại như thổi bùng lên, ông đến tận nơi sưu tầm rồi gìn giữ như báu vật. Ông kể: Mùa thu năm 1969, khi nghe nói ở xã Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh) có ông Việt đã ngoài 80 tuổi hát một bài giặm cổ hay lắm, tôi liền tìm đến. Và tôi đã sưu tầm thành công bài “Ô Lục Soạn”. Có thể nói đây chính là một thành tựu lớn trong hành trình bảo tồn dân ca ví, giặm của tôi. Từ đây, tôi càng say mê sưu tầm và biên soạn lời mới. Đến nay, gia tài của tôi có hàng trăm bài hát, vở kịch, tiểu phẩm, tổ khúc, diễn xướng dân ca ví, giặm được sưu tầm, biên soạn.

Để lưu truyền những làn điệu ví, giặm, năm 2010, ông Cẩm thành lập Câu lạc bộ Dân ca Kỳ Anh do mình làm chủ nhiệm và sinh hoạt tại căn nhà nơi cuối làng. Ông bảo, điều khiến cụ hạnh phúc nhất là đến giờ, câu ví giặm đã có được sự truyền dạy một cách bài bản, nhưng cụ lo lắng về việc làm sao để hát ví giặm len lỏi vào trong đời sống người dân Hà Tĩnh. “Nên để thế hệ trẻ hiểu và hát được dòng nhạc dân ca này cần phải truyền dạy từ trong trường học đến đời thường” - ông Cẩm tâm tư.

Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh cho biết: Với tình yêu, niềm đam mê dân ca ví, giặm, các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa quê hương. Họ chính là “kho báu”, là “bảo tàng sống” khi nắm giữ kiến thức về các làn điệu, bài ca cổ ví, giặm và không ngừng lan tỏa di sản cha ông qua việc truyền lại cho thế hệ trẻ. Qua đó, phát huy các giá trị di sản, làm sáng lên câu hò, điệu ví quê hương, lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

Lớp trầm tích cô đọng

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” diễn ra vào tháng 11/2024 ở Hà Tĩnh, các nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản vô giá, giúp gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Mỗi làn điệu dân ca ví, giặm chất chứa tinh hoa, trí tuệ của dân gian với những lớp trầm tích văn hóa cô đọng, đặc sắc.

Nghệ sĩ Dư Quang Hưng - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh nhấn mạnh: Được sản sinh trên mảnh đất bao đời chan chứa nghĩa tình, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là tiếng lòng sâu thẳm của cư dân nơi đây được kết tinh từ những tập quán sinh hoạt trên vùng đất có nhiều biến cố lịch sử và hợp lưu các dòng văn hóa bên ngoài nên dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có những nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn.

“Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một công cụ hữu hiệu góp phần giữ gìn, trao truyền những thuần phong mỹ tục, lối ứng xử tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống. Với những giá trị nhân văn sâu sắc ấy, dân ca ví, giặm đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hình thành nhân cách con người Nghệ Tĩnh trong việc tạo dựng những đặc trưng văn hóa của một vùng đất nổi tiếng là hiếu học và khoa bảng” - nghệ sĩ Dư Quang Hưng nhấn mạnh.

Còn theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Khởi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, sự hấp dẫn của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nằm ở sự tôn trọng việc tự do thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca tiếng hát, bằng ngôn ngữ địa phương. Nó phản ánh chân thực đời sống của con người nơi miền đất hùng thiêng sông núi, miền đất địa linh nhân kiệt, một vùng đất lắm nắng, nhiều mưa, thừa bão lụt của khu vực Bắc miền Trung một cách sống động, mộc mạc, giản dị, có chút hài hước, nhưng cũng đầy sâu sắc, mềm mại, ngọt ngào và sâu lắng.

“Để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh luôn là nơi neo đậu tâm hồn của những người con xứ Nghệ, giữ mãi sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và thực sự xứng tầm là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, con đường phía trước còn rất dài và rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, sự chia sẻ của các tỉnh, các ngành và sự chung tay của cả cộng đồng” - Thạc sĩ Phan Thị Anh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tri-tue-dan-gian-tham-hon-cau-vi-giam-10299186.html