Nuốt nước bọt bị đau tai là bệnh gì? Có phải dấu hiệu ung thư?

Nuốt nước bọt bị đau tai có thể xuất phát từ vấn đề bên trong tai hoặc các tổ chức lân cận như mũi, họng, răng hoặc hàm.

Nuốt nước bọt là một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Trung bình một người trưởng thành có thể nuốt tới 600 lần mỗi ngày. Nuốt nước bọt bị đau tai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ viêm nhiễm tới chấn thương hoặc có thể là một bệnh lý tiềm ẩn nào khác.

Tùy vào từng nguyên nhân mà cơn đau tai khi nuốt có thể là cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau như từ sâu bên trong tai mang theo cảm giác ù một hoặc cả hai bên tai. Chẩn đoán sớm tình trạng nuốt bị đau tai do đâu sẽ giúp việc điều trị thuận lợi hơn cũng như ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nguy hiểm.

1. Nuốt nước bọt bị đau tai là bệnh gì?

Theo Heath, dưới đây là một số tình trạng có thể khiến bạn bị đau tai khi nuốt. Lưu ý rằng, các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ.

- Viêm tai

Viêm tai là nguyên nhân phổ biến nhất khiến một người nuốt nước bọt bị đau tai. Trong đó 2 loại viêm tai phổ biến là viêm tai giữa và viêm tai ngoài.

+ Đối với viêm tai giữa, đây là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể gặp ở mọi lứa tuổi song viêm tai giữa ở trẻ phổ biến hơn cả, độ tuổi thường gặp là từ 6 - 36 tháng tuổi do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu.

Nuốt nước bọt bị đau tai có thể do viêm tai bao gồm viêm tai giữa hay viêm tai ngoài (Ảnh: ST)

Nuốt nước bọt bị đau tai có thể do viêm tai bao gồm viêm tai giữa hay viêm tai ngoài (Ảnh: ST)

Viêm tai giữa có thể bắt đầu do một tình trạng sức khỏe khác gây ra như cảm lạnh, cúm, viêm xoang hoặc dị ứng khiến vòi nhĩ bị tắc nghẽn và chất lỏng bị dồn tụ lại gây viêm tai. Ống Eustachain nối tai giữa với cổ họng với vai trò duy trì áp suất tai giữa có thể bị tắc nghẽn dẫn tới đau nhức tai khi nuốt, ngáp vì áp suất không được giải phóng.

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ có các dấu hiệu bao gồm: Đau tai nghiêm trọng khi nằm xuống; trẻ đưa tay giật/kéo tai liên tục; quấy khóc, cáu kỉnh hơn bình thường; sốt trên 37,8 độ C; chán ăn; có dịch chảy ra từ tai; mất thăng bằng; khó ngủ; đau đầu.

+ Đối với viêm tai ngoài, là một tình trạng nhiễm trùng tai điển hình ở phần da ống tai. Nguyên nhân viêm tai ngoài là do sự tiếp xúc với môi trường nước trong một thời gian dài. Từ đó ống tai luôn trong tình trạng ẩm ướt và vi trùng, nấm có môi trường thuận lợi để phát triển.

Cơn đau do viêm tai ngoài thường trở nên nghiêm trọng hơn khi tai bị kéo hoặc giật; khi nhai và nuốt nước bọt hay thức ăn; cơn đau có thể lan tỏa khắp bên mặt bị ảnh hưởng. Các triệu chứng viêm tai ngoài khác có thể gặp như: Đỏ và sưng tai; ngứa bên trong tai; dịch tai có mùi hôi khó chịu; cảm giác đầy bên trong tai; thính giác suy giảm.

- Viêm mũi và họng gây đau tai khi nuốt

Mặc dù viêm tai là nguyên nhân phổ biến dẫn tới nuốt nước bọt bị đau tai nhưng đôi khi viêm mũi họng cũng có thể gây ra điều này.

Có thể kể đến như:

+ Viêm amidan: Là tình trạng amidan bị viêm và nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, trong đó viêm amidan do liên cầu khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị bằng kháng sinh đúng cách.

Triệu chứng viêm amidan chính thường là đau họng nhưng có thể kèm theo các triệu chứng khác như: Khó nuốt, sưng đỏ amidan, sốt, đau đầu, đau bụng, phát ban, hơi thở có mùi hôi, khàn giọng, đau tai khi nuốt, xuất hiện lớp dịch phủ màu trắng hoặc vàng ở thành họng sau.

Mặc dù viêm tai là nguyên nhân phổ biến dẫn tới nuốt nước bọt bị đau tai nhưng đôi khi viêm mũi họng cũng có thể gây ra điều này (Ảnh: ST)

Mặc dù viêm tai là nguyên nhân phổ biến dẫn tới nuốt nước bọt bị đau tai nhưng đôi khi viêm mũi họng cũng có thể gây ra điều này (Ảnh: ST)

+ Áp xe quanh amidan: Đây là một dạng biến chứng của viêm amidan hoặc viêm họng liên cầu khuẩn khiến một túi mủ hình thành gần một bên amidan. Triệu chứng áp xe quanh amidan tương tự như viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn, bao gồm: Sốt kèm theo ớn lạnh (hoặc không); khó mở to miệng do đau; đau đầu; khó khăn khi nhai nuốt thức ăn, nuốt nước bọt bị đau tai; đau đầu; sưng mặt, sưng cổ; đau nhức đầu; giọng nói như bị nghẹt lại; sưng hạch ở cổ hoặc hạch ở hàm, cảm giác đau khi chạm vào; hôi miệng.

Trong đó, cơn đau do áp xe amidan thường nghiêm trọng và nặng hơn hẳn so với đau họng thông thường và sẽ gây đau tai ở bên bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi nuốt hoặc đau khi mở miệng.

- Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)

Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng khớp thái dương hàm hoạt động không đúng cách do hệ thống cơ, dây chằng, đĩa đệm và cấu trúc xương hoạt động sai lệch.

Rối loạn khớp thái dương hàm có thể khiến người bệnh nuốt nước bọt bị đau tai, đầy ở bên tai và tăng áp lực trong tai khiến cho việc nhai và nuốt thông thường cũng trở nên khó khăn hơn. Cơn đau khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và khó chịu nếu muốn nghiền thức ăn hay cắn chặt hàm, nói chuyện, há miệng. Khi cơ hàm hoạt động có thể nghe thấy tiếng lục cục. Cơn đau do rối loạn khớp thái dương hàm có thể lan tỏa tới hai bên thái dương, cổ, vai, gáy và thậm chí là đau lan ra nửa đầu.

- Đau dây thần kinh lưỡi hầu (Glossopharyngeal Neuralgia - GPN)

Tình trạng gây ra các cơn đau nhói dữ dội và tái phát nhiều lần ở tai, lưỡi, amidan và cổ họng. Cơn đau có xu hướng ảnh hưởng tới một bên mặt và họng, kéo dài từ vài giây tới vài phút. Cơn đau có thể bị kích hoạt khi nhai, nuốt (nước nước bọt bị đa tai), ngáp, hắt hơi, nói chuyện, ho, cười hay khi uống đồ uống lạnh.

Đau dây thần kinh lưỡi hầu gây ra các cơn đau nhói dữ dội và tái phát nhiều lần ở tai, lưỡi, amidan và cổ họng (Ảnh: ST)

Đau dây thần kinh lưỡi hầu gây ra các cơn đau nhói dữ dội và tái phát nhiều lần ở tai, lưỡi, amidan và cổ họng (Ảnh: ST)

GPN phổ biến hơn ở người trưởng thành trên 50 tuổi. Có một số bằng chứng chỉ ra rằng, người có tiền sử viêm họng, phẫu thuật đầu cổ, nhổ răng hay bất thường mạch máu có nguy cơ mắc GPN cao hơn.

- Áp xe răng

Áp xe răng là tình trạng hoại tử tủy và răng do răng bị sâu nặng, tích tụ lâu ngày và không được điều trị dẫn tới hình thành áp xe. Áp xe quanh chân răng có ổ có thể lan rộng và gây ra các tổn thương đến men răng, nướu. Theo thời gian sẽ hình thành nên túi mủ, viêm nhiễm lan rộng ra ngách hành lang, xoang, xương hàm, sàn miệng... gây nuốt nước bọt bị đau tai hoặc đau tai khi nhai.

Các triệu chứng áp xe răng khác bao gồm: Sưng nướu, nướu nhạy cảm gần răng bị áp xe; hôi miệng; sốt; sưng hạch ở cổ; răng nhạy cảm, đặc biệt là với thức ăn và đồ uống nóng/lạnh.

- Hội chứng Eagle

Đây là hội chứng đặc trưng bởi những cơn đau dai dẳng và âm ỉ ở vùng hầu họng và mặt, có thể lan tới tai và gây đau tai khi nuốt do tình trạng kéo dài của mỏm trâm hoặc sự vôi hóa của dây chằng trâm móng. Những cấu trúc này có thể chèn ép các dây thần kinh và mạch máu gần đó, gây ra cơn đau khó chịu.

Các triệu chứng của hội chứng Eagle thường gặp như: Khó nuốt, cảm giác như có thứ gì đó mắc kẹt trong cổ họng, ù tai, đau cổ và mặt ảnh hưởng tới một hoặc cả hai bên, cơn đau tăng lên khi thực hiện một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như quay đầu, ngáp hoặc nuốt.

- Nguyên nhân gây nuốt nước bọt bị đau tai ít phổ biến hơn

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì một người có thể gặp tình trạng nuốt nước bọt bị đau tai do:

+ Chấn thương khí áp (còn gọi là hiện tượng đau tai khi đi máy bay): Xảy ra do sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng của áp suất và độ cao khiến một số người bị chảy máu tai, chóng mặt, nghe như có tiếng chuông trong tai… Tình trạng này thường xảy ra khi đi máy bay hoặc lặn sâu dưới nước.

Tùy từng nguyên nhân khiến bạn nuốt nước bọt bị đau tai là gì và mức độ nghiêm trọng của từng tình trạng mà các phương pháp điều trị cũng có sự khác biệt (Ảnh: ST)

Tùy từng nguyên nhân khiến bạn nuốt nước bọt bị đau tai là gì và mức độ nghiêm trọng của từng tình trạng mà các phương pháp điều trị cũng có sự khác biệt (Ảnh: ST)

+ Viêm đa xoang mãn tính: Viêm xoang mạn tính xảy ra khi các xoang bên trong mũi và đầu bị sưng và viêm trong ba tháng hoặc lâu hơn. Viêm xoang kéo dài ảnh hưởng tới vòi nhĩ và gây đau tai khi nuốt.

+ Viêm tuyến giáp: Bệnh nhân bị viêm tuyến giáp có thể gặp tình trạng nuốt nước bọt bị đau tai được coi là một dạng đau lan tỏa.

- Nuốt nước bọt bị đau tai có phải là dấu hiệu ung thư?

Một khối u ở cổ họng có thể gây đau tai, thường kèm theo các triệu chứng khác như khó nuốt, giảm cân không rõ nguyên nhân, khàn giọng. Như vậy có thể thấy nuốt nước bọt bị đau tai có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư nếu đi kèm cùng các triệu chứng đặc trưng khác.

Ung thư hầu họng tùy từng giai đoạn có thể cần phẫu thuật, hóa - xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch. Phát hiện sớm khối u ung thư sẽ giúp tiên lượng sống của bệnh nhân tốt hơn.

2. Chẩn đoán và điều trị

Trước tiên, tùy từng nguyên nhân khiến bạn nuốt nước bọt bị đau tai là gì và mức độ nghiêm trọng của từng tình trạng mà các phương pháp điều trị cũng có sự khác biệt, chẳng hạn như dùng thuốc kháng sinh, thuốc thông mũi, thuốc chống co giật, vật lý trị liệu, phẫu thuật, hóa-xạ trị trong ung thư... Có một số biện pháp khắc phục giảm đau tai khi nuốt tại nhà như:

- Thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau và giảm viêm.

- Chườm ấm: Chườm ấm lên vùng tai bị đau có thể giúp giảm đau tai khi nuốt tạm thời.

- Uống nhiều nước: Nếu nuốt nước bọt bị đau tai do tụ dịch, hãy cố gắng uống đủ nước để hỗ trợ làm loãng chất nhầy và thúc đẩy quá trình tiêu dịch.

- Thuốc nhỏ tai: Một số loại thuốc nhỏ tai không kê đơn có thể giúp làm dịu cơn đau tai khi nuốt.

- Bài tập hàm: Bài tập hàm nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau liên quan đến TMJ.

Khi nào nuốt nước bọt bị đau tai cần khám bác sĩ? Ảnh: ST

Khi nào nuốt nước bọt bị đau tai cần khám bác sĩ? Ảnh: ST

3. Khi nào nuốt nước bọt bị đau tai cần khám bác sĩ?

Nếu tình trạng nuốt nước bọt bị đau tai kéo dài vài ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm hãy thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán. Đặc biệt, cần khám ngay nếu bạn vừa bị đau tai khi nuốt vừa kèm theo các tình trạng như: Sốt cao, cảm thấy run rẩy, có dịch hôi chảy ra từ tai, mất thính lực, sưng ở trong và các tổ chức xung quanh tai, nôn mửa, đau họng nghiêm trọng, chóng mặt, sờ nắn thấy một khối u cổ bất thường, mảng trắng phủ thành họng sau, viêm tai thường xuyên tái phát, giảm cân không rõ nguyên nhân...

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh, các triệu chứng mà bạn gặp phải, tần suất nuốt nước bọt bị đau tai như thế nào, có hoạt động nào khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn không,...

Tùy thuộc vào triệu chứng mà bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một hoặc một vài các xét nghiệm phục vụ cho việc chẩn đoán như: Đo thính lực, lấy mẫu phết họng, chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hay chụp MRI để xác định bất thường cấu trúc tai/họng, xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm.

Nhìn chung, nuốt nước bọt bị đau tai không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Điều quan trọng là bạn cần chú ý tới các bất thường của cơ thể để tới cơ sở y tế thăm khám sớm.

Nguồn: Health, Healthline

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nuot-nuoc-bot-bi-dau-tai-la-benh-gi-co-phai-dau-hieu-ung-thu-20241009115452307.htm